Udon, Ramen hay Soba không chỉ gói gọn trong lòng người dân nước Nhật nữa, mà vị ngon và sự mới lạ trong món mì này đã chinh phục được rất nhiều thực khách trên thế giới ở mỗi nơi mà nó đi qua.
Bên cạnh những nét đặc trưng về văn hóa như trang phục Kimono, Trà xanh hay Hoa anh đào thì khi nhắc đến Nhật Bản, người ta cũng không thể không nhắc về các món mì truyền thống rất tinh tế đến từ Xứ sở Phù tang này.
Udon
Thực chất Udon là món mì bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng người Nhật đã khiến nó nổi tiếng như một nền văn hóa của riêng họ mỗi khi có ai đó nhắc về ẩm thực Nhật Bản. Những ngày đầu khi Udon mới xuất hiện ở đây, chúng chỉ được phục vụ trong cung đình và là món ăn yêu thích của Thiên hoàng lúc bấy giờ. Về sau người Nhật bắt đầu gieo lúa mì rồi chế biến các món ăn nhờ các cối xay sẵn có và các nguyên liệu dân dã cùng các bước nhào nặn công phu, mì Udon ra đời và trở thành một trong những món ăn chính trong đời sống của người dân.
Mì Udon là sợi mì có đường kính dày nhất trong tất cả các loại mì của người Nhật, khi nấu sẽ nở ra thêm nên sẽ to hơn và nặng hơn nữa, vì vậy người ăn sẽ cảm nhận rõ được vị thơm và dai của bột mì khi dùng Udon.
Mùa hè, mì Udon được xối nước đá, ăn kèm cũng các món rau như dưa leo hoặc bắp cải. Mùa đông để giữ ấm, người Nhật sẽ ăn cùng với các loại nước súp với thịt heo hoặc thịt bò, trứng, hải sản, rất nhiều protein tốt cho cơ thể. Không còn gì tuyệt vời hơn việc thưởng thức một tô Udon nóng hổi, khói nghi ngút giữa trời giá rét.
Ramen
Ramen cũng cùng nguồn gốc xuất xứ giống Udon, là từ Trung Quốc, nguyên liệu để làm nên sợi mì Ramen bao gồm bột mì, muối, nước và nước tro tàu giúp tạo độ dai và ngon hơn cho sợi mì. Sự đặc trưng của một tô mì Ramen có thể thấy ở nguyên liệu ăn kèm đó là thịt heo được thái từng lát mỏng, trứng phải chín ở độ lòng đào sóng sánh, được cắt đôi, rong biển và một ít hành điểm xuýt.
Có các loại nước truyền thống tương ứng với các kiểu mì Ramen khác nhau:
Shio Ramen: Nước hầm từ xương gà hoặc heo, sự dụng nhiều muối khi nêm nếm, khiến người ăn khá khát nước sau khi thưởng thức. Nước có màu vàng trong và đậm đà. Đây không phải là một sự lựa chọn cho những thực khách bị bệnh cao huyết áp.
Shoyu Ramen: Loại nước dùng có sử dụng nước tương Nhật, hầm cùng thịt heo, xương theo, xương gà hoặc nước chắt từ cá khô bào.
Tonkotsu Ramen: Nước dùng hầm từ xương thịt heo, đặc biệt là xương ở các phần khớp, nhiều gân. Nước hầm trong nhiều giờ liền đến khi có màu trắng ngà, đặc sánh của mỡ và collagen. Loại nước này rất béo và thơm, được nhiều thực khách ưa chuộng.
Miso Ramen: Nước dùng được nấu cùng tương đậu nành, có màu trắng giống Tonkotsu nhưng mịn và vị thanh hơn.
Bên cạnh đó còn có Gyokai Ramen, tuy không phổ biến như những loại nước hầm đã kể trên nhưng cũng là một loại rất ngon và được mọi người ưa chuộng, vị ngọt tiết ra từ hải sản khiến tô mì có vị rất hấp dẫn, không hề có mùi tanh.
Ramen đã gắn bó sâu sắc với đời sống người Nhật đến mức họ đã xây một Công viên mì ở Tokyo – Odaiba Ramen Park, với đầy đủ các món mì khác nhau từ khắp nơi trên đất nước Nhật. Đây cũng là một trong những địa điểm nhất định phải ghé qua cho những ai muốn đặt chân đến Xứ sở hoa anh đào này để có thể thưởng thức trọn vẹn văn hóa mì của người dân nơi đây.
Soba
Mì soba làm bằng cách trộn bột kiều mạch và bột mì, thêm nước tạo thành bột sệt, rồi nhào và lăn cho mỏng ra, và cắt thành những sợi nhỏ. Kiều mạch nổi tiếng là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, chứa nhiều vitamin, đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nên rất được lòng người dân Nhật Bản kể từ những ngày đầu xuất hiện.
Cách ăn mì Soba cũng rất đa dạng từ nóng đến lạnh. Với kiểu mì lạnh, Soba sẽ được dùng chung với nước tương đậu nành Tsuyu, củ cải mài, rong biển và mù tạt. Với cách ăn nóng, Soba cũng được dùng với các loại nước súp tương tự Udon hoặc Ramen.
Ngoài ba loại mì nổi tiếng trên, Yakisoba và Somen cũng là hai loại mì tiêu biểu cho nền ẩm thực Nhật Bản.
Yakisoba
Yakisoba không phải là mì Soba. Yaki có nghĩa là xào trong tiếng Nhật, sợi mì của món Yakisoba khá mỏng, giống như sợi Udon. Đây là một món xào cùng với nước sốt đặc giống dầu hào cùng các loại thịt và gia vị, thành phần nguyên liệu được biến tấu tùy theo vùng miền địa phương.
Không chỉ ăn mì xào riêng, với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, họ còn có cách ăn như ăn một chiếc bánh kẹp, khiến mì Yakisoba càng tiện lợi hơn nữa khi không cần phải dùng đũa, cũng không sợ bị đổ cả hộp mì ra ngoài.
Có những vùng đã gầy dựng tiếng tăm cho mình bằng cách làm ra những món mì Yakisoba độc đáo và ngon đến mức khiến người ăn phải nhớ mãi, thu hút được rất nhiều khách du lịch ghé thăm quan. Yakisoba khiến nhiều người liên tưởng đến mì xào của người Trung Quốc. Món ăn này dễ làm và làm rất nhanh, là một món ăn vô cùng phổ biến trên đường phố Nhật Bản được xào tấm chảo rộng lớn, tiện lợi để làm món ăn với số lượng nhiều, bàn nướng này được gọi là teppanyaki. Màu sắc từ các loại rau củ, hương thơm tỏa từ thịt và gia vị, kết hợp với làn khói nghi ngút tỏa ra ngập trên các con phố khiến bất cứ thực khách nào cũng không thể ngó lơ được!
Somen
Mì Somen tuy không nổi tiếng như Udon, Ramen hay Soba nhưng đây cũng là một trong những niềm tự hào của người Nhật khi nói về các món ăn truyền thống của xứ sở này.
Somen – mì lạnh, hay mì máng tre, là loại mì mảnh nhất của người Nhật, được biến đến nhiều với cách ăn lạnh hơn là nóng và nổi tiếng bởi cách làm kì công và tốn nhiều thời gian nhất trong số tất cả các loại mì.
Với cách làm kì công và mất nhiều thời gian để đạt được độ hoàn hảo, Somen có giá thành nhỉnh hơn so với các loại mì khác, nhưng điều đó cũng không phải là một trở ngại lớn với những ai trót yêu thích sợi mì mỏng này. Bên cạnh đó, cách ăn cũng khiến mì Somen trở nên nổi tiếng hơn.
Cách ăn này đòi hỏi người ăn phải tập trung và khéo léo vì sợi mì mảnh và trơn, rất khó gắp nhưng có lẽ chính vì khó khăn để chinh phục nên Somen lại càng trở nên hấp dẫn hơn đối với người ăn. Nagashi Somen cũng là một trong những hoạt động thú vị thu hút nhiều khách du lịch bởi sự mới lạ của nó.
Các món mì truyền thống này không chỉ gói gọn lòng người dân nước Nhật nữa, mà vị ngon và sự mới lạ trong khâu chế biến cũng như các nguyên liệu đặc trưng đã chinh phục được rất nhiều thực khách trên thế giới ở mỗi nơi mà nó đi qua. Vừa giữ vững nét truyền thống, các đầu bếp cũng vừa sáng tạo ra nhiều phiên bản đặc biệt khác ở mỗi nơi dựa trên các thế mạnh của từng địa phương. Hiện nay, Việt Nam cũng đã có nhiều cửa hàng mì Nhật trên toàn quốc và nhận được các phản hồi tích cực từ thực khách vì độ ngon, dễ ăn và sự đa dạng mà nó mang lại.
Nguồn: Saostar.vn