Khi một chuyến đi kết thúc, những bức ảnh hay bài viết kể lại hành trình sẽ là tư liệu quý giá để bạn hồi tưởng về những tháng ngày khác biệt và ghi dấu rằng bạn đã có một tuổi trẻ đáng nhớ. Nhưng liệu hành trình du lịch ấy có còn vẹn nguyên ý nghĩa khi lúc nào bạn cũng “đóng đinh” trong đầu ý định chụp những bức ảnh thật đẹp để check-in và viết một bài review thật hay để được hàng ngàn lượt like?
Trào lưu check-in và viết review nở rộ
Thời gian gần đây, các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram,… hay thậm chí các trang báo mạng đều đang sốt xình xịch những bức ảnh check-in “sống ảo” của các bạn trẻ khi đi du lịch. Không chỉ check-in tại một địa điểm thiên đường, những khu nghỉ dưỡng hạng sang, trung tâm thương mại, nhiều bạn còn check-in ngay cả khi đang ăn, ngủ, đi cafe. Thậm chí, cư dân mạng còn truyền tay nhau vô số những típ chụp ảnh và sửa ảnh du lịch để được nhiều lượt like lượt share nhất hay chụp ảnh nhóm thế nào cho “deep”.
Chưa hết, nắm bắt được tâm lý “đi để sống ảo” của các bạn trẻ, các trang tổng hợp thông tin, bài review về địa điểm du lịch và ăn uống, vui chơi mọc lên như nấm. Cách đây khoảng 4 tháng, bài review du lịch 7 nước châu Âu 22 ngày chỉ với 40 triệu của DJ Quỳnh Nhi đã tạo ra ra một làn sóng tranh luận dữ dội trên mạng xã hội. Mặc dù hầu hết các comment đều tỏ rõ thái độ nghi ngờ tính chân thực của bài review này, nhưng album ảnh vẫn đạt 40 nghìn lượt like và vô số comment hỏi han kinh nghiệm. Sau khi cơn sóng này lắng xuống, người ta lại tiếp tục chia sẻ bí quyết đi Phượng Hoàng Cổ Trấn và Trương Gia Giới với 6 triệu đồng, đi Sapa với 1,5 triệu đồng,…
Khi cư dân mạng hình thành hai luồng ý kiến trái chiều
Dạo quanh những trang chia sẻ và tổng hợp thông tin về các địa điểm du lịch, rất nhiều bạn trẻ đã bày tỏ suy nghĩ về lối đi để check-in và viết review rằng mỗi người có một cách hưởng thụ cuộc sống khác nhau. Có người muốn đi chỉ là để đi, nhưng cũng có người thấy việc chụp ảnh, viết bài đăng lên mạng xã hội và được bạn bè chia sẻ là niềm vui.
Bạn Nguyễn Quỳnh Duyên, trưởng Ban Dự án Môi trường BOOVironment (trực thuộc công ty BOO) lại chia sẻ: “Cách đây 5 năm, mình đã có dịp đi tình nguyện tại đảo Cù Lao Chàm. Cù Lao Chàm khi ấy còn rất hoang sơ, ngay cả điện còn hiếm chứ đừng nói đến chuyện phát triển các dịch vụ du lịch. Nhưng đó mới đúng là một hòn đảo yên bình và tuyệt đẹp. Đảo Cù Lao Chàm bây giờ, qua mỗi mùa du lịch lại trở thành một bãi rác công cộng. Nhìn ảnh bạn bè đi về và đăng lên facebook, mình thấy rất xót xa. Mình nghĩ một phần nguyên nhân của chuyện này là do các bạn trẻ hễ cứ đi du lịch là phải chụp thật đẹp, đăng lên mạng xã hội cho nhiều người biết, để rồi người ta ồ ạt kéo đến chụp những bức ảnh tương tự.”
Cũng có bạn cho rằng khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam chủ yếu muốn tìm hiểu và hòa nhập vào cuộc sống của người dân bản địa, chứ mấy ai ôm khư khư cái máy ảnh hoặc điện thoại để chụp ảnh check-in.
Hãy có quan điểm du lịch của riêng mình
Du lịch để trải nghiệm và khám phá thế giới hay để chụp ảnh và chia sẻ với bạn bè là tùy ở bạn. Bởi lẽ, mỗi người có một cách thức tận hưởng cuộc sống khác nhau. Điều quan trọng, bạn hãy có quan điểm du lịch của riêng mình. Đừng vì những bài review hay album ảnh được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội mà vội vàng xách balo lên, không cần tìm hiểu kỹ và đi, để rồi trở về trong thất vọng. Cũng đừng vì những comment “anh hùng bàn phím” lên án trào lưu sống ảo mà lo sợ. Tuổi trẻ là để làm những điều mình yêu theo cách mình muốn, không phải sao?
Hải Anh – Saostyle.vn