Amanda Huỳnh – nữ nhà văn, họa sĩ kiêm luật sư nổi tiếng hiện đang sống và làm việc tại Paris. Cô khiến giới trẻ đặc biệt là các chị em ngưỡng mộ bởi thành tích học tập đáng nể khi có bằng Tiến sĩ tại Pháp chỉ vừa 28 tuổi và hiện nay, Amanda Huỳnh làm việc cho nhiều tập đoàn danh tiếng với vị trí quản lý cao cấp.
Năm 2013, cô dược tổ chức nghệ thuật đa quốc gia Art 3F của Châu Âu vinh danh là Tài năng trẻ. Các tác phẩm hội họa, nghệ thuật của cô đã và đang được trưng bày tại nhiều triển lãm và phòng trưng bày tại Pháp và Dubai.
Dù bận rộn trong công việc nhưng niềm đam mê nghệ thuật trong Amanda Huỳnh vẫn luôn cháy bỏng đặc biệt là văn chương và hội họa. Cô từng cho lên kệ hai quyển sách được rất nhiều bạn trẻ yêu thích là Lam và Có hẹn với Paris. Thông điệp những quyển sách của Amanda Huỳnh là những câu chuyện dung dị và nhẹ nhàng được chính cô trải nghiệm, gửi gắm qua từng con chữ. Một nữ luật sư thành đạt, nhiều trải nghiệm và có tình yêu vô tận với người, với đời sẽ đem lại những trải nghiệm thú vị gì cho bạn đọc?
Tình hình cuộc sống hiện tại ở Pháp của Amanda Huỳnh sau dịch bệnh có nhiều thay đổi không?
Tròn hai tháng Paris nới lỏng lệnh cách ly. Cuộc sống dần trở lại nhịp bình thường như trước. Nhà hàng quán ăn được mở cửa khu vực ngoài trời. Cơ quan, công sở, công ty, tàu điện lại bắt đầu tấp nập. Những ngày này Paris bước vào mùa hè, bước vào những tháng ngày đẹp nhất trong năm. Ernest Hemingway từng nói “Nếu bạn có may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân thì dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn ở trong bạn”, là vì những tháng ngày như thế.
Có lẽ dịch bệnh đã kéo cuộc sống của tôi chững lại đôi chút. Buổi chiều tan tầm, thay vì bắt tàu điện như trước, tôi rảo bộ về nhà, để được ngắm nhìn những cửa hàng hoa, những hàng quán trên vỉa hè thấp thoáng những ly bia mát lạnh, bên những góc đường đâu đó những cô gái thị thành với những chiếc đầm hoa nhỏ li ti, những khu chợ trái cây xếp đầy những giỏ dưa gang hay cherry chín mọng đủ đầy màu sắc. Nếu không có những chiếc khẩu trang, có lẽ tôi đã không nghĩ rằng thành phố vừa trải qua những tháng ngày lạ lùng đến thế.
Và nhớ ra một điều hiển nhiên muôn thuở, đó là hạnh phúc là những phút giây an bình và giản dị. Gắn chúng ta với cuộc đời là những điều nhỏ nhỏ, êm đềm và thân thuộc. Như mùi bánh mì nướng góc đường, cửa hàng hoa trên hè, quán cà phê tôi hay ngồi đọc sách, câu chào hỏi bác hàng xóm thân quen. Hơn sáu tháng nay, dẫu thức giấc cạnh nhau hay cách xa nhau nửa vòng trái đất, tôi vẫn luôn nhận được tin nhắn “hôn em ngày mới”. Còn có thể an hưởng những điều nhỏ bé ngọt ngào như thế, nghĩa là cuộc sống chúng ta vẫn ổn, chúng ta vẫn an bình và hạnh phúc.
Cụm từ “Hôn em ngày mới” phải chăng chị đang hạnh phúc trong một mối quan hệ? Chị nghĩ sao về việc yêu xa?
Bạn biết không, tôi từng yêu xa một người trong ba năm, ở cạnh nhau vỏn vẹn sáu tháng rồi sau đó tan vỡ, vậy mà tôi vẫn luôn nghĩ “yêu xa” là một điều rất đẹp và trong một chừng mực nào đó, nó hun đúc bản lĩnh của chính mình. Trong một cuộc tình khác, chúng tôi ở cạnh nhau được ba đêm, chia tay khi trời vừa hửng sáng và không thể lại gặp nhau sáu tháng sau đó. Tôi sưởi ấm mỗi ngày của mình bằng số kỷ niệm ít ỏi và lạ lùng thay lại rất đậm sâu.
Tôi nhận ra, không chỉ trong tình yêu mà trong cuộc sống và những chặng đường gian nan khác, khi tất cả những điều tưởng đã có được bỗng nhiên không còn nữa, có một điều duy nhất tồn tại đến cuối cùng giúp chúng ta đủ can đảm bước tiếp, đó là niềm tin.
Tôi đọc hơn ba lần cuốn “Người đua diều” của Khaled Hosseini, đoạn văn khiến tôi xúc động nhiều nhất không phải là đoạn cậu bé Hassan hết lần này đến lần khác hy sinh cứu người chủ, người anh của mình-Amir qua cơn nguy hiểm. Mà lại là lúc Hassan ở lại căn nhà trống ở Kabul trong những ngày chiến tranh dữ dội, trong khi Amir đã chạy trốn sang Mỹ.
Mỗi ngày, Hassan vẫn trồng hoa trong khu vườn không có ai sống, lau nhà tắm không ai dùng, dọn căn phòng không ai ở, cậu kiên quyết không sống trong ngôi nhà rộng rãi có tầng lầu, mà ở trong túp lều dành cho người đầy tớ trong vườn, vì tin chắc Amir sẽ trở về, sẽ lại ở trong căn phòng có cửa sổ nhìn xuống cánh cổng.
Lòng tin ấy, khiến tôi nhớ về những người mẹ, những người vợ, luôn tin chắc rằng con trai hay chồng của họ sẽ trở về, trong lịch sử của dân tộc mình. Lòng tin vào tình yêu. Lòng tin vào người yêu. Và lòng tin cho chính bản lĩnh mình nữa. Nó giữ những bàn chân bước tiếp dẫu tương lai có dành tặng hay thử thách điều gì. Lòng tin là một loại sức mạnh vô song.
Một nữ luật sư xinh đẹp, yêu đời trước đây đã có những thay đổi gì về mình, về cuộc sống sau cơn đại dịch thế giới này? Chị Amanda Huỳnh làm cách nào để sắp xếp mọi thứ thật ổn?
Nếu những lo lắng bất an là những nỗi buồn nhỏ, thì những nỗi buồn nhỏ tích tụ nhiều ngày nhiều lần sẽ trở thành một bó nỗi buồn rất lớn. Và như câu chuyện bó đũa ấy, bó nỗi buồn sẽ không thể nào bẻ gãy hay mất đi. Lâu ngày, chúng trở thành gánh nặng tâm hồn không thể cất đi được. Nên nếu được, hãy tưởng tượng nỗi buồn là một viên đá nhỏ thôi, cầm nắm lia đi trên mặt hồ một ngày gió nhẹ, để chúng nảy lách tách trên mặt nước hay trong tâm trí ta chỉ vài lần, rồi sau đó lặn không sủi tăm không vết tích dưới đáy hồ.
Để tôi kể cho bạn nghe chuyện này. Một lần, cũng cách đây không lâu lắm, tôi mang theo tất cả những gì cần thiết nhất, khoá trái cửa căn hộ, rồi rời xa thành phố, không định ngày về. Sáu tháng sau, lúc kéo vali trở lại căn hộ, khi đi qua khoảng sân nhỏ tôi phát hiện ra nhành lan rừng, tôi bỏ quên sáu tháng trước, bệ gỗ khô cong, vậy mà những nhành gầy guộc vẫn nhú lên những chồi xanh nho nhỏ. Như một điều kỳ diệu.
Nhánh lan rừng này, cha tôi hái trong một khu rừng của Đà Lạt, chở xe máy về Sài Gòn, rồi cẩn thận gói ghém như một món quà cho tôi lúc trở lại Paris. Cây lan rừng dẫu đi chuyến hành trình không gian và thời gian không ai ngờ, vẫn giữ nguyên sức sống mạnh mẽ và xinh đẹp của một loài cây dại. Như người ta vẫn thường nói đó, có hai cách để bạn nhìn cuộc đời, bạn có thể nhìn những gì xảy ra với những giải thích biện minh hoặc nhìn chúng như tất cả là một điều kỳ diệu.
Nếu bạn nghĩ cơn khủng khoảng vừa qua là khoảng thời gian vắng nhà, rủi ro bất định của cuộc đời là một cơn giông bão, thì nếu lòng mình là một nhánh lan rừng tràn đầy niềm tin và hy vọng, nếu tâm hồn mình là góc nhà ấm áp, có bình trà nóng lan toả khói thơm, vậy thì mọi cơn giông bão nếu có cũng sẽ vĩnh viễn nằm ngoài cánh cửa và cuộc sống mình sẽ luôn là chốn bình yên không gì chạm đến được.
Dù tình hình dịch bệnh căng thẳng nhưng vẫn cảm nhận được tinh thần tích cực lan tỏa từ chị, vậy đâu là chất xúc tác giúp chị có nhiều năng lượng tích cực đến như vậy? Có lúc nào chị cảm thấy bản thân mình thiệt thòi khi nghĩ cuộc đời “màu hồng” như vậy không?
Bên cánh tay phải của tôi có dòng chữ “Dreamer”. Trước khi xăm dòng chữ ấy rất lâu, tôi thấy mình may mắn khi luôn nhìn cuộc đời bằng một đôi mắt khác, luôn tìm thấy niềm hạnh phúc trong những việc giản đơn hay nỗi xúc động trong những điều nhỏ nhặt.
Như những lần ở được cạnh người yêu thương, tôi cố tình ngủ sau, để được nghe nhịp thở đều đặn của người thanh thản chìm vào giấc mộng, tôi thức dậy sớm hơn để được nhìn đôi mi người rung rung khi thức giấc, được thì thầm vào tai người “chào buổi sáng tình yêu”. Như thể tôi ngủ qua hai đêm, thức dậy cùng người qua hai buổi sáng. Cùng một giây phút được yêu hai lần. Tận hưởng hai lần cùng một niềm hạnh phúc thì gọi là “thua thiệt” hay là một “duyên may”?!
Hạnh phúc bây giờ với chị là gì? Nếu có một mong ước, chị sẽ mong ước điều gì?
Tôi có may mắn sống một cuộc đời nhiều xê dịch, nhiều đổi thay, có sóng gió, biến động và thành quả. Những trang cuộc đời tôi đã viết, luôn đủ mọi sắc thái của cảm xúc và tình yêu. Mỗi lần khép lại một trang trước, lần dở một trang sau, tôi vẫn luôn chỉ ao ước một điều, đó là lúc nào cũng có thể nhìn cuộc đời với những hồ hởi say mê, nhìn những ngày trước mặt với những niềm hy vọng lớn. Có nó, mọi thử thách là một ván cờ, mọi khó khăn là một cơ hội mới.
Nếu ước mong chỉ dành riêng cho mình, tôi mong mình luôn giữ được niềm tin yêu sống như thế. Nếu được ước mong cho mọi người, tôi mong bình yên và an toàn cho gia đình và những người thân quen. Giai đoạn này nhiều biến động nhưng chắc rằng cái được là nó mang lại cho mình nhiều giây phút tĩnh để lặng đi để suy ngẫm những gì đã qua và những gì sắp đến.
Trước đó chị có chia sẻ chị sắp ra mắt quyển sách “Nơi chúng ta thuộc về”. Không chỉ chắp bút viết nên những câu chuyện chị còn đảm nhận luôn vai trò vẽ tranh minh họa cho sách. Phải chăng chị quá cầu toàn cho các sản phẩm của mình? Chị nghĩ điều gì trong quyển sách này sẽ thu hút độc giả?
Nhà văn có nhất thiết phải tự mình vẽ tranh cho cuốn sách của mình không? Tôi nghĩ là không. Chỉ có điều là, trong bất cứ điều gì chúng ta làm, điều quan trọng nhất không phải là điểm đích cuối cùng, không phải đầu kia con đường, không phải là cuốn sách.
Bạn đã từng vất vả làm một chiếc bánh suốt cả buổi chiều, đã từng cố gắng chạy marathon trong một chặng rất dài, đã từng gian nan làm một dự án khó khăn đến nỗi chỉ muốn buông xuôi hay dừng lại. Lúc nhìn những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên áo, nhìn chiếc bánh nghi ngút hương thơm, nhìn dự án khó khăn đã hoàn thành ở điểm cuối, bạn nghĩ gì? Bạn có có nhớ những giây phút miệt mài trong bếp, những khoảnh khắc tự động viên mình trên đường, những lúc chong đèn bảo bản thân cố thêm chút nữa.
Phần thưởng thật sự nằm ở những giây phút say mê nên khi tôi vẽ tôi đang đi con đường hạnh phúc không cần điểm đến như thế. Còn một điều nữa, hội hoạ và văn chương có khả năng chuyển tải những màu sắc và vẻ đẹp khác nhau cho cùng một thông điệp. Những hình ảnh, đẹp không phải vì chúng đẹp, mà bởi vì chúng nhắc lại những kỷ niệm và hoài bão dang dở trong tiềm thức.
Vì là kẻ mộng mơ nên tôi mơ vẽ về một cánh cửa, viết về một con tàu, ở nơi ấy, chỉ cần chạm nhẹ, đẩy khẽ là cảm xúc của người đọc sẽ tự mở ra và đưa họ trở về nơi họ mong ước. Tôi tin điểm thu hút nhất của cuốn sách này đó là nó giản dị chạm đến cảm xúc của người đọc bằng một cách say mê (như cách tôi đã vẽ và viết) và chân thành (như cách tôi chia sẻ lòng mình). Vì không ai đánh thuế một giấc mơ, nên tôi sẽ mơ thật nhiều thật lớn.
Là một người có nhiều trải nghiệm, đi nhiều nơi và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Chị có lời khuyên gì cho mọi người đang sống tại Việt Nam và cũng như đang kẹt lại ở nước ngoài ở giai đoạn này không?
Ai cũng có những điểm tựa riêng cho mình, có thể là gia đình, công việc hay tình yêu. Cuộc sống đã và vẫn sẽ luôn thử thách chúng ta bằng những khoảng thời gian sóng gió. Chúng ta đã và vẫn sẽ nối những điểm tựa ấy để tạo thành vòng tròn của năng lượng, hạnh phúc và hy vọng. Tôi luôn nghĩ dẫu tương lai có dành tặng hay thử thách điều gì đi chăng nữa, thì có vẫn luôn hai điều quan trọng cần gìn giữ.
Thứ nhất, cách nhìn cuộc đời tốt nhất luôn là với lòng biết ơn. Biết ơn những gì đã trải qua, biết ơn những gì đã, đang và sẽ có. Lòng biết ơn biến những biến cố trở thành những trải nghiệm, biến cuộc đời bình thường trở thành cuộc đời hạnh phúc, biến những điều nhỏ nhặt thành những niềm yêu thương.
Và điều thứ hai, giá trị bền vững nhất, cần chăm lo nhất là giá trị của chính bản thân mình. Dẫu sóng gió, dẫu khó khăn, biết mình là ai, biết mình có thể làm gì và liệu mình có thể phấn đấu những gì để hoàn thiện bản thân hơn nữa. Đường hầm dẫu dài ngắn, tối tăm thế nào thì vẫn luôn có hai đầu hai cửa. Có thể bây giờ nơi chúng ta đi không có ánh sáng, có thể bây giờ gió lạnh luồn qua hun hút thâm u, cứ tiến tới, từng bước, từng bước một, bình tĩnh và vững chãi. Chắn chắn có lối ra. Chắn chắn ở đầu kia vỡ oà ánh sáng và hạnh phúc.
Cảm ơn những chia sẻ đầy thú vị và tràn đầy tình cảm của chị. Chúc chị luôn thành công và có nhiều sáng tác hay và ý nghĩa hơn nữa.
Photographer: Phan Võ
Outfit: Maje paris