Dự án “Nhạc kịch Avenir” – Khi người trẻ mang nhạc kịch Broadway về Việt Nam

Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” trực thuộc dự án Les Misérables Vietnam được tổ chức bởi đội ngũ Nhạc kịch Avenir: Musicals in Hanoi với giấc mơ mang đến một sân khấu Broadway trong lòng Hà Nội và chứng minh cho công chúng rằng: người trẻ hoàn toàn có thể chạm đến nghệ thuật hàn lâm nếu có đủ đam mê và tinh thần lao động nghiêm túc. Cùng Sao Style gặp gỡ Đỗ Đức Sơn – Tổng đạo diễn/Chỉ đạo sản xuất của vở nhạc kịch này để tìm hiểu thêm về giấc mơ chạm đến nghệ thuật hàn lâm của người trẻ.

Profile:

Họ và tên: Đỗ Đức Sơn

Học vấn:

Tốt nghiệp chuyên Văn trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

Ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật

Sáng lập viên tổ chức “Avenir: Musicals in Hanoi”

Tổng đạo diễn/Chỉ đạo sản xuất của vở nhạc kịch “Những Người Khốn Khổ” Việt Nam.

PV: Chào Đức Sơn, bạn là một sinh viên không học chuyên về nghệ thuật nhưng lại đảm nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành, tổng đạo diễn và chỉ đạo sản xuất cho dự án “Nhạc kịch Avenir”. Bạn có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa bạn đến với công việc thú vị này?

Đức Sơn: Tuy không học chuyên về nghệ thuật nhưng mình đã có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật từ rất sớm, đặc biệt là âm nhạc và kịch nghệ ngay từ những ngày đầu mới bước chân vào cấp 3. Cá nhân mình nghĩ rằng công việc của một Giám đốc điều hành và một Tổng đạo diễn/Chỉ đạo sản xuất còn nhiều hơn là những vấn đề về chuyên môn nghệ thuật. Đó là về vấn đề bao quát công việc của tất cả các phòng ban từ sân khấu, sáng tạo đến hậu trường và tổ chức. Dựa vào những kinh nghiệm đã đúc kết được cho bản thân trong 3 năm rưỡi vừa qua, mình nghĩ rằng việc mình đến với công việc này tại “Avenir” và “Những Người Khốn Khổ” không phải là tình cờ hay ngẫu nhiên.

Mặc dù cò rất trẻ nhưng Đỗ Đức Sơn đã là Giám đốc điều hành, tổng đạo diễn/ Chỉ đạo sản xuất cho dự án “Nhạc kịch Avenir”

PV: Vậy bạn có thể chia sẻ cho các độc giả của Saostyle về một số dấu ấn nổi bật trong các hoạt động văn hoá nghệ thuật mà bạn đã tham gia không?

 Đức Sơn: Những dấu ấn nổi bật trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật mà mình đã tham gia có thể kể đến những sự kiện sau:

– Mình đã từng là Vocalist (Ca sĩ) và đồng thời là thành viên Ban Quản Trị (Trưởng ban Truyền thông và Đại diện Đối ngoại) của CLB Glee Ams – CLB Nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn nhất trường Ams.

– Mình đã từng là diễn viên cho vở nhạc kịch “Emily” được tổ chức bởi Thôn Nghệ Thuật trường Hanoi – Amsterdam, diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’espace vào tháng 8/2014.

– Mình là Chỉ đạo Truyền thông/Đại diện Đối ngoại cho vở nhạc kịch “Họa”, được tổ chức bởi Thôn Nghệ Thuật trường Hanoi – Amsterdam, diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ vào tháng 8/2015, 1300 vé của 2 đêm diễn đã được bán hết trong vòng 3 giờ đồng hồ.

Còn hiện tại, mình là Sáng lập viên của tổ chức “Avenir: Musicals in Hanoi” và là Tổng đạo diễn/Chỉ đạo sản xuất của vở nhạc kịch “Những Người Khốn Khổ” Việt Nam.

PV: Được biết, dự án “Nhạc kịch Avenir: Musicals in Hanoi” của các bạn được thực hiện để phát triển một loại hình nghệ thuật vẫn được coi là mới lạ ở Việt Nam – Nhạc kịch. Vậy theo bạn, điều gì đã khiến cho loại hình nghệ thuật này chưa phát triển ở Việt Nam?

Đức Sơn: Nói về những yếu tố khiến cho nhạc kịch Broadway chưa phát triển ở Việt Nam thì nhiều lắm. Nhưng cá nhân mình nghĩ là do hai yếu tố chính:

– Thứ nhất, đó chính là sự giới hạn về kinh phí thực hiện và sự quan tâm của công chúng dành cho nhạc kịch. Ở Việt Nam thì người ta thường đầu tư vào những thứ mang lại lợi nhuận và làm ra tiền hơn là nhắm vào những giá trị văn hóa, nghệ thuật. Vì nghệ thuật là nghệ thuật, nó vốn là “vị nhân sinh” chứ tiền chỉ là thứ yếu. Với đà phát triển của kinh tế, xã hội Việt Nam hiện nay, đầu tư vào cái gì có lợi nhuận là tất yếu, đương nhiên nghệ thuật sẽ bị xếp vào hạng thứ. Mà một vở nhạc kịch, muốn được dàn dựng để đạt tiêu chuẩn có thể đưa ra sân khấu nhằm thỏa mãn khán giả cần phải được đầu tư với kinh phí ít nhất là 300 triệu trở lên.

– Thứ hai chính là sự quan tâm của công chúng. Mình không nghĩ nhạc kịch là một loại hình khó để cảm thụ, vì nhạc kịch là sự kết hợp của kịch nói, âm nhạc và vũ đạo kết hợp diễn xuất. Không có điều gì ở nhạc kịch có thể khiến khán giả cảm thấy buồn chán. Chỉ là công chúng đang quá coi nhẹ các giá trị mà nghệ thuật mang lại cho đời sống. Nghệ thuật nói chung mà công chúng còn khó lòng dành dự quan tâm thì nhạc kịch (điều còn mới) e rằng sẽ càng khó để tiếp cận hơn.

Chàng trai Đỗ Đức Sơn trẻ trung, năng động với nụ cười luôn nở trên môi

PV: Lý do gì đã thôi thúc bạn thực hiện dự án này?

 Đức Sơn: Mặc dù, biết những khó khăn là vậy, nhưng mình và Ban tổ chức vẫn có một niềm tin rằng những người trẻ chúng mình hoàn toàn có thể chạm đến cái tiêu chuẩn của nhạc kịch hàn lâm, nếu có niềm đam mê và tinh thần lao động nghiêm túc vì nghệ thuật. Và mình muốn tạo một giá trị văn hóa xuất phát từ nội tại bên trong khán giả Việt, về một vở nhạc kịch Broadway tiêu chuẩn, sự trân trọng những gì mà nhạc kịch mang lại và cả trân trọng những người làm nghệ thuật nữa.

PV: Được biết trong dự án nhạc kịch Avenir, bạn phải làm việc cùng một đội ngũ mà đa số là các bạn học sinh, sinh viên, họ đều là những người không chuyên và chưa có kinh nghiệm. Điều này có gây nên trở ngại lớn cho bạn không?

Đức Sơn: Chính mình cũng là một người không chuyên. Mình chỉ khác các thành viên trong nhóm là mình có kinh nghiệm hơn họ thôi. Đúng là hầu hết các thành viên được tuyển thì chưa có kinh nghiệm dày dạn về việc tổ chức, dàn dựng một vở nhạc kịch. Nhưng mình tin là những gì mà mình và các trưởng ban truyền đạt sẽ giúp các bạn ấy tích lũy được kinh nghiệm, và cả quãng đường làm dự án này trong suốt 6 tháng trời sẽ giúp các bạn ấy đúc kết được cái gì cần cho bản thân. Vì chính mình cũng từ các bạn ấy đi lên mà thôi. Mình cũng đã từng là họ nên mình biết là họ sẽ học được gì và trở thành ai.

 Đương nhiên sẽ có những khó khăn hay trở ngại. Nhiều lúc chính mình phải trực tiếp giải quyết những vấn đề hoặc lỗ hổng từ phía dưới. Nhưng khi làm việc với nhau được một thời gian, thì đâu lại vào đó và mâu thuẫn cũng như trở ngại cũng giảm bớt đi dần dần. Còn hiện tại mới trong thời gian đầu của quá trình sản xuất vở nhạc kịch nên mình cũng chưa thấy một trở ngại gì quá lớn đến mức mình phải ghi nhớ thật lâu.

Ê-kip thực hiện chương trình Nhạc kịch Avenir là những bạn sinh viên, học sinh còn rất trẻ

PV: Là một dự án của sinh viên, nhưng thời gian triển khai dự án lại lên tới gần 8 tháng cho một vở nhạc kịch công chiếu trong gần 3 tiếng, điều này có gây ảnh hưởng đến tinh thần của tất cả mọi người trong ê-kip hay không?

Đức Sơn: Mình nghĩ thời gian không phải là vấn đề với toàn bộ ê-kíp. Vì đây là những gì mà gần 80 con người đã lựa chọn trong hàng tỉ những sự lựa chọn khác trên cuộc đời. Một khi các thành viên đã chọn tổ chức này làm nơi dừng chân để cống hiến, mình nghĩ dù thời gian có lâu đến thế nào, từng này con người vẫn sẽ làm tốt những nhiệm vụ của mình.

 PV: Những lý do gì đã khiến bạn chọn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” cho dự án Nhạc kịch sắp tới mà không phải là một vở kịch khác?

 Đức Sơn: Mình chọn “Những Người Khốn Khổ” bởi đây là tác phẩm gần gũi với người Việt Nam nhất. Dù sao mình làm kịch cũng là cho người Việt xem nên mình cũng cần cân nhắc có những sự lựa chọn, những quyết định làm sao để thuận tiện trong quá trình truyền thông cũng như đối ngoại.  Giả sử mình quyết định dàn dựng lại vở “Wicked” hay vở “West Side Story” thì sẽ ít ai biết đó là vở gì và ban tổ chức cũng sẽ gặp khó khăn ở nhiều mảng nhất định khi tiếp cận và phân tích, dàn dựng tác phẩm.

PV: Bạn có nói Avenir có một điểm khác biệt với tất cả các dự án nghệ thuật của sinh viên khác là các tài liệu của dự án sẽ được mua bản quyền cẩn thận. Đây là điều đáng quý. Nhưng thật sự rằng, bạn có lo người khác nói mình đang “chơi trội”? Bởi một dự án sinh viên ở Việt Nam thì dường như chẳng mấy ai quan tâm điều đó?

Đức Sơn: Chẳng ai quan tâm không có nghĩa là mình được quyền phớt lờ đi điều đó. Chưa kể đến tư cách là một người làm nghệ thuật, chỉ với tư cách là một học sinh, hoặc thậm chí là một khán giả, mình nghĩ mình cần dành 1 sự tôn trọng nhất định với nguyên tác và đơn vị sở hữu trí tuệ cho vở nhạc kịch này. Mình không lo người khác bảo mình “chơi trội”. Vì cơ bản chính sự “chơi trội” đó sẽ khiến dự án của mình thực sự nổi bật và khác biệt so với các dự án nghệ thuật trên thị trường. Cái khó khăn nhất để thực hiện một tác phẩm chính là làm sao để khán giả nhớ đến nó khi tấm rèm nhà hát đã đóng lại. Và để làm được như thế thì mình phải khác biệt. Và làm sao để khác biệt? Là làm những điều mà chưa ai làm – Mua bản quyền từ Broadway và West End, trong một xã hội mà chả mấy ai trân trọng sự sáng tạo và trí tuệ của người khác.

Đỗ Đức Sơn trong một buổi làm việc với ê-kip thực hiện dự án

PV: Các bạn sẽ trình bày vở kịch bằng tiếng Anh nhằm mục đích giữ gìn trọn vẹn tinh thần của tác phẩm. Nhưng các bạn có lo ngại điều này sẽ gây trở ngại cho rất nhiều người có khả năng tiếng Anh còn hạn chế không?

Đức Sơn: Đúng là mình có lo ngại một chút về việc đối tượng khán giả sẽ bị giới hạn. Nhưng không vì thế mà mình từ bỏ ý định công diễn vở nhạc kịch này bằng tiếng Anh. Mình muốn vở nhạc kịch này được diễn bằng tiếng Anh nhằm mục đích giữ nguyên bản, trọn vẹn hồn cốt của tác phẩm, bởi “Những Người Khốn Khổ” là một vở nhạc kịch mang tính đặc trưng thời kì và văn hóa rất cao. Việc chuyển thể sang tiếng Việt sẽ khó khăn và nhiều khi còn chưa thoát nghĩa, đủ ý và thậm chí là nghe sẽ khó chịu vì ngôn ngữ dân tộc mình là một ngôn ngữ có thanh điệu, rất khó để phổ lời theo dòng nhạc bán cổ điển như vậy. Mình vẫn giữ nguyên quan điểm là tiếng Anh vẫn là một sự lựa chọn tốt cho dự án. Và công chúng Việt cũng nên dần làm quen với ngôn ngữ này, bởi nếu muốn Việt Nam phát triển, sánh ngang với các cường quốc khác thì đầu tiên chúng ta phải biết hội nhập trước đã.

PV: Đến nay, theo bạn đánh giá, công tác chuẩn bị cho đêm diễn đã được bao nhiêu phần trăm rồi?

Đức Sơn: Từ thời điểm hiện tại đến đêm công diễn còn gần 6 tháng nữa. Đó là một khoảng thời gian khá là dài. Vì vậy còn rất nhiều các công tác chuẩn bị mà chúng mình cần phải thực hiện và hoàn thành. Nếu để đánh giá là được bao nhiêu phần trăm rồi thì mình chỉ dám khẳng định là 30%. Dự án đã thành lập ban tổ chức, làm công tác truyền thông sơ lược cho “Những Người Khốn Khổ” và đã tổ chức casting tuyển diễn viên cho vở nhạc kịch này. Thời gian tới sẽ là thời gian mà BTC đi tìm các Nhà tài trợ, bảo trợ tiềm năng, song song với việc tập luyện cẩn thận cho dàn diễn viên, và thực hiện công tác hậu trường, phục trang và tạo hình.

Buổi casting tuyển diễn viên cho vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” 
PV: Dự án cũng đã đi được một chặng đường. Không biết là đến lúc này thì kỉ niệm nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong bạn?
 Đức Sơn: Đến thời điểm này, kỉ niệm để lại trong mình ấn tượng sâu sắc nhất đó chính là sự kiện casting tuyển diễn viên cho vở nhạc kịch. Thực sự lúc đầu thành lập ra dự án và cho chạy vở nhạc kịch này, mình chỉ mong đây sẽ là một dự án sinh viên, gây được tiếng vang trong cộng đồng yêu nghệ thuật, nhạc kịch của lứa 18, hoặc cùng lắm là 22. Nhưng qua sự kiện casting, mình được chứng kiến sự xuất hiện của một số nhân vật có chuyên môn, tên tuổi cũng ngỏ lời muốn hợp tác, làm việc cùng BTC chúng mình. Mình không thể tưởng tượng được là trong 2 ngày casting lại có nhiều người có tài năng và chuyên nghiệp đến vậy, có người thuộc Top 5 Team Mỹ Tâm của The Voice, có người thì Top 3 của The Voice 2013, có người lại Top 24 Vietnam Idol, có những bạn đi ra từ The Voice Kids cũng đã tới tham gia casting vở nhạc kịch kinh điển này. Thậm chí có những bạn thí sinh bay từ Sài Gòn hay Mỹ về Hà Nội để thử giọng. Điều mà mình ấn tượng nhất là phần thử giọng của chị Âu Bảo Ngân (Top 3 The Voice 2013). Khi được chúng mình hỏi về việc “Nếu chị là một người đã chuyên nghiệp rồi, mà vào dự án sẽ làm việc với những học sinh, sinh viên không chuyên thì chị có cảm thấy thoải mái không?” Chị Ngân có trả lời rằng: “Chị nghĩ các em đã tìm được câu trả lời cho mình rồi. Đó là lí do tại sao chị đang đứng ở đây”.
Điều đó thực sự khiến mình và toàn bộ ban tổ chức cảm thấy hạnh phúc vì trong thời điểm của một xã hội thế này, vẫn còn những con người chuyên nghiệp thực sự vì nghệ thuật và sống vì nghệ thuật.
PV: Xin bạn cho biết định hướng của dự án “Nhạc kịch Avenir: Musicals in Hanoi” trong tương lai là gì?
Đức Sơn: Trong tương lai, nếu dự án “Những Người Khốn Khổ” 2017 này thành công, mình sẽ huy động một dàn nhạc để bắt đầu tập luyện cho một phiên bản “Những Người Khốn Khổ” khác vào năm 2018 sẽ được biểu diễn trên một nền nhạc sống. Và Avenir sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho “Những Người Khốn Khổ” tiếp cận được với nhiều khán giả hơn, ở nhiều tỉnh thành hơn và đương nhiên, sẽ bắt tay vào dàn dựng các vở nhạc kịch khác nữa.

 PV: Cảm ơn những chia sẻ rất chân tình vừa rồi của bạn. Sao Style xin chúc bạn cùng toàn thể ê-kip của dự án nhạc kịch Avenir luôn luôn mạnh khỏe, chúc vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của các bạn thành công rực rỡ!

Đức Sơn: Cảm ơn Sao Style!  

Đoàn Ngọc Chung – Saostyle.vn