Lâu nay, nói đến truyền hình thực tế, người ta nghĩ ngay đến những “ông lớn” đứng đằng sau kết hợp sản xuất chương trình với các nhà đài. Nếu như trước đây, những cái tên như Cát Tiên Sa, BHD, Đông Tây, Multimedia… từng làm mưa làm gió với những chương trình ngoại nhập đắt đỏ và ăn khách, thì ngày hôm nay, cuộc chơi tạm đổi vai.
Những cái tên mới xuất hiện, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần giải trí, bởi biết phán đoán đúng xu thế của thị trường và thị hiếu khán giả. Các show nhảy múa, ca hát, tìm kiếm tài năng bài bản rồi cũng nguội dần, thay vào đó là sự lên ngôi của hàng loạt chương trình hài thực tế. Song điều quan trọng nữa, khi hài cũng nhạt, các ông trùm nhỏ đi vào thị phần ca hát, nhắm đến phân khúc cho từng đối tượng riêng. Thế nên mới có cuộc rượt đuổi ngoạn mục ở các vị trí hàng đầu.
Cạnh tranh khốc liệt
Nếu ngành giải trí từng được ví là “chiến trường” của những nhà tổ chức tiếng tăm, thì đến nay, cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Trước đây, chỉ những nhà sản xuất tên tuổi mới thương lượng những hợp đồng bản quyền cao ngất, chỉ để mang về Việt Nam những chương trình mới toanh tuy từng gây sốt trên khắp địa cầu. Vị trí hàng đầu có thể nói là từng được công ty Cát Tiên Sa nắm giữ, với các chương trình truyền hình ăn khách chiếm sóng truyền hình VTV như: The Voice, The Voice Kids, Dancing With The Stars (Bước nhảy hoàn vũ), Just The Two Of Us (Cặp đôi hoàn hảo), Fashion Star (Ngôi sao thiết kế Việt Nam), The X-Factor (Nhân tố bí ẩn), Thần tượng bolero, The Remix, The Face, Sing My Song…
Là công ty đi đầu trong việc đưa các format đình đám của thế giới về Việt Nam, chịu chi bạo tay mời dàn giám khảo khủng, tuy nhiên, Cát Tiên Sa lại để xảy ra không ít scandal và vì thế, cơn sốt mùa đầu tiên dần qua đi, các mùa sau bắt đầu hạ nhiệt.
BHD và Đông Tây cũng là ông lớn tiên phong, biết đa dạng hóa các TV show. Từ chỗ sản xuất gameshow, BHD nhanh chóng chuyển sang các show thực tế: Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, MasterChef, Amazing Race (Cuộc đua kỳ thú), Big Brother (Người giấu mặt), Star Academy (Học viện ngôi sao), Hoa khôi áo dài- đường đến vương miện, Khởi đầu ước mơ… Tuy nhiên, cũng giống Cát Tiên Sa, BHD cũng nhanh chóng dính scandal ở một số chương trình, khiến người xem bắt đầu mất niềm tin…
Đông Tây nhanh nhạy trong nắm bắt xu thế khán giả, đang thắng ở các show ca nhạc, lại nhảy sang lĩnh vực hài và từ đó càng nổi tiếng hơn. Làm “Thần tượng âm nhạc” đầu tiên với hai mùa đầu thành công, sau đó “nhả” ra cho BHD, tập trung sản xuất những chương trình đa dạng không chỉ về âm nhạc, như: “Người bí ẩn”, “The Winner Is”, “Tuyệt đỉnh tranh tài”, “So You Think You Can Dance”, “Song đấu”, “Bí mật đêm chủ nhật”, “Ơn giời! Cậu đây rồi”, “Chuẩn cơm mẹ nấu”, “Đàn ông phải thế”, “Hội ngộ danh hài”, “Ngạc nhiên chưa”, “Siêu bất ngờ”, “Kỳ phùng địch thủ”, “Kỳ tài thách đấu”…Ít scandal hơn hai “ông trùm” trên, song cũng có những show hài quá đà, khiến người xem phản ứng như “Ơn giời! Cậu đây rồi”.
Bên cạnh đó, Multimedia cũng có tiếng với 2 show thực tế về thời trang là Vietnam’s Next Top Model và Project Runway. Công ty này cũng thực hiện loạt chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí Đồ Rê Mí, tổ chức Tuần lễ thời trang quốc tế tại VN…
Tuy nhiên, gần đây, “bản đồ” sản xuất truyền hình thực tế có sự cạnh tranh mới. Nổi lên một loạt tên tuổi mới trong làng giải trí, truyền thông, như công ty truyền thông và giải trí Điền Quân, Khang Media, Jet Studio, Sóng Vàng… Điền Quân mới xuất hiện đã ghi điểm với những chương trình ăn khách như: “Thách thức danh hài”, “Đấu trường tiếu lâm”, “Người hùng tí hon”, “Thiên đường ẩm thực”, “Giọng ải, giọng ai”, “Tuyệt chiêu siêu diễn”, “Căn hộ trong mơ”…Tiếp đó là Sóng Vàng với “Khắc nhập khắc xuất”, “Hãy xem tôi diễn”… và đặc biệt là “Gương mặt thân quen”, “Gương mặt thân quen nhí”. Khang Media có “Tình Bolero”, “Solo cùng Bolero”, “Cười xuyên Việt”, “Ngôi sao phương Nam”, “Hát vui, vui hát”, “Dấu ấn”, “Tôi tỏa sáng”, “Hát cùng mẹ yêu”…Truyền thông Jet Studio có “Diêm vương xử án”, “Làng hài mở hội”, “Cười xuyên Việt”, “Chuyện của sao”, “Sao nối ngôi”, “Tiếu lâm tứ trụ”, “Hãy nghe tôi hát”, “Cặp đôi hài hước”…
Từ mua bản quyền triệu USD đến tự sản xuất
Đắt giá nhất có lẽ từng là “Thần tượng âm nhạc”với chi phí khá lớn- khoảng 2 triệu USD, tiếp đó là Next’s Top Model. Còn những game show hay chương trình ít ăn khách hơn thì giá khoảng 30.000 – 40.000 USD. Về sau, còn có chương trình truyền hình thực tế dành cho những ai yêu thích thiết kế nội, ngoại thất Căn hộ trong mơ (Việt hóa từ chương trình The Apartment đình đám thế giới bốn năm qua) với giải thưởng dành cho người thắng cuộc lên đến 1 tỉ đồng và con số 2 triệu USD (khoảng 45 tỉ đồng) mà nhà sản xuất bỏ ra để mua bản quyền, đưa format này về Việt Nam.
Nhưng khi lên sóng mà ăn khách thì giá mua bản quyền cho năm sau có khi sẽ tăng 15 – 20%. Nếu mua sỉ, mua nhiều năm liền thì số tiền sẽ rẻ hơn so với mua lẻ từng chương trình hay ký hợp đồng theo từng năm một.
Có nhà sản xuất còn mua luôn cả những “format giấy” (tức là những nội dung được các đơn vị sáng tạo nội dung quốc tế viết ra nhưng chưa từng sản xuất) như chương trình Sensational (Tuyệt đỉnh giác quan), Hidden voices (Giọng ải giọng ai) và Little but special (Biệt tài tí hon),để tránh bị cạnh tranh.
Theo ông Đỗ Văn Bửu Điền, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông và Giải trí Điền Quân, thị trường giải trí thực sự đang phát triển rất nhanh, nhu cầu giải trí của khán giả ngày càng cao nhưng các show giải trí tràn ngập vẫn chưa thực sự đủ đáp ứng, bởi lẽ sự phát triển về lượng cũng phải đi đôi với chất. Khi thị trường có quá nhiều sản phẩm nội dung thì khán giả đương nhiên sẽ chọn lọc khắt khe hơn, nghĩa là sự cạnh tranh ngày càng lớn hơn. Chính vì thế, những nhà sản xuất như Điền Quân tự bỏ bớt những chương trình ăn khách nhưng chưa đạt chất lượng như mong muốn, thay vào đó là các chương trình có đầu tư sâu hơn.
Như đã nói, các công ty nhỏ vươn lên nhanh chóng chính là nhờ rút kinh nghiệm của các “ông lớn”, đã tự làm ra format Việt để bớt chi phí mua bản quyền hoặc xin phép đối tác để Việt hóa phù hợp với người xem trong nước. Thường thì đây là nhân tố quyết định phần doanh thu của họ, chỉ cần chương trình ăn khách, thì sẽ có quảng cáo. Hiện nay, dù bị cạnh tranh khốc liệt, song truyền hình thực tế vẫn sống khá tốt bởi nguồn thu từ nhà tài trợ hay quảng cáo.
Theo bảng giá công khai của Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam cập nhật năm 2016, mức giá đối với quảng cáo 30 giây trên VTV3: Hòa âm ánh sáng giá 300 triệu đồng, Thần tượng âm nhạc Việt Nam 260 triệu đồng, Thần tượng Bolero 250 triệu đồng, Song đấu 200 triệu đồng, Đừng để tiền rơi 180 triệu đồng… Nếu cứ tính theo mức giá quy định, mỗi tập phát sóng, doanh thu từ quảng cáo lên đến hàng chục tỷ đồng, chưa kể các chương trình có áp dụng tin nhắn bình chọn, phần lợi nhuận còn cao hơn.
Tuy nhiên, không phải chương trình nào cũng dễ ăn. Tồn tại một nghịch lý, như NSƯT Vũ Thành Vinh, Tổng Giám đốc Truyền thông Khang, phân tích: “Chương trình nào nhiều người xem, quảng cáo sẽ “đổ” vào và nhà sản xuất phải đầu tư rất nhiều chất xám, tiền của mà không phải lúc nào cũng thành công. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc kêu gọi được nhà tài trợ, quảng cáo là điều không đơn giản. Nhưng khi có tiền, việc làm ra những chương trình hay và được khán giả đón nhận càng không đơn giản”. Rõ ràng, để tuổi thọ của các chương trình Việt hóa hoặc phiên bản nội kéo dài không chỉ 1-2 mùa, điều quan trọng là nội dung không quá dễ dãi và có đầu tư chiều sâu. Còn nếu không, số phận của các phiên bản này cũng giống như phiên bản ngoại, mất hút hoặc kém độ nóng chỉ sao hai mùa…
Nguồn: Lao Động