Nhạc Trịnh không phải ai cũng hát được và mặt khác cũng không phải ai cũng dám hát. Bởi nó đã đi sâu vào đời sống của nhiều thế hệ và trong tiềm thức của họ, nhạc Trịnh chỉ thăng hoa nhất khi qua giọng ca Khánh Ly hay Hồng Nhung – hai nàng thơ đã gắn liền với âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Với nhạc Trịnh, tối giản là điều cần thiết. Đó là thứ nghệ thuật không cần quá nhiều sự phô diễn và cảm xúc mới là hồn cốt làm nên một bản nhạc hay. Khi chọn nhạc Trịnh, Juky San không tránh khỏi lo sợ. Nhưng vượt trên cả nỗi sợ, cô muốn mang đến cho khán giả những cảm giác mới mẻ về thứ âm nhạc đã đi cùng thời gian.
Nắm được điều này, giám đốc âm nhạc Huỳnh Quang Tuấn đã thực hiện bản phối Tuổi Đá Buồn theo nhịp 6/8, xen vào hiệu ứng lofi tạo cảm giác như một chiếc băng cassette cũ. Vốn dĩ Juky San đã nổi tiếng với phong cách hát lả lơi, có chút jazz sẵn trong giọng hát, cho nên phần bản phối bài hát không cầu kỳ mà đi theo hướng tối giản, giúp cô thể hiện được những gì tốt nhất trong giọng hát.
“Trước đó, bài hát Tuổi Đá Buồn đã từng được Juky San thể hiện cùng nhạc sĩ Đức Trí. Nhưng lần này, cô đã có sự thay đổi với cách hát cũ hơn, hoài niệm hơn, tạo cho người nghe cảm xúc của sự giao thoa cũ và mới.
Phiên bản Tuổi Đá Buồn này tôi đã rất cố gắng để cải thiện xu hướng chậm của bài hát. Ban đầu tôi có ý định hát bè và là bài hát cầu kỳ hơn. Khi tôi nghe bài này từ những phần thể hiện của các ca sĩ trước, tôi không biết mình làm vậy có đúng không. Đặt vào tâm trạng người viết là bác Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ bác sẽ không muốn làm mọi thứ phức tạp hơn” – Giám đốc Âm nhạc Huỳnh Quang Tuấn chia sẻ.
Với Tuổi Đá Buồn, Juky San không chỉ làm mới nhạc Trịnh mà còn làm mới chính mình. Một thử nghiệm mang tính biến hóa và dấn thân.
Không còn nét buồn bàng bạc, trải đời của danh ca Khánh Ly, Tuổi Đá Buồn trong giọng ca Juky San ẩn chứa một nỗi buồn nhè nhẹ, mỏng manh nhưng đầy hoài niệm, hệt như một cuốn băng cassette cũ phủ màu thời gian. Một nỗi buồn đẹp đẽ và lả lướt, để thấy rằng, trái tim ta khi còn biết buồn, biết nhớ, biết thương, đôi khi đó cũng là một đặc ân.
Trong bộ phim Em Và Trịnh và Trịnh Công Sơn, Tuổi Đá Buồn cũng sẽ được vang lên trong một phân đoạn giàu cảm xúc. Sau khi nghe chính giai điệu mình thể hiện xuất hiện trên màn ảnh rộng, Juky San cho biết: “San rất thích Tuổi Đá Buồn nên khi nghe anh Avin Lu hát trong khung cảnh của phim khiến mình càng thêm có nhiều cảm xúc. Nghe từng câu hát, khung cảnh được tái hiện trước mắt, những nhân vật cũng xuất hiện bằng xương bằng thịt thật sự là một trải nghiệm âm nhạc thú vị với San. San cảm thấy rất vui và vinh dự khi có thể góp giọng trong EP Em Và Trịnh để hát lại ca khúc Tuổi Đá Buồn, một ca khúc mình rất yêu thích vì nét buồn lãng đãng ẩn hiện trong từng câu hát, nhưng cũng đẹp đẽ, lãng mạn vô cùng”.
Nói thêm về Tuổi Đá Buồn, đây từ lâu đã là một bài hát cực kỳ nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những vấn vương về một nỗi sầu bàng bạc thấm trên từng câu từ, mênh mang và dai dẳng. Nhưng cái buồn ấy không mang nét bi lụy mà ngược lại, tựa như một chiều mưa lãng đãng, làm người muốn ngồi xuống suy tư.
Tình ca của Trịnh buồn, nhưng rất đẹp. Vì theo người nhạc sĩ: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”. Với Trịnh Công Sơn, mỗi nàng thơ đi ngang cuộc đời ông, dù hạnh phúc hay khổ đau đều là những nét mực đẹp đẽ trên khuôn nhạc mà ông viết.
Người nhạc sĩ ấy chỉ viết theo tiếng lòng của mình. Hiểu được điều đó, Juky San không sử dụng quá nhiều kỹ thuật luyến láy tình cảm, mà chọn hát theo cách bản năng nhất. Nhẹ nhàng, êm ả nhưng vẫn giàu chất suy tư, chiêm nghiệm, đủ để chạm đến từng ngóc ngách cảm xúc bên trong trái tim người nghe.
Vẫn là một Juky San của sự nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng đồng thời cũng có sự khác biệt. Khi hát nhạc Trịnh, màu giọng Juky San đã bớt đi một phần trong trẻo và nhiều hơn là cảm giác của sự trưởng thành, suy tư.
Khi dấn thân vào nhạc Trịnh, Juky San đã dùng chất giọng từ trái tim của mình để hát lên những dang dở trong các mối tình của nhạc sĩ tài hoa. Âm thanh trong veo điểm trên giai điệu của nỗi buồn man mác đã tô vẽ nên gam màu sống động, giúp những đôi tai đã quen thuộc với miền cảm xúc cũ tìm thấy sự tươi mới trong kho tàng di sản nhạc Trịnh.
Nhờ điều này, Tuổi Đá Buồn qua tiếng hát Juky San vừa giữ tinh thần mộc mạc, sâu lắng vốn có của nhạc Trịnh, vừa cho khán giả vùng đất riêng cảm thấu ca từ, giai điệu, cho đến giọng hát của ca sĩ. Đó là sự trân trọng và quyết tâm làm nghề đáng nể của cô gái sinh năm 1998.
Thổn thức ngay sau khi xem tác phẩm “Trịnh Công Sơn” trong buổi công chiếu tối 7/6, Juky San trải lòng: Chắc bồi hồi là cảm giác nhiều nhất, thêm một chút buồn man mác. San được xem bản “Trịnh Công Sơn”, nói về thời trẻ của bác Trịnh và những bóng hồng đi ngang đời mình cũng như thời trai trẻ sôi nổi, nhiệt huyết bên những người bạn thân thiết.
Đi cùng nhân vật Trịnh Công Sơn qua cuộc hành trình ngắn, nhìn thấy được tình yêu âm nhạc, sự lãng mạn và những phút giây đơn độc, tưởng chừng tuyệt vọng của bác Trịnh khiến San thấy đồng cảm, và thấy trong lòng cũng có đôi chút mất mát trước những đổ vỡ của người nghệ sĩ ấy.
Với dự án nhạc Trịnh lần này, Juky San đã ngày càng trưởng thành hơn trong giọng hát, đồng thời thể hiện sự chỉn chu và nghiêm túc trên con đường âm nhạc lâu dài. Sẽ không ngoa khi nói rằng Juky San là một ca sĩ trẻ đầy tiềm năng trong thị trường âm nhạc Việt Nam.