Khởi nghiệp trên giảng đường: Thực tế hay chỉ là ảo tưởng?

     Không nhất thiết phải có số tiền vốn khủng hay một ý tưởng quá táo bạo, giờ đây nhiều sinh viên vẫn có thể thực hiện được giấc mơ khởi nghiệp. Nhưng việc biến giấc mơ đó thành hiện thực đòi hỏi cả một quá trình học tập và tích lũy trên con đường sự nghiệp của bản thân mỗi người.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề sinh viên trên giảng đường khởi nghiệp, chúng tôi đã liên hệ và có cuộc phỏng vấn với một tấm gương nổi bật trong giới Startup. Đó là anh Nguyễn Việt Hùng, sinh viên năm 3 Đại học FPT – Người sáng lập ColorME.                                                                                           

CEO Nguyễn Việt Hùng – người sáng lập ColorME

*PV: Lời đầu tiên, cảm ơn anh đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa anh, ý tưởng mở lớp dạy thiết kế của anh xuất phát từ lúc nào? Và động lực thôi thúc anh biến ý tưởng đó thành hành động cụ thể là gì?

Kết thúc năm 1 đại học (năm học mà tôi đã bảo lưu hết 6 tháng chỉ để suy nghĩ vẩn vơ và học những gì tôi thích), tôi nửa cảm thấy chán với môi trường Đại Học (không phải vì chất lượng không tốt hay chương trình không hay, chỉ là vì tôi cảm thấy vẫn chưa đủ), nửa cảm thấy “muốn bùng cháy”. Ở thời điểm đó, tôi thấy các sinh viên ở Hà Nội có nhu cầu rất lớn về việc thiết kế ấn phẩm truyền thông hay đơn giản chỉ để phục vụ cho công việc và học tập. Vì vậy tôi đã nghĩ đến việc mở ra một lớp học thiết kế dành cho các bạn trẻ học trong thời gian ngắn với chi phí hợp lý. Nghĩ là làm, sau khi kết thúc kì học đầu tiên của năm 2 đại học, tôi có một tháng nghỉ ngơi (ở FPT, mỗi kì kéo dài 3 tháng, sau đó nghỉ 1 tháng). Thay vì về nhà, tôi quyết định ở lại Hà Nội và bắt đầu xây dựng mô hình khởi nghiệp đầu tiên – Lớp học ColorME với một người bạn.

“Hãy để chúng tôi tô màu cho bạn, cho bạn biết chính xác bạn là màu gì”, đó là ý nghĩa của tên gọi Color Me

*PV: Kinh doanh và học tập ở trường cùng một lúc, anh có gặp những khó khăn và thuận lợi gì trong quá trình khởi nghiệp của mình?

-Mình làm cái gì cũng có hai mặt của nó. Vừa học vừa làm ngay từ bây giờ thì áp lực về vấn để ổn định cuộc sống và công việc sau đại học không quá lớn. Tuy nhiên, chuyện cân bằng cuộc sống, học tập và công việc khá khó khăn. Hằng ngày từ thứ hai đến thứ sáu, tôi vẫn là cậu sinh viên của trường đại học. Thứ bảy và chủ nhật, tôi lại bắt xe bus từ Hòa Lạc vào nội thành Hà Nội để dạy thiết kế. Đôi lúc mệt mỏi quá, tôi có ý định bảo lưu hoặc nghỉ học. Nhưng tôi nhận ra rằng mình đang đào tạo về giáo dục, và nếu đến việc tốt nghiệp đại học còn không làm được thì liệu tôi có thể đào tạo ai. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành chương trình đại học và có thể sẽ tiếp tục học cao hơn nữa.  Trải qua quá trình đó, tôi mới hiểu được nỗi lo của những người khởi nghiệp. Họ bỏ học không phải vì họ bắt chước người này hay người khác, mà để làm tốt nhiều việc cùng một lúc là điều rất khó.

Giao diện phần mềm quản lý lớp học do Hùng và nhóm bạn thực hiện

*PV: Hiện nay, sinh viên trên giảng đường khởi nghiệp khá phổ biến. Anh nghĩ liệu môi trường đại học có tác động lớn đến quyết định khởi nghiệp của sinh viên nói chung và anh nói riêng không?

-Tôi nghĩ là có, ít nhất là với cá nhân tôi. Môi trường đại học đối với tôi thực sự rất quan trọng trong việc quyết định khởi nghiệp. Ở trường, tôi được thầy cô động viên, hướng dẫn các vấn đề của doanh nghiệp trước khi bước vào thực tế. Tôi may mắn vì có được những người bạn, người cộng sự ở đại học đã cùng tôi đồng hành và phát triển ý tưởng của mình. Nếu không có họ, sẽ không có Hùng như bây giờ.

Chàng sinh viên mê lập trình game đi dạy thiết kế

*PV: Một số bạn cho rằng: Chỉ cần một ý tưởng và một chút vốn, ai cũng có thể khởi nghiệp. Anh có nghĩ là do môi trường đại học quá tập trung vào lí thuyết trong khi thực hành và sự va chạm của sinh viên ngoài thực tế còn hạn chế không?

 Anh Nguyễn Việt Hùng: Có. Đúng là ai cũng có thể khởi nghiệp, nhưng để làm gì và làm đến mức nào thì mới là vấn đề. Nhiều người khởi nghiệp để học hỏi, nhiều người khởi nghiệp để kiếm tiền, còn có người khởi nghiệp để theo đuổi đam mê hoặc để thay đổi thế giới. Tất cả đều đáng được tôn trọng. Tuy nhiên nếu tập trung quá vào lý thuyết cũng là một nhược điểm khá lớn, kinh nghiệm tích lũy được trong cuộc sống hàng ngày và trong các hoạt động xã hội sẽ góp phần giúp đỡ sinh viên trong quá trình khởi nghiệp.

*PV: Lời cuối cùng, anh muốn nhắn nhủ hay có lời khuyên gì tới những sinh viên đã, đang và sẽ có ý định khởi nghiệp không?

Anh Nguyễn Việt Hùng:  Theo trải nghiệm của bản thân, khởi nghiệp chưa từng và sẽ không bao giờ là giấc mơ “màu hồng” về những CEO thành công và các công ty triệu đô. Nó không phải một cuộc chơi mà là một hành trình rất vất vả, đòi hỏi sự đam mê, kiên trì và vượt khó đến cùng. Quá trình này rất khó khăn, nhiều người bỏ cuộc giữa chừng và chỉ có ai thực sự đam mê, kiên trì mới có thể theo đuổi đến cùng. Vì vậy, theo tôi, trước khi quyết đinh khởi nghiệp,  sinh viên hãy chắc chắn rằng bản thân có đam mê thực sự hay không?  Hơn nữa, mỗi người trẻ cần trang bị những kiến thức cần thiết và luôn nhớ bắt đầu từ ba kĩ năng cơ bản: bán hàng, tiếp thị, quản lý tài chính. Những người khởi nghiệp thường sợ thất bại và sợ thừa nhận thất bại. Tuy nhiên, việc học từ những thất bại đôi khi quan trọng hơn cả sự thành công. Đừng chỉ ngồi yên, muốn khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ cần dám nghĩ dám.

*PV: Xin chân thành cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị và bổ ích.

Quỳnh Châu – saostyle.vn