Tư duy viết- điều cần thiết và quan trọng (Phần 2)

     Trong các bài Nghị luận xã hội thì việc đưa đề bài là một bài báo, bài luận, chương sách là điều khá phổ biến. Cho nên nắm được logic của chúng cũng chính là một cách để rèn tư duy viết của các bạn học sinh.

Phần 2: PHÂN TÍCH LÔ GIC CỦA MỘT BÀI BÁO, BÀI LUẬN, CHƯƠNG SÁCH

Một cách quan trọng để hiểu một bài luận, bài báo hay chương sách là thông qua sự phân tích các bộ phận trong lập luận của tác giả. Một khi làm được điều này, bạn có thể đánh giá lập luận của tác giả bằng các chuẩn trí tuệ. Dưới đây alf một mẫu:

  1. Mục đích chính của bài báo này là________________. (Ở đây bạn đang cố gắng phát biểu, càng đúng càng tốt, ý định của tác giả khi viết bài báo này. Tác giả đang cố gắng đạt tới điều gì?)
  2. Câu hỏi cốt lõi mà tác giả đề cập là ________________. (Mục tiêu của bạn là tìm ra câu hỏi cốt lõi trong đầu tác giả khi họ viết bài báo này. Câu hỏi cốt lõi được đề cập trong bài báo là gì?)
  3. Thông tin quan trọng nhất trong bài báo là_____________. (Bạn phải nhận diện những thông tin quan trọng mà tác giả đã sử dụng hay tiền giả định trong bài báo để ủng hộ cho các lập luận của mình. Ở đây, bạn phải tìm kiếm các sự kiện, kinh nghiệm hoặc các dữ kiện mà các tác giả đang sử dụng để ủng hộ những kết luận của họ).
  4. Những suy luận chính trong bài báo là________________. (Bạn phải nhận diện những kết luận quan trọng nhất mà tác giả đã tìm ra và trình bày trong bài báo).
  5. (Những) khái niệm then chốt mà ta cần hiểu trong bài báo là___________. Qua những khái niệm này, tác giả muốn nói______________. (Hãy nhận diện những ý niệm ấy và tự hỏi: đâu là những ý niệm quan trọng nhất mà bạn phải biết để hiểu hướng lập luận của tác giả? Sau đó hãy làm sáng tỏ những điều tác giả muốn nói qua những ý niệm ấy).
  6. (Những) giả định chính nằm bên dưới tư duy của tác giả là____________. (Hãy tự hỏi mình: Tác giả đang xem điều gì là đương nhiên trong khi lẽ ra phải tra vấn? Những giả định là những sự khái quát hóa mà tác giả không nghĩ họ phải biện minh trong bài viết của mình, và chúng thường không được phát biểu ra. Đây chính là chỗ tư duy của tác giả bắt đầu lôgic).
  7. Nếu chúng ta chấp nhận hướng lập luận này của tác giả, những hàm ý sẽ là____________. (Những hệ quả nào có thể sẽ nảy sinh nếu ta đi theo lập luận của tác giả? Ở đây bạn phải theo đuổi những hàm ý lô gic trong lập trường của tác giả. Bạn cần chú ý đến những lập trường mà tác giả đã phát biểu và cả những hàm ý mà tác giả không phát biểu).

Nếu chúng ta không xem xét nghiêm túc hướng lập luận này, những hàm ý sẽ là________________. (Những hệ quả nào sẽ nảy sinh nếu người ta làm ngơ lập luận của tác giả?)

8. (Những) góc nhìn chính được trình bày trong bài báo là_______________. (Câu hỏi chính mà bạn đang ra sức trả lời ở đây là: Tác giả đang xem xét điều gì và xem xét như thế nào?)

Nếu thực sự hiểu những cấu trúc này khi chúng quan hệ qua lại với nhau trong một bài báo, bài luận hay chương sách, bạn sẽ có khả năng “tư duy ở vị trí tác giả”. Đây là 8 cấu trúc cơ bản xác định mọi lập luận. Chúng là những yếu tố bản chất của tư tưởng.

Minh Phương – Saostyle.vn

Theo Cẩm nang tư duy viết