NTK Tia-Thủy Nguyễn triển lãm “Hoa đời” và các tác phẩm tái sinh tại “thánh đường nghệ thuật” Pháp

Triển lãm sắp đặt của Tia- Thủy Nguyễn (NTK Thủy Nguyễn) đã nhận được nhiều chú ý của giới mộ điệu khi kể lên vòng xoáy cuộc sống, định luật Bảo toàn năng lượng chỉ từ hình ảnh một thân cây sồi khô mục. Tổng cộng, Tia-Thuỷ Nguyễn có đến 11 tác phẩm được trưng bày tại Château La Coste, Pháp ở lần thứ 3 này.

Vừa qua ngày 18/11, triển lãm nghệ thuật Flower of Life (Hoa đời) của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn (NTK Thủy Nguyễn) đã được diễn ra trong khuôn viên Château La Coste, miền Nam nước Pháp. Nơi được xem là “thánh địa nghệ thuật” của Pháp, kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật đương đại, kiến trúc và văn hóa rượu vang. Nơi đây có sự hiện diện các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc của một số nghệ sĩ và kiến trúc sư “gạo cội” thế giới, một trong số đó là nghệ sĩ người Mỹ gốc Pháp Louise Bourgeois, Frank O. Gehry, Tadao Ando, Hiroshi Sugimoto, Louise Bourgeois, Richard Rogers, Sophie Calle, Tracey Emin, Jean Nouvel….Triển lãm được diễn ra xuyên suốt đến 30/01/2024.

Được biết, đây là lần thứ 3 nữ nghệ sĩ Việt Nam được mời tổ chức triển lãm tại nơi đây. Ở lần quay trở lại này, Tia- Thủy Nguyễn khéo léo kể lên câu chuyện về vòng tròn cuộc sống – cái tưởng chừng đã mất nay lại tái sinh theo một thực thể khác biệt, thực hành thông qua hình ảnh “Hoa đời“. Triển lãm đã thu hút hàng nghìn người nước ngoài, giới mộ điệu đến thưởng thức nghệ thuật. Bạn bè tại Pháp của Tia-Thuỷ Nguyễn cũng có mặt để ủng hộ cô. Đặc biệt, loạt nghệ sĩ Việt Nam cũng chia sẻ niềm tự hào và chúc mừng Tia-Thuỷ Nguyễn qua các bài đăng trên mạng xã hội.

Vẫn kiên định với câu chuyện kể từ ánh sáng, ở Hoa đời lần này, nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn chọn khắc họa mọi thứ thông qua một thân cây sồi cao 18m, đã chết đứng giữa đường đi, trong khuôn viên của Château La Coste. Hoạt động triển lãm Hoa đời được tổ chức ở 2 không gian: giữa khu vườn đầy nắng và không gian nhà kín.

Hoa đời sau khi được mặc áo mới, sắp đặt lại tại chính địa điểm cũ nơi nó từng sống một kiếp trước xanh tươi, tỏa bóng. Cây sồi vẫn đứng yên, nhưng nó không còn thờ ơ với mọi chuyển động xung quanh mình nữa. Một cơn gió đến lay động cành lá cũng khiến chúng phản quang; một tia nắng đúng hẹn sẽ khiến lòng cây bừng sáng; ban đêm, một ánh đèn xe rọi vào cũng sẽ khiến nó ‘bật’ lại ngay lập tức.

Không gian trong nhà là nơi trưng bày những tác phẩm phái sinh từ “Hoa đời”. Nơi đây được gọi là The Oscar Niemer, do nghệ sĩ Tunga nổi tiếng của Brazil thiết kế. Triển lãm trưng bày hơn 10 tác phẩm trải qua nhiều thể loại và chất liệu: phù điêu, tranh thêu hai mặt làm từ dây thép, tranh sơn dầu, đính kết… và kể một câu chuyện khác, một góc nhìn khác và nhiều kĩ thuật khác về tác phẩm Hoa đời, nhưng vẫn giữ nguyên câu chuyện về năng lượng và cuộc chơi với ánh sáng. Trong đó, tác phẩm Boisterous nostalgia (Hoài niệm cất tiếng) là sáng tạo nổi bật, thu hút đông đảo khán giả yêu nghệ thuật đến thưởng lãm, chụp ảnh nhiều nhất. Tác phẩm được nghệ sĩ Tia-Thuỷ Nguyễn và nhiều nghệ nhân lành nghề thêu tay thủ công bằng chất liệu thép không gỉ với chiều dài lên đến 7m.

Cách đặt để khởi nguồn trung tâm và nhịp mạch của buổi triển lãm ở thân cây sồi chết chính là chất liệu để người nghệ sĩ dệt nên câu chuyện về một thực thể tồn tại. Từ định luật Bảo toàn năng lượng: “Mọi năng lượng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác”, Tia- Thủy Nguyễn đã xoay quanh việc “tái sử dụng” một đồ vật (ở đây là một cái cây đã chết), tạo cho nó một khả năng mới, một cuộc sống mới thông qua hành động tái cấu trúc lại chính bản thân nó.

Dựa trên cấu trúc ban đầu của thân cây, Tia nghiên cứu và hàn liên kết nhiều lá thép lên trên. Được biết, cô đã mất 2 năm để tạo thành tác phẩm Hoa đời. Đầu tiên, những người thợ dùng búa để gò thủ công từng tấm thép không gỉ dày 5mm, ôm theo hình dáng của phần gốc cây. Sau đó hàn kín các tấm thép này, đồng thời tạo ra những nốt và rãnh xù xì bám vào lớp vỏ cây gồ ghề để tạo nên một vỏ bọc ánh kim ngũ sắc, lấp lánh khi ánh sáng rọi vào. Cành cây được làm với tiết diện nhỏ dần như cành cây thật, được sản xuất thủ công tại Việt Nam, rồi vận chuyển sang Château La Coste. Hàng nghìn chiếc lá bằng thép không gỉ treo lơ lửng và “hoa” được làm từ đá thạch anh đủ sắc màu, phản quang lấp lánh khiến người xem phải ngước nhìn. Ngoài ra hình ảnh này cũng gợi nhớ đến cây “tiền lộc”, được nhiều người thích trang trí nhà cửa để cầu thịnh vượng, bình an.

Theo dòng chảy của triển lãm, với 10 tác phẩm tái sinh từ Hoa đời, Tia- Thuỷ Nguyễn chọn quay về với sơn dầu – kỹ thuật đã theo cô từ những ngày đầu tiếp xúc với hội hoạ. Đây có thể được coi là một bước kết hợp và tiếp tiến trong hành trình thực hành nghệ thuật gần 30 năm qua bàn tay cô. Bên cạnh đó có các tác phẩm tranh thêu hai mặt được làm thủ công từ những sợi thép không gỉ để thể hiện tính luân hồi và xoay chuyển của dòng năng lượng trong tự nhiên.

Thông qua triển lãm lần này, Tia-Thủy Nguyễn cho hay mình luôn trăn trở với văn hóa, cách làm sáng tạo đồng thời muốn đưa nền nghệ thuật nước nhà ra thế giới: “Tôi luôn thách thức chính mình trong việc khám phá, phát triển và đưa những điều mới mẻ trong vẻ đẹp văn hoá dân gian của Việt Nam, từ chất liệu, màu sắc, hình dáng đến thanh âm, ý tứ ẩn chứa vào trong tác phẩm của mình. Từ đây, tôi mong muốn khẳng định giá trị của nền mỹ thuật Việt Nam trên thị trường thế giới”.