Cốm làng Vòng từ lâu đã trở thành đặc sản ẩm thực truyền thống của người dân nơi kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến. Không hề nói quá khi khẳng định rằng: “Người Hà Nội mà chưa từng ăn cốm thì không phải người Hà Nội”.
Cốm làng Vòng là sản phẩm đặc trưng của làng Vòng, ngày trước có tên là thôn Hậu, thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm; nay thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nghề làm cốm bắt nguồn từ truyền thuyết: Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm.
Người làng Vòng đành mò cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn mỗi khi mùa thu đến. Cứ mỗi lần làm là một lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm nên hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo, càng thơm.
Đến nay, cốm làng Vòng đã vượt qua khỏi lũy tre làng, theo những gói quà, những gánh hàng rong đến với người thân, đến với người ăn chơi sành điệu, rồi trở thành đặc sản quý tiến vua các triều Lý (1009-1225), trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng An.
Cốm được gói trong 2 lớp lá, một lớp lá ráy tươi đảm bảo cốm không bị khô, trong cùng là lớp lá sen thoảng hương thơm ngát, buộc trong sợi rơm lúa nếp vàng tươi khiến món ăn càng mang đậm hương đồng nội.
Nhà văn Thạch Lam đã viết: “Cái màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, không gì hòa hợp bằng. Cốm làng Vòng đượm mùi hương dạt dào trong màu sắc và trân quý thanh khiết như những hạt ngọc được gói cẩn thận, tỉ mỉ trong những chiếc lá sen. Tất cả những gì tinh túy của đất trời, của làng quê Việt Nam cũ như gói ghém dành trong những hạt cốm khiến cho người thưởng thức phải ngất ngây.
Mang trong mình hương vị riêng của Hà Nội nên để thưởng thức cốm cũng phải thật tinh tế. Ăn cốm ngon nhất vào mùa thu. Giữa tiết trời hanh heo, se se lạnh, ngồi ăn cốm nhâm nhi cùng một ấm trà ngon để thể cảm nhận được hết phong vị truyền thống và phong thái thanh tao của người Hà Nội xưa. Cốm có thể ăn ngay hoặc ăn kèm với chuối tiêu bẻ đôi hoặc thái ngắn, lúc ấy ta mới thấy được cái vị ngọt thơm nồng của chuối hòa quyện vị dẻo bùi của cốm và thoảng chút hương dìu dịu của lá sen.
Cốm còn được dùng như một thứ quà tặng tinh tế. Cốm xuất hiện trong các lễ cưới hỏi truyền thống với tên gọi là bánh phu thê, cho thấy được những giá trị về văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam.
Ngày nay nghề làm cốm bị mai một nhiều, không còn nhiều các sản phẩm cốm chất lượng được làm thủ công tỉ mỉ trong từng công đoạn, thay vào đó là những sản phẩm thương mại, làm mất đi bao nét phong vị cổ.
Hà Nội hiện còn hai nơi làm cốm giữ lại được hương vị của cốm làng Vòng truyền thống đó là làng Vòng và Mễ Trì Hạ với nhiều dạng cốm chế biến phong phú như cốm tươi, cốm già, cốm xào, xôi cốm, chả cốm, bánh cốm, bỏng cốm…
Cốm làng Vòng là thức quà đặc biệt nhất trong mọi thứ quà Hà Nội. Gói cốm làng Vòng bình dị giống như cái gói kỳ diệu gói cả mùa thu, để bất cứ ai thưởng thức rồi đều thấy bâng khuâng, quyến luyến, nhớ nhung cái mộc mạc, thanh tao ấy.
PV