Đã từ lâu, du khách đã được nghe qua 2 câu hát quen thuộc “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi tới đó lòng không muốn về”. Có lẽ sự hiếu khách của người dân địa phương, phong cảnh hữu tình cùng những đặc sản nức tiếng nơi đây đã níu chân du khách.
Nhiều người nói rằng đến Cần Thơ thì phải đi dạo bến Ninh Kiều và ăn thử món bánh cóng thì mới là một chuyến đi trọn vẹn. Bến Ninh Kiều vốn nổi tiếng gần xa thì ai cũng biết, nhưng món bánh cóng có gì đặc biệt mà lại được ưu ái hơn hẳn các đặc sản khác?
Bánh cóng là đặc sản hấp dẫn của Cần Thơ. (Ảnh: @thien.jaidee)
Nếu liệt kê các nguyên liệu thì có lẽ bánh cóng không phải quá độc lạ hay có bí quyết gì cao siêu. Cũng chỉ là những thứ dung dị, gần gũi với đời sống người dân như gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh, thịt bằm và tôm sống. Nhưng khi kết hợp lại với nhau qua bàn tay khéo léo của người dân Cần Thơ, món ăn này lại hấp dẫn theo cách rất riêng.
Món bánh này được làm nên từ những nguyên liệu vô cùng quen thuộc. (Ảnh: kawaii.food)
Vỏ ngoài của bánh trông như một chiếc cóng nhỏ (có hình trụ, miệng rộng, phần thân hơi phình và đáy lồi, thường được dùng để đựng những đồ vặt nhỏ), vì lẽ đó nên cái tên bánh cóng cũng bắt nguồn từ đây. Lớp vỏ này được tạo nên từ hỗn hợp 3 phần gạo tẻ và 1 phần gạo nếp, đem ngâm qua đêm rồi xay cho thật mịn. Muốn bánh được giòn ngon hơn, người ta lại chờ đến khi bột ráo nước rồi pha thêm bột mì, trộn với hành lá và gia vị.
Vỏ bánh được làm từ hỗn hợp bột gạo tẻ, gạo nếp và bột mì. (Ảnh: thien.jaidee)
Phần nhân cũng được làm rất tỉ mỉ. Đậu xanh đãi vỏ, nấu vừa chín tới chứ không nát rồi trộn với thịt bằm, xào lên cho thơm. Tôm rửa sạch, cắt bớt chân và râu nhưng để nguyên vỏ, như vậy khi chiên mới giòn.
Tôm để nguyên vỏ để chiên lên được giòn hơn. (Ảnh: @thien.jaidee)
Bắt đầu làm bánh, người ta sẽ đổ dầu ngập một chiếc chảo sâu lòng và chuẩn bị một chiếc cóng sắt. Chờ dầu sôi, đầu bếp cho ít bột vào cóng, sau đó cho thêm một muỗng đậu xanh và thịt làm nhân bánh. Lúc này, một lớp bột được phủ đều nhân bánh, tôm sống nằm ở trên cùng. Chờ đến khi bánh chín từ trong ra ngoài, vỏ chuyển màu vàng và giòn rụm thì đầu bếp sẽ khéo léo đổ bánh ra đĩa.
Bánh được đổ vào một cái cóng sắt rồi chiên ngập dầu. (Ảnh minh họa)
Bánh cóng được ăn kèm với nhiều loại rau sống như cải đắng, diếp cá, húng quế, đọt xoài và xà lách, chấm cùng nước mắm chua ngọt. Bánh được chiên giòn nên khi ăn sẽ có vị béo béo nhưng không ngấy vì đã ráo dầu.
Vị ngọt của tôm tươi, thịt bằm hòa quyện với vị bùi bùi của đậu xanh là điểm hấp dẫn của loại bánh này. Ngoài ra, rau sống đóng vai trò cân bằng hương vị giúp thực khách không nhanh ngán. Nước chấm được pha khéo léo, mặn ngọt vừa vặn sẽ nâng tầm món ăn hơn nữa.
Bánh cóng được ăn với nhiều loại rau sống nên không ngán. (Ảnh minh họa)
Nước mắm giúp món ăn thêm đậm đà, hấp dẫn hơn. (Ảnh: @thien.jaidee)
Trước đây, bánh cóng được bán ở những khu chợ bình dân. Nhờ sự phát triển của du lịch mà món đặc sản này ngày càng được nhiều người biết đến. Các hàng quán trở nên phổ biến hơn giúp du khách dễ dàng tìm mua bánh cóng khi đến Cần Thơ với mức giá “hạt dẻ”.
Theo VTC News