Thông qua việc trưng bày những đồ vật gợi nhắc đến những câu chuyện nghề, chuyện đời, các nhân vật truyền cảm hứng trong triển lãm “Động lực: Hành trình của tôi” đã góp một phần nhỏ bé để nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với lĩnh vực báo chí – truyền thông cho các bạn sinh viên.
Tiếp nối thành công của triển lãm ảnh trong mùa Sóng trẻ Festival 2018, ngày 23/9, triển lãm “Động lực: Hành trình của tôi” được diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm giới thiệu những câu chuyện xoay quanh chủ đề báo chí và những lĩnh vực liên ngành như một cách tri ân các thế hệ đi trước đồng thời truyền cảm hứng, động lực làm nghề cho các bạn trẻ đã, đang và sẽ học tập và làm việc trong môi trường báo chí – truyền thông.
Buổi triển lãm giới thiệu 10 kỷ vật bên cạnh những câu chuyện truyền cảm hứng của những giảng viên, phóng viên và sinh viên hiện đang theo đuổi lĩnh vực báo chí – truyền thông. Mỗi người mang đến một trải nghiệm riêng, một câu chuyện riêng nhưng tựu chung lại đều truyền đi niềm cảm hứng sống và làm nghề mạnh mẽ.
“Nếu thích cái gì, thì hãy cứ làm, đừng sợ”
Là một trong những nhân vật truyền cảm hứng của triển lãm “Động lực: Hành trình của tôi”, Th.S Đinh Ngọc Sơn – Phó trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình đã mang tới cho các bạn sinh viên câu chuyện theo đuổi đam mê với báo chí.
Nói về cơ duyên với nghề báo, Th.S Đinh Ngọc Sơn chia sẻ: “Với tôi nghề báo như một cái duyên. Có một lần anh tôi đi họp ở trên huyện, thấy thông báo Phòng Văn hóa Thông tin tuyển năng khiếu, chỉ nghĩ thi năng khiếu là thi vẽ nên rủ tôi đi tuyển. Tôi cũng cuộn bức tranh, đem lên phòng văn hóa để cho người ta xem. Nhưng đến nơi, bác trưởng phòng bảo hôm nay chỉ tuyển phát thanh viên chứ không thi vẽ. Lúc ấy thấy tôi buồn quá, bác mới bảo tôi cứ thử vào đọc bản tin xem. Tôi cũng không biết gì, thấy người ta đưa mấy tờ bản tin thì cứ thử ngồi trước micro đọc. Một thời gian sau người ta liên hệ lại với tôi, báo lên cơ quan để thử việc. Kể từ đó tôi bắt đầu nghề đọc chương trình phát thanh”.
Đến với báo chí một cách tình cờ, nhưng để theo đuổi công việc này một cách nghiêm túc và bền bỉ thì lại là cả một cuộc hành trình dài. Chia sẻ về tầm quan trọng đam mê với với việc giữ lửa trong công việc, thầy Sơn cho biết: “Tôi chưa từng có ước mơ làm báo, chỉ tình cờ vì thích vẽ mà có cơ duyên đến với nghề này. Nếu mình không có đam mê, không làm gì cả thì chưa chắc cơ hội sẽ đến. Vì đôi khi niềm đam mê, yêu thích một điều gì cũng là một cái duyên, một cơ hội để tạo ra những cơ hội khác”.
Không chỉ mang đến câu chuyện truyền cảm hứng, Th.S Đinh Ngọc Sơn còn gửi tới các bạn tân sinh viên lời khuyên: “Tôi mong các bạn trẻ nếu yêu thích điều gì thì đừng sợ, vì có thể từ niềm đam mê đó sẽ mở ra cho các bạn nhiều cơ hội hơn”.
“Nếu mình yêu nghề, nghề sẽ yêu mình”
Đến với triển lãm “Động lực: Hành trình của tôi”, phóng viên Đoàn Bổng hiện đang công tác tại báo Vietnamnet mang tới kỷ vật là chiếc máy ảnh đã gắn bó suốt quãng thời gian làm nghề cùng câu chuyện về thái độ của người trẻ đối với báo chí.
Với phóng viên Đoàn Bổng, chiếc máy ảnh không chỉ là phương tiện hỗ trợ tác nghiệp mà nó còn là người bạn đồng hành trong những năm tháng làm nghề. “Mình mua chiếc máy này khi còn là sinh viên. Máy ảnh này theo mình khắp mọi nơi từ cháy nổ, thiên tai hay hoả hoạn. Có nhiều lúc anh muốn mua máy mới và hoàn toàn có thể làm điều đó nhưng anh vẫn muốn giữ nó lại. Nếu xét về giá trị vật chất thì nó không đáng bao nhiêu nhưng về tinh thần thì lại rất nhiều”.
Bên cạnh câu chuyện về kỷ vật, phóng viên Đoàn Bổng cũng chia sẻ những trải nghiệm của bản thân với nghề báo.“Nghề báo có nhiều cám dỗ chứ, nhưng nếu mình tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật thì mình vẫn sẽ vượt qua được. Bằng chính trải nghiệm của tôi, tôi biết rằng nếu mình yêu nghề thì nghề sẽ yêu mình. Nghề báo nuôi sống mình được, tuy không sung túc nhưng nó cho mình nhiều trải nghiệm”.
Để gửi một lời khuyên đến các bạn sinh viên muốn theo đuổi nghề báo, anh Đoàn Bổng bày tỏ: “Anh xuất phát từ con số không, không biết gì về báo chí cả nhưng thầy cô đã sửa cho anh rất nhiều. Thái độ tôn trọng, nhiệt huyết với công việc là điều quan trọng”.
Hành trình vượt 2000 km đi học của nữ sinh viên trường Báo
“Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi được gọi là “tận cùng của tổ quốc”, đó là một vùng quê giản dị, yên ả như cái tên của nó – Thới Bình… Tôi yêu nơi đó lắm và đã từng nghĩ sẽ không bao giờ rời xa nơi ấy… Nhưng hiện tại, tôi đang sinh sống và học tập ở một thành phố xa quê những 2000 km. Người ta hỏi tại sao tôi lại đi xa như vậy chỉ để học đại học?”. Đó là lời chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Mộng – sinh viên lớp Truyền hình 37A2 về hành trình vượt 2000 km từ Cà Mau ra Hà Nội để theo đuổi giấc mơ với nghề báo.
Chọn Hà Nội và Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi để gắn bó suốt bốn năm Đại học, bạn Nguyễn Thị Mộng phải đối diện với không ít những thách thức. “Tôi từng gặp nhiều khó khăn, người tốt giúp mình cũng có, người xấu lừa mình cũng có”.
Cuộc sống xa nhà là điều không dễ dàng với bất cứ một sinh viên nào. Thế nhưng, để nói về quyết định của mình, Nguyễn Thị Mộng không cảm thấy hối hận: “Chọn Hà Nội, chọn Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một quyết định liều lĩnh của cuộc đời. Mỗi một người sẽ có đột phá riêng và bản thân tôi cũng vậy. Tôi đã thuyết phục gia đình suốt 6 tháng để được ra Hà Nội. Với tâm thế không được bỏ cuộc, vì bản thân vì gia đình, động lực để tôi cố gắng và không bỏ cuộc đó là mong muốn phát triển bản thân mình hơn, mong muốn có một cuộc sống tốt hơn”.
Hành trình vượt 2000 km để chinh phục đam mê của nữ sinh viên Báo chí đã tiếp thêm động lực và sự can đảm để các bạn sinh viên có thể dũng cảm theo đuổi đam mê của mình.
Mỗi câu chuyện, mỗi hành trình của những nhân vật truyền cảm hứng gieo vào lòng các bạn sinh viên những suy nghĩ, cảm xúc riêng về những con người dũng cảm theo nghề, bền bỉ với nghề. Ngọn lửa hừng hực từ câu chuyện, những kỷ niệm gắn với các kỷ vật giúp các sinh viên đến triển lãm hiểu hơn về những câu chuyện đời, chuyện nghề để từ đó có thể nuôi dưỡng ước mơ trở thành những phóng viên với “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”.
Đội viết – Sóng trẻ Festival