Theo nhà phê bình David Cox, gần như chắc chắn La La Land sẽ ca khúc khải hoàn tại Oscar 2017, nhưng thắng lợi của bộ phim này không hề xứng đáng.
David Cox là một nhà biên kịch/nhà sản xuất chương trình truyền hình nổi tiếng của Anh. Trong hơn 40 năm sự nghiệp, ông là tác giả nhiều chương trình có nội dung đa dạng, phản ánh thời cuộc cũng như tài liệu lịch sử, đã và đang phát sóng trên nhiều kênh của Anh như BBC, ITV, Channel 4.
Ở tuổi 68, ông không còn trực tiếp viết kịch bản hay biên tập các chương trình truyền hình nữa, song vẫn cộng tác thường xuyên với các báo như Guardian, Telegraph, Independent với tư cách cây bút phê bình điện ảnh.
Bài viết dưới đây của ông với nhan đề Chiến thắng được báo trước của La La Land sẽ là thảm họa với Hollywood – và với tất cả chúng ta đã được đăng tải trên báo Guardian hôm 23/2 vừa qua. Báo điện tử Trí Thức Trẻ xin gửi tới quý độc giả bản dịch.
Lâu lắm rồi tôi mới thấy một kì Oscar nhạt nhẽo đến thế này. Nếu bạn đặt cửa La La Land giành giải bộ phim xuất sắc nhất, tỉ lệ hấp dẫn nhất bạn có thể kiếm chác được là đặt 9 ăn 2.
La La Land cũng được đề cử trong 13 hạng mục khác, ngang bằng với kỉ lục số đề cử của Titanic và All About Eve. Trước đó, La La Land đã kịp “bỏ túi” 7 giải Quả cầu Vàng, và 5 giải Bafta.
Các nhà phê bình đều bị thuyết phục.
Tại Anh, các tờ The Sun, Mirror, Metro, và thậm chí cả những Guardian, Times, và Telegraph đều đã dành tặng đánh giá 5 sao cho La La Land. Khán giả cũng tương tự. Số tiền bán vé thu về đã gấp hơn 10 lần ngân sách (30 triệu USD) bỏ ra để làm phim.
Trong bối cảnh như vậy, cũng không ngạc nhiên khi bộ phim phải hứng chịu một vài ý kiến phản bác, và một phong trào “nổi dậy” chỉ trích bộ phim đã nổ ra.
Trong đó, nam chính Sebastian do Ryan Gosling thủ vai đã bị gán cho cái mác “vô cảm”, cũng như thể hiện không phù hợp cái “hồn” của nhạc jazz trong phim.
Cả vai Sebastian lẫn vai Mia do Emma Stone đảm nhiệm đều bị những người trong phong trào nói trên cho là thiếu chiều sâu, và không ăn ý trong diễn xuất. Giọng hát của bộ đôi này cũng bị cho là đã gây thất vọng.
Một số người khác xoáy vào kịch bản, và cho rằng nó không đủ độ thuyết phục. Họ không hiểu tại sao Seb và Mia lại phải chia tay? Họ cho rằng việc phải sống chia cắt một thời gian đâu nhất thiết phải phá hỏng một mối quan hệ như vậy.
Và sau đó là cái kết khá vô lý.
Không hiểu nó có hàm ý gì? Hàm ý là Seb và Mia đáng ra phải ở bên nhau khi còn có thể, nhưng lại không làm như vậy và vẫn hài lòng với con đường khác mà họ đã chọn?
Tổng kết lại, những người thuộc nhóm chỉ trích La La Land đã dùng những từ ngữ như nhạt nhẽo, thiếu hài hước, thiếu sức sống, không tạo cảm hứng, v.v…
Tạp chí Observer của Mỹ đã gọi bộ phim này là “đại loại kiểu như nhạc kịch, kiểu như phim về jazz, kiểu như nói lên số phận những kẻ yếu thế, nhưng tựu chung lại thì yếu kém một cách đáng thất vọng“.
Thật vậy, tất cả những chỉ trích nói trên đều xuất phát một sự thiếu sót ẩn sâu đằng sau lớp vỏ hào nhoáng của La La Land: đây là một bộ phim giả tạo. Chọc ngón tay qua lớp kem phủ đầy đường ở trên và bạn sẽ không thấy chút bánh nào ở dưới – một bộ phim vô cảm, vô hồn, không có niềm vui, không đem lại sự ấm áp, không tạo nên chút mộng mơ.
Để tạo sức hấp dẫn giả tưởng, La La Land không chỉ tận dụng những nguồn lực vốn có mà còn cả những “cái bẫy” dàn xếp bên ngoài. Bộ phim dựa vào vẻ đẹp của hai ngôi sao thủ vai chính, dựa vào những lần cặp đôi trong những bộ phim trước đó của hai người.
Cùng với đó là giấc mơ Hollywood cùng bối cảnh một California đầy nắng. Trên tất cả, La La Land chẳng khác nào một bộ phim “kí sinh”, sống dựa vào thành công của những bộ phim chất lượng hơn trong quá khứ.
Cụ thể, khi Gosling đu trên cột đèn, La La Land muốn bạn nhớ lại Singing in the Rain. Tương tự là những chi tiết gợi nhớ đến West Side Story, Funny Face, The Young Girls of Rochefort, Shall We Dance, The Umbrellas of Cherbourg và nhiều bộ phim khác nữa.
Nhà sản xuất La La Land muốn khán giả tin rằng bộ phim của họ cũng đem lại niềm vui, sự hài hước, cũng có chung những bi kịch, và sự nhân văn như những tuyệt phẩm kể trên.
Nhưng La La Land không có được những điều đó.
Đa phần những bộ phim kể trên thuộc thể loại tình cảm lãng mạn. Chúng đề cao tình yêu và cuộc sống. La La Land lại nhấn mạnh điều ngược lại. Hai nhân vật chính trong phim không tìm thấy giá trị cuộc sống ở người còn lại. Đa phần cuộc tình của họ chỉ được thể hiện một cách sơ sài, những khoảnh khắc tình cảm của họ thì đầy tính sáo rỗng.
Seb và Mia đến với nhau khi sự nghiệp của họ đang xuống dốc. Nhưng khi họ đã hỗ trợ nhau để mỗi người đến được với thành công trong sự nghiệp của riêng mình, thì cả hai bỏ nhau chóng vánh chẳng khác gì tên lửa bắn ra từ bệ phóng.
Những giấc mơ hai người chọn theo đuổi để thế chỗ cho cuộc tình của họ không liên quan gì đến nghĩa vụ hay vì một mục đích nhân văn nào cả, mà chỉ là để thỏa mãn nguyện vọng của bản thân. “Thành phố của những ngôi sao, phải chăng những ngôi sao ấy đang chiếu sáng chỉ vì tôi?” – câu hát trong bài City of Stars đã nói lên tât cả.
Trong phim, Mia chỉ ra ngoài cánh cửa sổ, tương tự với cảnh Bogart và Bergman nhìn ra cửa sổ trong Casablanca. Casablanca là biểu trưng cho sự hi sinh vì tình yêu. Còn trong La La Land, tình yêu trở thành con tốt thí cho cái tôi cá nhân. Hai nhân vật chính trong La La Land hoàn toàn vô cảm và không có chút hài hước nào, bởi đó là những nét đặc trưng của những người quá đề cao cái tôi cá nhân.
Mia chỉ là một con số 0 tròn trĩnh bởi cô đã trở thành tù nhân cho chính những hoài bão của mình. Seb nghĩ mình là một vị anh hùng bảo vệ nghệ thuật, nhưng anh giống một gã mọt sách hơn một nhạc công.
Với Seb, jazz chỉ là phương tiện để anh đề cao cái tôi của mình. Những ai thật sự say mê jazz cho rằng những người theo chủ nghĩa thuần túy như Seb không hề đóng vai giải cứu, mà thực chất chính là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của dòng nhạc này.
Cái tôi quá lớn của hai nhân vật còn được thể hiện trong những chi tiết khác. Khi Seb tới nhà đón Mia, anh bấm còi xe inh ỏi chứ không bấm chuông nhà. Mặc kệ hàng xóm nghĩ gì, bởi Seb mới là trung tâm của vũ trụ. Khi Mia tới tìm Seb trong rạp chiếu phim, cô đứng chắn tầm nhìn của khán giả. Đương nhiên rồi, bởi chỉ có cô mới quan trọng, những người đi xem phim khác thì không.
Giờ thì chúng ta có thể hiểu tại sao bộ đôi này chia tay. Trong đêm cuối cùng bên nhau, họ nguyện sẽ yêu nhau trọn đời, nhưng cũng cam kết sẽ theo đuổi giấc mơ của riêng mình. Thực ra, họ đều đã xác định từ đầu rằng giấc mơ của mình quan trọng hơn tình yêu với người kia.
Cuối phim, Seb có vẻ hơi cô đơn và Mia có vẻ hơi buồn chán, nhưng chẳng sao cả. Bởi nụ cười của họ ở đoạn kết cho thấy cả hai đều đã đạt được điều quan trọng hơn cả đối với họ: sự tự mãn.
Tuy vậy, có thể nói La La Land là một bộ phim phù hợp với thời thế. Với những hình thức tự phô trương bản thân, những Twitter, những selfie,… tất cả chúng ta giờ đều là những kẻ tự luyến. Rất nhiều người trong chúng ta sẽ bất chấp mọi thứ để được như Seb hay Mia ở cuối phim.
Xin nói thêm là để chuẩn bị cho vai diễn này, Ryan Gosling đã tập chơi piano cấp tốc trong 3 tháng. Nếu đơn giản như vậy, và không cần phải quá giỏi, thì tất cả chúng ta có thể tự tưởng tượng cảnh bản thân tập piano trong 3 tháng và cùng với đó là bộ ảnh Instagram để phục vụ cái tôi của mình.
Không khó để hiểu tại sao những người bình chọn đề cao La La Land. Bởi phần đông trong số họ đã đi trên chính con đường mà Seb và Mia đã chọn.
Chứng kiến những lựa chọn của cuộc đời họ bị trói buộc trong khuôn khổ nghề nghiệp mình đã chọn thể hiện trên phim sẽ khiến họ cảm thấy bình yên phần nào. Trong khi đó, những bộ phim từng đoạt giải như Schindler’s List, Gandhi, Chariots of Fire, hay Titanic lại hướng đến mặt tốt của con người, thay vì xoáy vào những yếu điểm như La La Land.
Trong kì Oscar năm nay có những bộ phim khác vẫn sẽ khiến chúng ta cảm thấy tự hào với loài người. Như chuyện tình trong Moonlight, như sự hối cải trong Manchester by the Sea, như sự vị tha trong Hacksaw Ridge. Bất kì bộ phim nào trong số này cũng xứng đáng giành chiến thắng hơn sự kết hợp lòe loẹt nhưng vô vị của đạo diễn Damien Chazelle.
Chiến thắng được báo trước của La La Land trong đêm trao giải sắp tới sẽ gửi đến cho chúng ta một thông điệp về thời đại hiện nay.
Nhưng có thể khẳng định rằng thắng lợi của La La Land sẽ không phải là thắng lợi cho các nhà làm phim, không phải là thắng lợi cho khán giả, và cũng chẳng phải là thắng lợi cho môn nghệ thuật thứ bảy.
Nguồn: Trí thức trẻ