Tìm một đề tài hay nhưng lạ, tìm một nhân vật khó tìm nhưng đáng để viết và đáng để đọc, đó là cái khó của những người chuyên viết lách như chúng tôi. Tôi bắt đầu với từ khoá “Moondancer” và một phép tính tìm người rất đơn giản bằng cách search Google cụm từ ” Moondancer số 1 Việt Nam”
Và kết quả ở ngay những trang đầu tiên là cái tên Tú Michael – Nguyễn Anh Tú. Nhắc đến Tú Michael là nhắc đến danh hiệu “Người hóa thân thành Michael Jackson (MJ Impersonator, Moondancer) số 1 Việt Nam”. Con đường đi đến danh hiệu “Người hóa thân thành Michael Jackson số 1 Việt Nam” của anh Tú là một hành trình dài cố gắng để được thừa nhận với tư cách một Moondancer.
Phóng viên Sao Style đã ngay lập tức liên hệ để có một cuộc trò chuyện đặc biệt với nhân vật thú vị này.
Chào Tú Michael, được báo chí ca ngợi là “Moondancer số một”, nhưng hình như Tú Michael có vẻ đang ở ẩn?
Phải nói ngay rằng “Moondancer số một” là “lời khen ưu ái” của báo chí thôi. Trên facebook hay bất cứ đâu, slogan của tôi luôn là “Không phải Số Một. Nhưng là Duy Nhất”. Tôi nhận thức được rõ điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân nên tôi hiểu vị trí nào phù hợp với mình. Dù ở ẩn nhưng tôi vẫn làm việc liên quan đến Moondancing.
Cụ thể công việc của anh hiện là gì?
Tôi làm kinh doanh riêng, cụ thể là mở một công ty truyền thông và đào tạo. Công ty tôi tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong các chiến lược truyền thông, đặc biệt là online marketing và tổ chức sự kiện. Tôi có kết nối rất tốt với những đạo diễn, biên đạo chương trình nên đã xây dựng được ekip riêng. Ngoài ra, tôi cũng hay được mời làm diễn giả, khách mời trong các talkshow về chủ đề khởi nghiệp.
Vậy là từ một Moondancer, một nghệ sĩ, anh đã “chuyển hóa” thành một doanh nhân?
Tại sao lạ không chứ? Kinh doanh cũng là một nghệ thuật. Có rất nhiều nghệ sĩ thành công trong kinh doanh và có rất nhiều doanh nhân thành công mang tính cách, tâm hồn của người nghệ sĩ. Ví dụ như nữ diễn viên Jessica Alba với công ty The Honest chuyên sản xuất những sản phẩm gia dụng, chăm sóc sức khỏe không độc hại. Ngay cả Steve Jobs cũng được coi là một nghệ sĩ với những sáng tạo táo bạo, thậm chí từng được coi là điên rồ.
Nhưng dường như có sự khác nhau khá lớn giữa “doanh nhân” và “nghệ sĩ”?
Tôi hiểu điều đó chứ. Nhắc đến doanh nhân, người ta nghĩ đến những người tư duy sắc sảo, nhanh nhạy, và rất thực tế. Nhắc đến nghệ sĩ, người ta thường nghĩ đến những người sống theo cảm xúc, đầu óc lúc nào cũng ở trên trời, và xa rời thực tế. Nhưng chính vì thế mới tạo nên sự thú vị. Nghệ sĩ luôn mong muốn sáng tạo, luôn nghĩ ra ý tưởng mới. Doanh nhân luôn biết cách hiện thực hóa những sáng tạo đó bằng những kế hoạch cụ thể. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai, khoảng cách giữa hai khái niệm này sẽ gần nhau hơn, thậm chí được xóa bỏ. Nghệ sĩ cần đầu óc của doanh nhân. Doanh nhân cần tâm hồn của nghệ sĩ.
Có vẻ như “khởi nghiệp” đang là một từ khóa rất hot trong giới trẻ? Anh có nhận định gì về việc này?
Đúng là khởi nghiệp chưa bao giờ được nhắc đến nhiều hơn như bây giờ, đặc biệt khi Chính phủ đã chọn năm 2016 là “Năm Quốc gia khởi nghiệp”. Nhưng trong các buổi nói chuyện với giới trẻ, tôi luôn lưu ý việc “đừng khởi nghiệp như một phong trào”. Có ba câu hỏi quan trọng bạn cần trả lời
Bạn khởi nghiệp vì lý do gì?
Bạn định đưa sản phẩm/dịch vụ gì ra thị trường?
Bạn đã khảo sát thị trường chưa?
Tôi quan trọng nhất câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên “bạn khởi nghiệp vì lý do gì”. Vì nếu bạn khởi nghiệp chỉ vì bạn không muốn làm thuê hoặc muốn chứng tỏ bản thân, bạn sẽ dễ rơi vào “ảo tưởng khởi nghiệp”. Tóm lại, đừng khởi nghiệp như một phong trào.
Vậy theo anh, thế nào là “khởi nghiệp”?
Đã từng có tranh luận gay gắt về định nghĩa “khởi nghiệp”. Những người mở cửa hàng bán bún, bán phở có được coi là “khởi nghiệp” không, hay phải là doanh nhân với những sản phẩm đột phá? Tôi cho rằng đấy là tranh luận vô nghĩa, không có hồi kết. Cá nhân tôi thích định nghĩa bằng cách “bẻ chữ”. “Khởi” là bắt đầu. “Nghiệp” là hành động có dụng tâm. “Khởi nghiệp” chính là bắt đầu một công việc, một hành động theo tâm trí của mình. Với cách giải thích như vậy, những hoạt động nào dựa vào “tiếng gọi bên trong” của mình đều có thể gọi là “khởi nghiệp”.
Nghe từ “nghiệp” đó giống trong Đạo Phật, anh có thể giải thích rõ hơn không?
Đúng vậy, nếu hiểu sâu sắc “khởi nghiệp” theo thuyết nghiệp của Đạo Phật, có thể chúng ta sẽ nhận thức rõ ràng hơn về mọi thứ diễn ra xung quanh. Trong đời này, không có gì xảy ra một cách ngẫu nhiên hết. Mọi sự việc, hiện tượng xảy ra đều có nhân duyên của nó. Có đủ nhân, đủ duyên và đúng thời điểm, mọi việc cứ thế mà xảy ra thôi. Có muốn chối bỏ cũng không được. Lấy ví dụ cụ thể từ câu chuyện của Tú Michael nhé. Tôi, cũng như nhiều bạn khác thuộc thế hệ 8x, được định hướng học thật chăm chỉ, lấy bằng cấp tốt để có một công việc ổn định, lương cao. Và sự thực là tôi đã từng làm việc tại một ngân hàng lớn trong suốt 8 năm đúng theo tiêu chí ấy. Đó có thể là công việc mong ước của nhiều người nhưng không phải mong ước của tôi. Cái gì đó đã thôi thúc chuyển hướng? Phải chăng đó là “nghiệp” của tôi với nghệ thuật? Khi tôi đã “khởi” từ lâu với các hoạt động tập luyện, biểu diễn và luôn bao quanh là các mối quan hệ, công việc liên quan đến truyền thông. Và đến thời điểm thì tự khắc sẽ có quyết định chuyển hướng thôi. Tóm lại, “khởi nghiệp” đã bắt đầu ngay từ khi bạn làm một công việc bất kỳ và thấy sự mới lạ, thôi thúc của bản thân trong đó. Nhưng tôi cũng xin lưu ý, đây là nghiệp chứ không phải là số mệnh!
Ý anh là chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ số mệnh của mình?
Không hẳn là “hoàn toàn”, nhưng chúng ta có thể nhận thức sâu sắc về “nghiệp” của mình để lựa chọn một “nhánh rẽ” của số mệnh. Tôi đáng ra đã có thể chọn “nghiệp” học hành để làm một công việc ổn định đến hết đời. Nhưng tôi đã chọn “nghiệp” nghệ thuật và kinh doanh. Hãy thử ngẫm mà xem, cuộc đời chúng ta dù vùng vẫy kiểu gì đi chăng nữa, vẫn không thoát khỏi sinh-lão-bệnh-tử. Vậy tại sao chúng ta không chủ động chọn cách “khởi nghiệp” của riêng mình? Một lần nữa tôi nhấn mạnh, khi bạn đã bắt đầu cảm thấy sự thôi thúc từ bên trong, hay chúng ta vẫn thường gọi là “đam mê”, với bất kỳ công việc gì, bạn đã “khởi nghiệp” rồi đó. Vấn đề là bạn có duy trì được đam mê hay không thôi.
Anh có lời khuyên nào cho giới trẻ để duy trì đam mê của mình để “khởi nghiệp”?
Có thể ví đam mê như một ngọn lửa. Lửa quá to thì bạn sẽ bị chính nó thiêu đốt. Lửa quá nhỏ thì sẽ tắt trước khi bạn làm được bất kỳ điều gì. Không ít người làm công việc của họ với tất cả đam mê, nhưng khi đạt được chút thành công hoặc gặp chút khó khăn thì lửa đam mê cũng mất hoặc tự chìm trong ánh sáng của ngọn lửa đó. Vấn đề của giới trẻ hiện nay là nhiều người không có lửa đam mê nhưng một số người lại có quá nhiều lửa, lúc nào cũng cháy phừng phừng, dẫn đến xa rời thực tế. Vì vậy, hãy biết điều chỉnh ngọn lửa của mình cho phù hợp với tình hình thực tế. Trái tim càng nóng thì cái đầu càng phải lạnh. Hãy biết dung hòa “doanh nhân” và “nghệ sĩ” trong bạn!
Xin cảm ơn một buổi trò chuyện hết sức ý nghĩa với a Tú Micheal. Có lẽ bài báo này đã phần nào khắc hoạ được chân dung một nhân vật đặc biệt, thú vị và có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Moondancer Việt nam.
Cám ơn anh. Chúc anh một năm mới thành công!
Trang Võ – Sao Style