4 khu phố độc đáo tại Singapore

     Singapore là một đảo quốc kỳ lạ, nơi hòa quyện rất nhiều nền văn hóa độc đáo khác nhau. Không cần đi đâu xa, chỉ dạo bước qua 4 khu phố nổi tiếng này ở Đảo quốc Sư tử thôi, bạn sẽ phải ngạc nhiên về sự đa dạng, phong phú của những nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Quá nhiều thứ để ngắm nhìn, để tìm hiểu và… để nhớ!

1. Kampong Glam

Nếu bạn muốn trải nghiệm văn hóa Mã Lai ngay trên Đảo quốc Sư tử thì đây chính là nơi bạn cần tìm. Khu vực Kampong Glam chỉ cách ga tàu điện ngầm Bugis và các địa điểm mua sắm nhộn nhịp, sầm uất như Bugis Junction và chợ đường phố Bugis có vài bước chân.

Năm 1822, vùng đất ở Kampong Glam chính thức được giao cho người Malay và những người theo đạo Hồi. Nơi đây còn là chốn định cư của một nhóm nhỏ các thương gia Ả-rập rất thành đạt. Bạn sẽ được tận mắt thấy phảng phất ở đây những nét kiến trúc cổ gợi nhắc lại năm tháng xa xưa ấy.

Những góc phố ấn tượng với màu sắc sống động ở Kampong Glam
Những góc phố ấn tượng với màu sắc sống động ở Kampong Glam

Những dãy tiệm buôn được quét sơn màu sắc sống động dọc theo các con phố Bussorah, Baghdad và khu phố Kandahar. Trên phố Muscat, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một trong những đền thờ quan trọng nhất Singapore. Đền thờ Masjid Sultan (tiếng Mã Lai là Đền thờ Sultan) được xây dựng lần đầu vào năm 1826, sau đó được xây dựng lại và hoàn thiện năm 1928. Bạn cần mặc trang phục theo quy định nghiêm ngặt hoặc mượn áo choàng (được cung cấp tại chỗ) nếu muốn vào thăm bên trong đền thờ.

Khu vực Kampong Glam còn có phố Bussorah – nơi bạn có thể tìm mua những bộ đồng phục kebaya nổi tiếng, đồ nữ trang, phụ kiện cùng các loại sách liên quan đến văn hóa và tôn giáo Ả-rập và đạo Hồi.

Nếu vẫn còn đủ sức để đi, hãy tiếp tục hành trình đến phố Muscat và phố Arab – nơi được mệnh danh là thiên đường tơ lụa vào những năm 1950 và 1960. Bạn có thể chọn cho mình các loại vải, lụa, ren, tơ tằm…, các bộ trang phục Mã Lai truyền thống hoặc hiện đại làm quà, cũng như các loại thảm, đồ cổ, những món đồ thủ công để trang trí.

Đặc biệt, nếu đến Kampong Glam vào tháng ăn chay Ramadan trước lễ hội Hari Raya Aidilfitri, bạn sẽ có cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm không khí lễ hội, thưởng thức những món ăn và xem các màn trình diễn văn hóa sống động.

2. Barash Basah. Bugis

Bras Basah.Bugis nối hai khu vực mua sắm chính Orchard Road và Raffles Boulevard – là một đô thị thuộc địa cũ đầy sự quyến rũ và tinh tế. Singapore có những cách thức kỳ diệu của riêng mình, để biến hóa những nét văn hóa du nhập trở thành điều gì đó rất riêng, không nơi nào có được. Hãy xem việc đơn giản nhất, là cách biến hóa tiếng Anh (English) trở thành một ngôn ngữ “tiếng Anh của người Singapore” (‘Singlish), bạn sẽ cảm nhận được điều đó.

Khu Bugis Junction có rất nhiều lựa chọn mua sắm làm mê hoặc cả những khách hàng sành sỏi nhất. Một phần là trung tâm mua sắm truyền thống, một phần là khu mua sắm ngoài trời, Bugis Junction là một trong số ít các khu mua sắm ở Singapore có các quán cà phê và cửa hàng hai bên vỉa hè, nằm dọc theo các tòa nhà mới xây xinh đẹp.

Bugis Junction với những hàng quán tấp nập.
Bugis Junction với những hàng quán tấp nập.

Trung tâm này là phố mua sắm đầu tiên được phủ kính toàn bộ ở Singapore tại thời điểm xây dựng. Trong số các cửa hàng tại Bugis, bạn sẽ bắt gặp cửa hàng bách hóa BHG, Topshop, Converse, Kinokuniya, Cotton On…

Barash Basah. Bugis cũng có rất nhiều điểm ăn uống, từ các quán bình dân đến các nhà hàng cực sang trọng, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Tất nhiên, bạn không thể bỏ qua việc ghé thăm Chijmes (phát âm “chimes”) viết tắt của Convent of the Holy Infant Jesus – một tòa nhà mang phong cách Tân cổ điển, là địa điểm của ẩm thực và giải trí ấn tượng bậc nhất Singapore.

Nằm cạnh Khách sạn Raffles, Chijmes là phiên bản mộc của Covent Garden ở London, với thảm cỏ xanh, thác nước cẩm thạch và không gian sân vườn tạo cho nơi đây vẻ quyến rũ kỳ diệu cổ xưa. Được thiết kế bởi George Coleman (là nhà thiết kế Tòa nhà Quốc Hội cũ), Chijmes ban đầu là Caldwell House – nơi ở của thư ký Chánh án. Sau đó, nơi đây trở thành nơi cư ngụ tôn nghiêm của những nữ tu và Mẹ Bề Trên trước khi được mở rộng thêm hai tòa nhà – Trại mồ côi và nhà thờ nhỏ mang phong cách Gothic với dãy cửa kính màu tuyệt đẹp. Bạn nên đến xem Cổng Hy vọng (The Gate of Hope) trên Phố Victoria Street – nơi những đứa bé sinh năm Dần từng bị bỏ rơi nữa nhé.

Hiện tại với vô số cửa hàng, nhà hàng và quán bar, Chijmes là thiên đường phong cách sống nổi tiếng tại Singapore và là địa điểm giải trí hoàn hảo với Harry’s Bar và Insomnia để thưởng thức những thức uống phong phú và nhạc sống.

3. Tiong Bahru

Chợ Tiong Bahru, nơi được xem là “trung tâm mua sắm” của khu này, xây dựng từ những năm 1950 của thế kỷ trước với kết cấu hình tròn trông khá cũ kỹ. Bên trong chợ, mọi thứ được bày bán ngăn nắp, sạch sẽ. Đặc biệt, cả người bán lẫn người mua đa phần đều ở độ tuổi trung niên.

Một gian hàng ở khu chợ Tiong Bahru. Ảnh: Afur Wong.
Một gian hàng ở khu chợ Tiong Bahru. Ảnh: Afur Wong.

Bên ngoài chợ, dễ bắt gặp hình ảnh người dân ngồi uống cà phê hay thưởng thức bữa sáng ở các quán xung quanh. Nhìn bề ngoài, các quán cà phê trông có vẻ cũ kỹ, nhuốm màu thời gian nhưng bên trong quán là những không gian yên tĩnh được bày trí rất nghệ thuật.

Đã đặt chân đến khu phố Tiong Bahru, bạn cũng đừng quên ghé hiệu sách Book Actually ở đường Yong Siak, nơi có rất nhiều sách văn học nổi tiếng.

Khu dân cư Tiong Bahru tại Singapore là minh chứng cho câu nói “Những thứ đã cũ sẽ trở nên mới một lần nữa”. Khu phố cho đến lúc này vẫn giữ nguyên những nét đẹp thời xưa nhưng được biến tấu đầy tinh tế trong những năm gần đây để thu hút khách du lịch. Bạn sẽ gặp ở Tiong Bahru sự hòa quyện hài hòa giữa một Singapore hiện đại và cổ kính. Hãy thưởng thức bữa sáng truyền thống với món bánh gạo nước (zhui kueh) bên tách cà phê (Kopi) như những người dân địa phương. Nếu bạn muốn tìm thêm một số hương vị mới lạ, gợi ý cho bạn là hãy ghé quán cà phê kiêm phòng trưng bày nghệ thuật Orange Thimble trên đường Eng Hoon, chuyên phục vụ những món latte sữa nóng hổi và bánh tráng miệng hạnh nhân ngon lành. Quán 40 Hands theo phong cách Aussie trên đường Yong Siak cũng luôn đông khách nhờ món bánh sandwich đa dạng.

4. Joo Chiat/Katong

Từng nghe nhắc đến Văn hóa Peranakan và tò mò, lời khuyên hữu ích cho bạn là hãy đến địa hạt Joo Chiat/Katong, nơi bảo tồn văn hóa Peranakan của Singapore. Peranakan là một cộng đồng cực kỳ độc đáo ở vùng Đông Nam Á, là con cháu của những người Trung Hoa nhập cư xa xưa kết hợp cùng phụ nữ Mã Lai địa phương, từ đó tạo ra một sự kết hợp đầy cuốn hút giữa hai nền văn hóa Mã Lai và Trung Quốc.

Họ định cư tại một số vùng trên khắp lãnh thổ Singapore, nhưng những di sản của họ thể hiện rõ ràng nhất tại quận Joo Chiat (đặt theo tên một địa chủ giàu có người Hoa, Chew Joo Chiat). Khu vực này gồm nhiều nhà cổ kiêm cửa hàng đầy màu sắc và những ngôi nhà có mặt tiền được trang trí hình chạm nổi các con vật và gạch ốp bằng gốm thủ công. Ngày xưa, chính ông Chew là người đã xây nhà và gieo trồng vườn ươm tại quận này.

Giao lộ giữa đường East Coast và Joo Chiat chính là trung tâm của Katong. Ở đây bạn có thể tìm thấy những quán cà phê bán đặc sản địa phương như tau kwa pau (đậu phụ rán nhân thịt băm), ba chang (bánh hấp dumpling) và món Katong Laksa nổi tiếng, là bún sợi to chan nước cốt dừa cay.

Đừng quên thưởng thức món Katong Laska nổi tiếng.
Đừng quên thưởng thức món Katong Laska nổi tiếng.

Quận Joo Chiat và Katong ở Singapore cũng là khu vực du khách không nên bỏ qua khi muốn mua các sản phẩm thêu, đan hạt cườm như giày, dép, túi xách… Phụ nữ Peranakan cực kỳ “siêu đẳng” trong việc may vá thêu thùa. Các bộ trang phục truyền thống (nyonya kebaya) thường được các cô gái may thủ công bằng tay với đường kim mũi chỉ hết sức tinh tế, tỉ mỉ. Ngày nay nyonya kebaya cũng thường được các cô gái trẻ “phá cách”, kết hợp với quần jeans mặc trong công sở hay dạo phố.

Không chỉ có thể chiêm ngưỡng tận mắt, chụp ảnh, bạn còn có thể ghé thăm Rumah Bebe hoặc tới thăm Katong Antique House để mang về một vài sản phẩm kết cườm, trang phục truyền thống Peranakan độc đáo cho riêng mình.

Những vật dụng rực rỡ màu sắc, đặc trưng của văn hóa Peranakan được trưng bày ở Katong Antique House.
Những vật dụng rực rỡ màu sắc, đặc trưng của văn hóa Peranakan được trưng bày ở Katong Antique House.

Katong cũng có vô số quán cà phê, những cửa hàng cà phê như Chin Mee Chin và những quán ẩm thực có tiếng tăm lâu đời như cà phê Sin Hoi Sai và Cơm gà Hải Nam Năm sao. Một số món ngon, đặc trưng bạn có thể “ghi chú” lại để thưởng thức bao gồm: cà ri gà, Nyonya chap chye (rau củ hầm), Babi Pongteh (thịt heo hầm với nấm và măng tươi)… Nhớ đừng quên món mì Laksa danh tiếng được xem là món ăn truyền thống của người Peranakan. Món này thường ăn kèm với otak otak cá, điểm thêm vài lá rau răm và một thìa tương ớt thì thật tuyệt hảo.

Nguồn: Dân Trí