Ở cái tuổi lên 7 lên 8, tại mảnh đất Quảng Ngãi thân thương có một cậu bé tên Liêm đã nuôi trong mình niềm đam mê ca hát, đặc biệt là dòng ca cổ Cải Lương qua chiếc radio.
NSND Thanh Tuấn: Lớn lên và trưởng thành từ giai điệu Cải Lương
Nếu dừng thời gian ở thời điểm hiện tại, người yêu nhạc và đặc biệt là dòng nhạc cổ Cải Lương chẳng ai mà không biết đến cái tên Thanh Tuấn cùng với những cống hiến mà người NSND này đã đóng góp. Nhưng để có ánh hào quang rực rỡ ấy, người được xem là “cây đa cây đề” này đã trải qua không ít thăng trầm, có những điều NSND cất riêng cho bản thân để giờ đây khi có cơ hội trò chuyện cùng khán giả, chú ngậm ngùi tâm sự với tất cả cảm xúc vốn dĩ được cất kỹ từ lâu.
Ít ai biết được rằng niềm đam mê ca hát của NSND Thanh Tuấn từ khi còn bé được nuôi dưỡng lớn lên từng ngày từ chiếc radio. Những giai điệu được phát từ chiếc radio cũ như bài học vỡ lòng đầu tiên về cải lương đã giúp cậu bé ấy đến gần hơn với dòng nhạc cổ này qua những vở diễn của cậu Mười Út Trà Ôn, anh Thành Được, chị Út Bạch Lan…Chú kể: “Mỗi trưa có phát những kịch bản, vở tuồng trong 11 giờ trưa đó, anh cứ theo, cứ nghe và học trên đó luôn. Thí dụ như Kim Tiền Bản ca làm sao? Xàng Xê ra làm sao? Phụng Hoàng ca sao? Anh học trên đó từ mấy chú mấy anh ca đó thì anh biết dấu gì dấu gì của bài đó, anh đã khắc đậm trong lòng. Và anh biết hát từ những đĩa hát từ các anh các chú. Học cách đó rồi mới đến lớp trường”.
Hành trình đến với đam mê của NSND Thanh Tuấn cứ thế được nuôi lớn cho đến khi gặp được những người thầy đầu tiên là thầy Út Trọn dạy hát, thầy Bảy Trạch dạy diễn. Với năng khiếu thẩm thấu giai điệu âm nhạc tốt, thêm sự kiên trì học hỏi của bản thân, chú bắt đầu có những vai diễn đầu tiên. Khi nghe NSND Thanh Tuấn chia sẻ đến đây, hẳn đa phần khán giả sẽ cảm nhận được con đường chú đến với cải lương suôn sẻ hơn nhiều so với các nghệ sĩ khác. Bởi thử thách mà chú phải vượt qua ít ai nhận ra, NSND Thanh Tuấn bộc bạch: “Vùng miền Cải Lương là của người miền Nam, là cái nôi. Anh là người miền Trung, cái thổ âm miền Trung nó cứng lắm. Nhưng anh khi bước vào thành phố Hồ Chí Minh bây giờ, anh thay đổi theo thổ âm của những bài ca mà các cô chú ca. Anh đổi hằng ngày. Đầu tiên, anh giảm đi khoảng chừng 50 – 60% tiếng miền Trung. Đến khi qua thầy Bảy Trạch, 3 – 4 tháng sau thì dường như anh được 90% tiếng Nam. Khi đi hát anh được 95%. Đến năm 1965, anh hoàn toàn nói tiếng Nam”. Dù phải hoàn thiện giọng nói nhưng điểm nhấn ở người nghệ sĩ này lại là cách hát rất đặc biệt, giọng ca vàng của dòng nhạc cổ Cải Lương chia sẻ: “Anh trân quý những giọng ca đàn anh đàn chú. Thật sự anh nghe và anh chắt lọc được ra cái nào mình có thể đem về lấy được. Đặc biệt, anh nghiên cứu và tích chọn những cái dấu sắc, dấu nặng, dấu huyền để đưa vào bài ca cho nó ngọt và truyền cảm. Đó là cái riêng của Thanh Tuấn”.
Chặng đường 60 năm cống hiến cho sự nghiệp của NSND Thanh Tuấn
Từ những khổ luyện ấy mà danh ca cải lương Thanh Tuấn bắt đầu có vai kép chánh đầu tiên trong Tướng Cướp Bạch Hải Đường trên sân khấu Bạch Liên Hoa. Để rồi từ đó, chú liên tục nhận được vai kép chính và cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của NSND là sân khấu công ty Kim Chung – nơi mà người nghệ sĩ tài năng này được ca cùng những tên tuổi làm nên dòng nhạc cổ Cải Lương như Minh Phụng, Lệ Thủy, Mỹ Châu…Nổi danh với những vai kép chánh trong các vở Cải Lương thời bấy giờ, NSND Thanh Tuấn được nhiều hãng đĩa thu âm tìm đến. Đó là thời đỉnh cao sự nghiệp khi chú thu âm đến 500, 600 bài. NSND Thanh Tuấn nhớ lại: “Khi nghệ sĩ được lòng công chúng thì lúc đó hết sức là hạnh phúc. Hồi đó là thu cát-xét, thu băng liên tiếp. Sáng ca tới chiều, tối đi hát. Hát xong có những đêm thu đêm, thâu đêm luôn. Sáng hôm sau tập tuồng, tối hát mà liên tục một thời gian dài. Anh nhớ là sau năm 1976, 77, 78, 85, 87, 90, có những ngày thu không mệt mỏi mà vẫn phải làm bởi vì phục vụ cho quần chúng nên đành ráng. Bữa nào mà khàn, khan quá, xin phép “Dạ anh chị, cô ơi nay cho nghỉ một bữa, khàn quá””.
Trên con đường hoạt động nghệ thuật, ngoài những vai diễn để đời trong các vở tuồng huyền thoại, NSND Thanh Tuấn còn có nhiều sáng tác gây tiếng vang như Cuối Nẻo Đường Yêu (1965 – sáng tác đầu tay), Cuộc Đời Mạc Mậu Hợp (dựa trên cuốn sử viết về Vua Mạc Mậu Hợp)…Cho đến cuối 1996, trong lần đi diễn ở An Giang, NSND đã chứng kiến sự khốn khổ của bà con khi gồng mình chống chọi với cơn lũ, bài ca cổ với tựa Cơn Nước Lũ ra đời. Năm 1997, người dân miền Nam tiếp tục trải qua những ngày tháng cùng cục với cơn bão Linda. Chú xúc động kể: “Tang thương quá. Thanh Tuấn coi qua màn hình tivi rồi nghe tin báo đài, vợ con đứng đội nón mưa tầm tã ra đứng chờ chồng ngoài biển khơi”. Sự tang thương mất mát của bà con lúc bấy giờ như thúc dục NSND Thanh Tuấn viết nên Cơn Bão Biển. Điều mà không ai ngờ rằng khi chú đi diễn ở nước ngoài và mang theo 5000 cuốn băng Cơn Bão Biển đã bán sạch không một bản nào.
Chặng đường 60 năm hoạt động dù gom đủ thăng trầm, buồn tủi nhưng chính nhờ những giai điệu và vai diễn khác nhau trong các vở tuồng đã giúp chú trưởng thành từng ngày để tạo nên người NSND Thanh Tuấn như bây giờ. Một người nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật bằng tất cả tâm can dù ở bất kì độ tuổi nào vẫn luôn cống hiến hết mình.
NSND Thanh Tuấn hội ngộ nghệ sĩ Cẩm Tiên tái hiện vở Đường Gươm Nguyên Bá kinh điển sau 28 năm
Đường Gươm Nguyên Bá là một trong những vở Cải Lương làm cho khán giả nhớ đến cái tên Thanh Tuấn theo năm tháng. Khi được gợi nhớ về vai diễn trong vở này, chú nhớ như in chẳng hề phai một chút kí nào về người soạn giả và các đồng nghiệp góp vai:“Cái vở Đường Gươm Nguyên Bá đó thu thanh vào 1972, hãng đĩa Việt Nam và của soạn giả Hoa Phượng. Tại vì anh Phượng viết kịch bản này hay lắm. Anh viết phải nói là đọc kịch bản của anh viết thấy văn học. Anh Phượng viết chắt chiu từng lời thoại, từng lời vọng cổ. Khi diễn viên đọc cái kịch bản của anh đó rồi khi mà ca lên thì tự nhiên trong lòng nó sướng quá. Dễ thuộc và dễ diễn, hình dung được cái bài ca anh viết anh muốn nói cái gì. Từ đó những cái vở diễn tới giờ này người ta vẫn còn thích, còn yêu và vẫn khen những người nghệ sĩ đã đóng trong kịch bản đó. Thành phần những nghệ sĩ lúc đó toàn anh chị giỏi không, có Minh Vương, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, chị Hồng Nga, Thanh Sang…”.
Từ những tâm tư được NSND Thanh Tuấn chia sẻ về Đường Gươm Nguyên Bá, sân khấu Dấu Huyền Thoại thật thiếu sót nếu không cùng chú tái hiện lại vở tuồng này gửi đến khán giả yêu Cải Lương. Gần 50 năm, đó chính là số tuổi của Đường Gươm Nguyên Bá được người nghe biết đến, NSND Thanh Tuấn vẫn khiến bất kỳ ai lỡ đem lòng say mê Cải Lương đắm chìm trong vai diễn và hoạt cảnh đầy cảm xúc năm nào. Có một điều xúc động đằng sau màn tái hiện vở tuồng này là nghệ sĩ Cẩm Tiên có dịp hội ngộ cùng NSND Thanh Tuấn diễn lại Đường Gươm Nguyễn Bá sau 28 năm kể từ ngày diễn chung đầu tiên. Nghệ sĩ Cẩm Tiên vui vẻ trò chuyện: “28 năm về trước, em hát chung với anh Năm vở tuồng này ở đoàn Cải Lương Sông Hậu, rất là hãnh diện khi được hát chung với anh. Thật sự ngày xưa đó, Cẩm Tiên kêu anh Năm bằng chú không à. Tại vì hát chung với anh Năm nên anh nói là “Thôi, kêu bằng anh đi, chứ hát chung. Tự nhiên kêu bằng chú, tối lên hát, hát ôm em không có được””. Giọng ca Cẩm Tiên cũng chia sẻ thêm: “Em rất là yêu thích cái cách ca của anh Năm – Thanh Tuấn. Hình như nó vô máu của Cẩm Tiên lúc nào cũng không biết luôn. Em ca lên người nào cũng nói “ủa sao mà ca giống Thanh Tuấn vậy? Cái lái giống Thanh Tuấn”. Thật sự không phải ai bắt chước anh Năm đều dễ đâu. Rất là khó. Cái giọng của anh Năm rất đặc biệt. Cái cách sắp xếp từ để mà luyến láy đó khó lắm. Em cũng cố gắng hết sức nhưng chỉ giống được chút xíu xíu thôi à”.
Không chỉ tái hiện Đường Gươm Nguyên Bá, NSND Thanh Tuấn cùng NSƯT Phượng Hằng đã gửi đến khán giả một vở diễn huyền thoại tạo nên cột mốc quan trọng trong sự nghiệp Cải Lương của mình khi giúp chú giành giải thưởng Diễn Viên Xuất Sắc Nhất tại Liên Hoan Truyền Hình Toàn Quốc năm 2000, đó là Nỗi Lòng Chu Văn An. Khi nói về người đồng nghiệp, người anh cũng là người thầy trong nghề, NSƯT Phượng Hằng chia sẻ một kỉ niệm đáng nhớ: “Lần đầu tiên hát cùng anh Thanh Tuấn là vở tuồng Lá Sầu Riêng. Lần đầu tiên Phượng Hằng mới vừa lên hát đào, lúc đó Phượng Hằng mới có 16 tuổi à. Lúc đó chỉ hát đào con thôi. Hôm đó, đoàn thiếu Đào, lên thế cô Đào chính và được hát chung với người, đáng lý là Phượng Hằng gọi bằng thầy, cho nên rất là hạnh phúc và cũng rất là lo. Nhưng mà anh Năm có nói với em là “Thôi đừng có lo, đừng có sợ. Sợ thì ra không có làm được, yên tâm đi có gì thì anh Năm chỉ cho””. Không chỉ là tượng đài trong làng nhạc cổ Cải Lương, NSND Thanh Tuấn còn là người thầy, người anh kính nể vì sự tận tụy với nghề và dìu dắt, ân cần đối với đồng nghiệp.
Điều hối tiếc và mong ước của một NSND Cải Lương luôn trăn trở
Cả một đời người giành hết tình yêu cho Cải Lương, nó chính như linh hồn của NSND Thanh Tuấn. Đến khi ở cái tuổi xế chiều, người nghệ sĩ ấy vẫn đau đáu, lo sợ rằng một ngày nào đó linh hồn ấy sẽ biến mất mãi mãi. Chú nghẹn ngào nói: “Thanh Tuấn rất muốn, rất mong bảo tồn được nghệ thuật Cải Lương. Thật sự có một thời gian, Cải Lương đứng chững và xuống quá. Thanh Tuấn cũng như bao anh em nghệ sĩ rất lo sợ, sợ sự mai một. Không biết có còn khán giả thương yêu, có còn đến với cái nghề hát Cải Lương nữa không?
NSND Thanh Tuấn khiến tất cả khán giả thắt nghẹn khi bộc bạch từ tận đáy lòng của một con người yêu nghệ thuật và đã nuôi dưỡng Cải Lương bằng một đời người: “Thanh Tuấn có mở một lớp dạy Nghệ Thuật Ca Vọng Cổ cho các em các cháu mới biết nhịp hoặc cũng có thể đã biết nhịp. Thanh Tuấn muốn truyền đạt lại cho các em các cháu của thế hệ sau để giữ gìn những cái hay đó cộng thêm những cái hay vốn có của các em để tô điểm cho cái bài vọng cổ phong phú hơn, tươi mát hơn, đẹp hơn. Và hơn hết, để cho người nghe có cảm nhận rằng bài vọng cổ có mới, chứ không đứng một chỗ như ngày nào”.
Cái tâm của người nghệ sĩ không cho phép bản thân được ngừng nghỉ và phải luôn cố gắng. Bởi lẽ NSND Thanh Tuấn tâm nguyện với bản thân: “Thanh Tuấn là người của khán thính giả – những người yêu thích và cưu mang Thanh Tuấn suốt cuộc đời làm nghề của Thanh Tuấn thì giờ đây, Thanh Tuấn còn hơi thở, còn giọng ca thì Thanh Tuấn phải phục vụ. Đã là nghệ sĩ của nhân dân rồi, không đợi phong hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân để mình làm thước đo cho bản thân. Nghệ sĩ Thanh Tuấn vẫn là nghệ sĩ Thanh Tuấn, không có danh hiệu nào cách chia khán thính giả từng yêu thương Thanh Tuấn”. Với nghệ sĩ, ngày nào còn khán giả là ngày đó vẫn trau chuốt từng vai diễn và cất cao giọng cát cho đời cho người.
Tập 5 “Dấu Ấn Huyền Thoại” sẽ được phát sóng vào lúc 20h35 Thứ 4 ngày 9/6/2021 trên kênh HTV7.