Các fan của thể loại kinh dị, giật gân đầu những năm 2000 không thể quên được những tác phẩm mang tính biểu tượng như “The Butterfly Effect” hay “Final Destination 2 “của đạo diễn Eric Bress. Trở lại sau thời gian dài tạm xa màn ảnh, vị đạo diễn chuyên dòng phim “hack não” tái xuất với tác phẩm mới mang lớp vỏ kinh dị nhưng hàm chứa nhiều thông điệp sâu sắc và ấn tượng.
“Dinh thự oan khuất” bắt đầu khi nhóm 5 người lính Mỹ nhận nhiệm vụ canh giữ một biệt thự Pháp từng bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Căn nhà này ẩn giấu nhiều bí mật không thể ngờ tới khiến 5 người lính phải trải qua nhiều giờ phút kinh hãi và điên loạn hơn cả trên chiến trường.
Màn tiệc kinh dị “đã đời”
“Dinh thự oan khuất” mở đầu bằng nhịp phim nhanh gọn, cuốn hút người xem ngay lập tức. Trong những phút đầu tiên, một trong 5 người lính đã phải đối diện với thực thể ma quỷ đáng sợ giữa cơn nửa mơ nửa tỉnh khiến anh ám ảnh. Hình ảnh bóng ma vắt vẻo trên cành cây báo hiệu cho một hành trình thực thi nhiệm vụ không hề yên bình. Ngay khi vừa đặt chân đến ngôi biệt thự, cả tiểu đội đã nhận ra những biểu hiện kỳ quặc tại đây.
Căn biệt thự quá rộng lớn, sang trọng với lương thực đầy ắp đáng lẽ phải là chốn nghỉ dưỡng mà người lính nào cũng muốn dừng chân giữa cuộc chiến khốc liệt. Nhưng những người tiền nhiệm lại tỏ ra sốt sắng quá mức, chỉ mong mau chóng tránh xa nơi đây. Và nguyên do đã được bật mí ngay trong đêm đầu tiên khi 5 người lính trú chân. Những tiếng vọng ghê rợn bất thình lình vang lên trong nhà. Một thế lực vô hình đang chiếm giữ nơi đây. Đó là oan hồn của gia đình chủ nhân ngôi nhà từng bị lính Đức giết hại tàn bạo trước đó.
Lần theo những trang nhật ký tìm thấy, câu chuyện dần dần sáng tỏ và những con ma cũng theo đó lộ diện. “Dinh thự oan khuất” không hề ngại ngần phô bày gương mặt hay sức mạnh của những oan hồn. Phân nửa bộ phim là liên tiếp các cú “jump scare” trực diện giữ mức độ nhịp phim luôn ở mức cao, căng thẳng và nghẹt thở.
Chen giữa đó là vô số màn bắn giết, tấn công bạo lực giữa các phe lính Mỹ, lính Đức và các oan hồn. Không giống như cách nhiều phim kinh dị lựa chọn lối kể chuyện chậm rãi và hé lộ rất ít các màn dọa dẫm cho tới khi cao trào bùng nổ ở cuối phim, “Dinh thự oan khuất” chiêu đã người xem một bữa tiệc hù dọa thịnh soạn. Cứ vài phút các khán giả lại giật thót và la hét vì sợ hãi. Chính vì vậy, cách sử dụng chất liệu kinh dị của “Dinh thự oan khuất” đậm tính giải trí và không dành cho những người xem “yếu tim”.
Nỗi sợ hãi còn hơn cả ma quỷ
Tuy nhiên bộ phim không đơn thuần chỉ là câu chuyện ma quỷ hù dọa thông thường. Và bối cảnh chiến tranh Thế giới Thứ hai ắt hẳn phải có một ẩn dụ nào đó. Nổi tiếng với cách kể chuyện lắt léo và cài cắm, Eric Bress chọn thể loại kinh dị để tung hỏa mù đánh lạc hướng người xem khỏi thông điệp thực sự ông muốn truyền tải. Đối với Eric Bress, ma quỷ không phải nỗi kinh hãi đáng sợ nhất. Thực tế của chiến tranh khốc liệt còn ghê rợn hơn nhiều những hiện tượng tâm linh được thêu dệt trên màn ảnh.
Trải nghiệm khủng khiếp của năm người lính Mỹ không phải là sự tình cờ xui xẻo. Tất cả sẽ dẫn họ tới một cơn ác mộng thực sự mà tự bản thân họ phải tìm đến và đối diện. Trong “Dinh thự oan khuất”, Eric Bress “dắt mũi” khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác với những cú “plot twist” ấn tượng. Từng chi tiết dù là nhỏ nhất đều được sắp đặt kỹ càng để không phụ lòng những khán giả tinh tế.
Và khi những người lính trong “Dinh thự oan khuất” choàng tỉnh khỏi cơn ác mông cũng sẽ là lúc họ phát hiện ra mình đang sống trong một cơn ác mộng khác, và khán giả cũng vậy. Để rồi khi hình ảnh trên màn hình vụt tắt, người xem sẽ thấm thía sự thật rằng: chiến tranh mới là ác quỷ tàn bạo hơn bất cứ oan hồn nào.
Công Phát