Giữa kỷ nguyên chuyển đổi số như hiện nay, khi mạng xã hội chiếm lĩnh không gian thông tin và đưa đến một làn sóng dữ dội của thông tin ảo, không ít ý kiến cho rằng báo chí truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên, thậm chí bị xóa sổ. Thế nhưng, sự thật cho thấy rằng báo chí vẫn giữ một vai trò không thể thay thế trong việc truyền tải thông tin chính xác và bảo vệ những giá trị cốt lõi của xã hội.
Báo chí – ngòi bút của lịch sử
Vừa qua, có cơ hội được đến thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tôi lại càng xúc động và ngưỡng mộ lịch sử báo chí xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử. Từ những ngày đầu tiên khi con người nhen nhóm nhu cầu truyền tin đơn giản cho đến khi báo chí hiện đại ngày một đi sâu vào đời sống. Bên cạnh đó, để có được độc lập chủ quyền như ngày hôm nay thì báo chí từ lâu đã là vũ khí của cách mạng, là công cụ quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Những tờ báo như Thanh Niên, An Nam trẻ hay Nhân Dân đã góp phần không nhỏ trong việc truyền tải các tư tưởng cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết để chống lại ách thống trị của thực dân và đế quốc. Những nhà báo kiên cường như Nguyễn Ái Quốc, Huỳnh Thúc Kháng, Tố Hữu không chỉ là những nhà báo mà còn là những chiến sĩ, sử dụng ngòi bút của mình để vạch trần sự thật, làm sáng tỏ chính nghĩa và thúc đẩy phong trào kháng chiến. Dù là trong chiến tranh hay thời bình, báo chí vẫn luôn là người đồng hành, bảo vệ và phát huy những giá trị cốt lõi, bảo vệ nền tảng tư tưởng và sự đoàn kết của dân tộc.
Vũ khí sắc bén xuyên suốt mọi thời đại
Giây phút được tận mắt chứng kiến các hiện vật lịch sử và lắng nghe những câu chuyện về nghề báo xuyên suốt hàng trăm năm tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tôi lại càng thấm thía hơn ý nguyện nghề báo: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc.”
Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thu Hiền – cán bộ nghiệp vụ tại Bảo tàng cho biết: “Hành trình Thiên sử vàng dân tộc – chiến thắng Điện Biên Phủ không thể không nói đến vai trò rất là to lớn trong công tác tuyên truyền. Báo chí cách mạng không đơn thuần là phương thức truyền tin mà còn là vũ khí sắc bén không thua kém gì vũ khí chiến đấu”. Báo chí từ bao đời nay chưa bao giờ từng đánh mất giá trị và tầm quan trọng của mình. Vượt qua bao khó khăn và thăng trầm của thời đại, bản thân báo chí vẫn trường tồn và tiếp tục phát triển hơn trong với sứ mệnh truyền tin.
“Người gác cổng” của sự thật
Trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt và thông tin được lan truyền với tốc độ không tưởng, báo chí truyền thống lại càng khẳng định vai trò quan trọng của mình. Không thể phủ nhận rằng, trong một thế giới thông tin phong phú và hỗn loạn, báo chí truyền thống giữ vai trò là “người gác cổng” thông tin, giúp sàng lọc, kiểm chứng và phân biệt thông tin chính xác, từ đó bảo vệ sự thật và ổn định xã hội. Báo chí không mất đi, cũng không bao giờ bị xóa sổ bởi lẽ những bài viết, bản tin của các nhà báo không chỉ là những mẩu tin đơn giản mà còn là công cụ chống lại những luận điệu xảo trá, thông tin sai lệch và các âm mưu của thế lực thù địch.
Báo chí không chỉ là một nghề nghiệp, mà là một sứ mệnh, là vũ khí mạnh mẽ để chiến đấu và bảo vệ nền tảng của xã hội trong thời đại thông tin hiện nay. Chuyến thực tế tại Bảo tàng đã để lại trong tôi ít nhiều những xúc cảm, đó là sự tự hào về nghề nghiệp, sự ngưỡng mộ với các thế hệ tiền bối đi trước và niềm tin về sự phát triển, tiếp nối những giá trị của quá khứ cho báo chí tương lai.
Khánh Ly