Đây là câu hỏi nhiều tranh cãi, cũng gây không ít tò mò cho các tín đồ yêu công nghệ.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang từng bước phát triển vượt bậc nhờ vào cách mạng 4.0.Tuy nhiên những robot thông minh hiện nay vẫn cần một chặng đường dài để thay thế hoàn toàn con người.
Một ví dụ thực tế của trí tuệ nhân tạo là nhân vật Sophia – robot nổi tiếng được sáng tạo bởi công ty Hanson Robotics.
Sophia có thể dễ dàng đánh lừa mọi người bằng chính nét mặt với hàng trăm cảm xúc được biểu hiện như con người thật. Với khả năng theo dõi và nhận diện khuôn mặt của con người đang trong trạng thái nào, mà robot này điều chỉnh cảm xúc của mình để duy trì cuộc hội thoại với người đối diện một cách phù hợp nhất, cho dù cuộc nói chuyện có đi từ sốc, ngạc nhiên hay vui buồn xen kẽ. Nhưng thật ra Sophia chỉ là một cỗ máy được trang bị nền tảng chạy nhiều thuật toán phức tạp được lập trình sẵn để duy trì các cuộc trò chuyện.
Một cách dễ tưởng tượng hơn, đó chính là một hộp thoại trò chuyện trên giao diện điện thoại của bạn nhưng được trang bị chương trình tiên tiến hơn. Không phải là thiết bị có ý thức con người vì đơn giản nhận thức của con người không thể nhận diện qua một mô hình cụ thể.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và nêu ra 3 cấp độ của nhận thức được công bố trên tạp chí Science. Bạn phải hiểu rằng nhận thức được hình thành như thế nào trong bộ não của con người, nếu có ý định tạo ra một robot thông minh?
Theo đánh giá này, mức độ nhận thức đầu tiên là C1. Nó đề cập đến khả năng đưa ra quyết định để tiến tới hành động sau khi xem xét một tập hợp những trường hợp xảy ra và cân nhắc khả năng thực hiện được hay không? Các nhà khoa học cho rằng mức độ nhận thức này có liên quan đến hành vi.
Mức độ C1 có thể thấy rõ nhất ở trẻ em cũng như động vật. Một con voi đang khát nước có thể biết được vị trí hồ nước và di chuyển thẳng đến đó cho dù nó cách hồ nước ấy 50km.
Quyết định đi tới hồ nước của con voi này đòi hỏi sự làm việc của hệ thần kinh trong bộ não của nó. Con voi xuất hiện nhu cầu và hình thành một loạt thông tin cần về nước trong não bộ, sau đó đưa ra những lựa chọn tốt nhất trong số những thông tin trong não bộ, duy trì quyết định này theo thời gian và phối hợp một loạt các hoạt động, bao gồm cả quá trình định vị điều hướng tới hồ nước.
Cấp độ thứ hai của nhận thức là C2. Đó chính là khả năng kiểm soát, tính toán những suy nghĩ trong đầu, hay sự tự nhận thức.
Sự nhận thức cấp độ 2 là kết quả của sự phân biệt đúng và sai. Cụ thể, khi cơ chế này hoạt động giúp não bộ nhận ra được sai lầm và tiến hành sửa chữa nó. Hơn nữa, sự tự nhận thức giúp chúng ta khám phá được những gì chúng ta đã biết hoặc chưa biết. Từ đó, não bộ hình thành nên sự tò mò.
Chúng ta không thể nhận thức được điều mà chúng ta không biết. Ở đây đang nói đến mức độ C0 của nhận thức, nó đề cập đến các hoạt động vô thức xảy ra trong não bộ con người, chẳng hạn như sự nhận diện và nét biểu cảm của gương mặt người đối diện. Cụ thể, bạn vẫn thường nhận ra nét mặt, biểu cảm, giọng nói của mọi người trong gia đình mà bạn đâu cần suy nghĩ trước về nó?
Mức C0, C1 và C2 dựa trên một giả thuyết cho rằng ý thức là kết quả của một loạt quá trình tính toán do bộ não thực hiện. Nếu một ngày, con người có thể giải thích chi tiết về quá trình hình thành dòng nhận thức xuất hiện trong bộ não bằng một loạt phép tính cụ thể thì việc mã hóa thông tin về ý thức con người trong robot có thể không quá khó khăn.
Hoàng Minh Thúy