Ước mơ mở tiệm massage của vợ chồng khiếm thị để nuôi hai con ăn học

Bươn chải hơn 20 năm bằng nghề xoa bóp, ấn huyệt, vợ chồng anh Phú chỉ mong sao đủ sức chu toàn việc học cho hai con. Thế nhưng nhiều chứng bệnh ập đến bất ngờ khiến anh Phúc tưởng chừng như gục ngã.

Chương trình Thần tài gõ cửa đã đến xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận để lắng nghe câu chuyện vượt khó của gia đình anh Nguyễn Phú Phúc (1977), và chị Phạm Thị Mai Anh (1980).

Mắc chứng teo gai thị giác từ năm 14 tuổi, ánh sáng, con chữ từ đó cũng nhoè nhoẹt như chính tương lai của anh Phúc. Năm 2006, khi đã mất hoàn toàn thị lực, anh Phúc quyết định tìm đến Hội người mù tỉnh Bình Thuận để học chữ nổi. Nghề massage cũng bén duyên từ đó. Nhờ vậy mà anh Phúc gặp gỡ chị Mai Anh – người phụ nữ đồng cảnh khiếm thị.

Chị Mai Anh kể về đời mình: “Năm 2 tuổi thì tôi bị sởi là tôi bị mù từ lúc đó cho tới nay. Tới năm 2006 thì tôi được đi học chữ nổi ở Hội người mù tỉnh. Hai vợ chồng tôi gặp nhau từ lúc đi học nghề massage”. Năm 2010, vừa vui mừng chào đón con trai đầu lòng Nguyễn Phước Hậu ra đời thì không lâu sau, anh Phúc phát hiện bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ phải vay mượn hơn 80 triệu đồng để chữa trị ở TP HCM.

Chị Mai Anh tâm sự: “Trong thời gian mà chồng tôi bệnh nhiều, 2 vợ chồng tôi cố gắng không có mướn nhà trọ, ở chung trong cơ sở Hội người mù tỉnh để tiết kiệm được 1 số tiền mà đi tái khám. Khi mà chồng bệnh thì tui là người gánh vác trong gia đình, con thì phải gửi về bên nhà nội. Đến năm 2018 thì tui có sinh thêm bé Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm. Hai vợ chồng tôi là người khiếm thị nên đẻ ra được 2 đứa nó lành lặn thì 2 vợ chồng rất vui. Nên là có cực khổ mấy thì tôi cũng lo làm để nuôi 2 đứa nhỏ ăn học”.

Nguồn khách đến xoa bóp không ổn định khiến gia đình càng thêm chênh vênh. Càng thấy vợ sớm hôm tranh thủ nhận thêm vài suất massage là lòng người chồng như anh Phúc càng quặn thắt. Vậy là mặc cho cơn đau nhức, anh chọn cách quay lại nghề xoa bóp.

Quá nhiều căn bệnh ập tới như thử thách sự kiên trì của người đàn ông trụ cột. Tháng 7/2023 anh chị phải cầm cố căn nhà ở quê thuộc xã Hàm Hiệp để trang trải chi phí chữa bệnh và trả phần nào số nợ đã vay mượn từ lâu.

Hơn ai hết, anh chị hiểu rằng nếu không đủ sức làm lụng thì chặng đường học tập của các con không phải dang dở. Thêm nữa là gia đình gồm 2 anh chị ruột đồng cảnh khiếm thị cùng người em thiểu năng trí tuệ ở quê nhà cũng chẳng biết nương tựa vào ai.

Chị ruột của anh Phúc chia sẻ: “Trước đây gia đình của tôi nghèo lắm, nhà có đông anh em người khiếm thị nhưng có mình Phúc là dạn dĩ nhất. Sau khi Phúc đi học chữ nổi và mat-xa xong rồi về khuyến khích tôi với anh Quy – anh thứ 6 đi học theo. Nhờ đó mà tôi cũng biết thêm nghề mat-xa. Lúc trước tôi cũng có đi làm trong các cơ sở nhưng từ ngày có gia đình thì phải chăm con và chăm em bị thiểu năng trí tuệ nên nhận mat-xa dạo ở gần gần nhà thôi. Một suất tôi lấy có 50 ngàn thôi vì mình không có đồ nghề, dụng cụ để làm”.

Ước mong quay trở về quê nhà ở xã Hàm Hiệp mở cơ sở massage để các anh em khiếm thị trong gia đình có nơi làm việc ổn định càng cháy bỏng hơn khi anh chị nhận ra sức khoẻ của người em út bị thiểu năng trí tuệ ngày một lao dốc. Anh Phúc tâm sự: “Gia đình 4 thành viên khiếm thị đã khổ nhưng thấy hoàn cảnh em mình còn khổ hơn. Nên có nhịn ăn thì tôi cũng ráng làm để lo cho em được đầy đủ. Hằng tháng 2 vợ chồng tôi ở cơ sở massage tại thị trấn sẽ mua gạo, mắm muối đem về cho chị Vinh nấu nướng, chăm sóc em”.

Chương trình Thần tài gõ cửa phát sóng lúc 19h10 Chủ nhật hàng tuần, trên kênh THVL1. Chương trình do Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.