Đà Lạt không phải là một thành phố nổi tiếng về văn hóa ẩm thực nhưng các món ăn nơi đây lại là mang nhiều nét riêng và thu hút thực khách nhờ sự giao thoa văn hóa. Bánh ướt lòng gà là một ví dụ cụ thể cho đặc điểm này của ẩm thực Đà Lạt.
Trong khi ở những nơi khác bánh ướt thường ăn kèm với chả thì ở Đà Lạt bánh ướt lại đi cùng thịt và lòng gà. Một đĩa bánh ướt, một đĩa lòng gà còn cả thịt và rau thơm nghe chẳng khác nào món gỏi cả. Thế nhưng khi thưởng thức món ăn, thực khách sẽ nhận ra ngay gà có vị ngọt, lòng gà hơi dai là sự kết hợp thú vị với bánh ướt.
Gạo làm bánh thường là gạo tẻ trộn thêm chút bột năng cùng khoai mì tạo độ dẻo và thơm. Tỉ lệ nước thêm vào cần hợp lý để khi tráng không bị vỡ. Bánh được tráng mỏng, đều, mềm và thơm.
Lòng và thịt gà cần chế biến rất kỹ lưỡng. Gà được chọn thịt phải chắc và không dai. Công đoạn sơ chế và ướp gia vị cũng rất quan trọng để giảm mùi tanh và tạo ra hương vị riêng cho món bánh.
Quan trọng nhất vẫn là nước chấm. Mỗi quán ăn thường có hương vị nước chấm riêng. Chính nước chấm làm nên tên tuổi, sự khác biệt của các quán ăn.
Bánh ướt lòng gà là món ăn bình dân được chế biến khéo léo ăn kèm với các loại rau thơm – xà lách và nước chậm đậm đà. Đây là một món ăn ngon gây “nhung nhớ” cho thực khách lại có giá trị dinh dưỡng cao đã được ghi vào danh sách “Top 100 món ăn đặc sản tiêu biểu của Việt Nam (2011 – 2016)”
Quỳnh Mai – Saostyle.vn