Thế giới ballet luôn gợi lên sự đẹp đẽ hoàn mỹ trong trí tưởng tượng mỗi người. Sự mỏng manh nhưng uyển chuyển, thân hình vũ công bé nhỏ nhưng mang vẻ quyến rũ rất riêng. Tất cả điều đó khiến nhiều người ước mơ được một lần đứng trên sân khấu, được múa bằng tất cả niềm đam mê trong tâm hồn. Tuy vậy góc khuất đằng sau sự hào nhoáng, đằng sau niềm nhiệt huyết cháy bỏng đó liệu có ai hiểu rõ?
1. The Red Shoes (1948)
“The red shoes” – một trong những tác phẩm phim điện ảnh đỉnh cao về nghệ thuật múa ballet, bộ phim ẩn chứa trong đó sự đẹp đẽ về niềm đam mê tuổi trẻ nhưng cũng đầy ám ảnh.
The Red Shoes vốn là một câu chuyện cổ tích của đại văn hào Hans Andersen. Câu chuyện xoay quanh cô gái trẻ, một ngày nọ cô nhìn thấy một đôi giày màu đỏ và đó là thứ cô thích hơn hết thảy tất cả mọi thứ trên đời. Khi mang đôi giày vào chân, cô bắt đầu nhảy múa nhưng đôi giày đã bị phù phép. Nó buộc người đi giày phải múa không dứt cho đến khi chết. Michael Powell và Emeric Pressburger đã đưa chính cốt truyện đó vào tác phẩm phim điện ảnh của mình. Cảnh múa vở “The Red Shoes” tuy chỉ là một phần của bộ phim điện ảnh nhưng nó kéo dài tới 15 phút. Cùng sự tham gia của 53 vũ công đến từ vũ đoàn ballet Hoàng gia Anh đã góp phần đưa bộ phim trở thành tác phẩm kinh điển về vũ đạo.
Không chỉ đơn thuần kể lại câu chuyện cổ tích, The Red Shoes còn là số phận của nhân vật nữ chính Victoria Page. Cô có niềm đam mê ballet giống như cô gái trong câu chuyện nọ. Còn Lermontov là ông bầu quyền lực, lạnh lùng, cao ngạo và cay nghiệt. Đã nhận ra khả năng múa tuyệt vời của Victoria và quyết định trao cho cô làm nhân vật chính trong vở “The Red Shoes”. Và đương nhiên vở diễn đã mang lại danh tiếng không ngờ tới cho Victoria và chàng nhạc sĩ Julian Craster.
Chuyện tình đẹp như mơ giữa người vũ công ballet và chàng nhạc sĩ trẻ tuổi được dệt nên trong sự vui mừng của mọi người. Chỉ trừ Lermontov. Điều này không phải do sự ghen tuông của tình yêu mà đó là sự cay nghiệt trong con người Lermontov. Ông ta cần sự trung thành tuyệt đối, ám ảnh về sự huy hoàng và tình yêu thì như bức tường cản trở con đường thành công trong sự nghiệp này.
Bộ phim điện ảnh chứa đựng đầy sự xung đột giữa tình yêu và đam mê. Victoria Page yêu chàng nhạc sĩ trẻ tuổi, nhưng khi chọn tình yêu cô sẽ phải rời khỏi đoàn Lermontov. Mà chỉ ông ta mới có thể khiến Victoria trở thành nghệ sĩ vĩ đại. Sự xung đột xảy ra chính trong tâm hồn người con gái ấy. Lựa chọn đam mê hay tình yêu? Chỉ Victoria Page mới rõ. Cô như hiện thân chính nhân vật mà mình thể hiện trong vở “The Red Shoes” – Mang một đôi giày đỏ trong trái tim, đam mê tột cùng với ballet và sự huy hoàng của nó. Còn Lermontov không ai khác là hiện thân của gã phù thủy tạo ra đôi giày đỏ, bắt buộc cô gái lựa chọn giữa tình yêu và đam mê.
2. Black Swan (2010)
Thật thiếu sót khi nói tới các bộ phim điện ảnh lấy đề tài về ballet mà lại không nhắc đến “Thiên nga đen”. Đây là tác phẩm của đạo diễn Darren Aronofsky và là bộ phim nổi bật nhất năm 2010 khi giành tới 5 đề cử giải Oscar (trong đó có đề cử phim xuất sắc nhất).
Bên cạnh việc khai thác sự cạnh tranh khốc liệt của nghề múa ballet, Darren Aronofsky còn khai thác tới những ảnh hưởng tâm lý trong nghề đã tác động ra sao tới cô vũ công Nina (do Natalie Portman thủ vai). Để có được vai diễn Swan Queen, Nina đã phải nỗ lực rất nhiều và cô thực sự là diễn viên nổi bật trong đoàn múa New York. Cùng lúc đó, sự xuất hiện của Lily- cô vũ công tới từ San Francisco với phong cách phóng khoáng, hoang dại lại trở thành mối lo đối với Nina.
Nina – Cô gái thánh thiện, trong sáng, là người thể hiện vai diễn thiên nga trắng một cách hoàn hảo nhất. Trong khi đó, Lily lại có những cá tính phù hợp với thiên nga đen. Sự cạnh tranh cho vai diễn khiến Nina càng ngày càng phát hiện được phần tăm tối trong tâm hồn mình. Hàng loạt ảo giác xuất hiện, tự cào xé bản thân khi gặp áp lực, luôn luôn suy nghĩ tới việc bị cướp mất vai diễn khiến cô dần đánh mất chính mình. Nhưng chỉ có cách đó, Nina mới tiến tới hình tượng Thiên nga đen hoàn hảo.
Theo thể loại tâm lý, kinh dị, Darren Aronofsky đã mở cho bộ phim điện ảnh một màu sắc u buồn, tăm tối ngay từ phút đầu tiên. Mở đầu bằng hình ảnh cô gái trẻ đang thực hiện những động tác múa ballet đầy uyển chuyển trong khung cảnh tăm tối, lạnh lẽo. Đó chính là giấc mơ của Nina, như một sự báo hiệu cho những thay đổi trong cuộc đời cô gái. Khi xem “Black Swan”, người xem dễ dàng nhận thấy, đạo diễn đã cố tình làm yếu đi các nhân vật phụ và chỉ tập trung khai thác nội tâm diễn viên chính. Từ nàng công chúa mong manh, được mẹ nuôi dưỡng từ niềm đam mê ballet mà bà không thể thực hiện khi còn trẻ. Nina bắt đầu trải nghiệm cuộc sống, sự vẩn đục cứ dần dần thâm nhập khắp cơ thể khiến người xem phải rùng mình vì sự thay đổi đó. Darren Aronofsky đã khai thác triệt để hình ảnh tấm gương, một vật luôn gắn liền với nghệ sĩ múa. Và giờ đây, mỗi lần Nina soi gương là lại một sự thay đổi tâm lý, đồng thời nó cũng phản ảnh sự đối lập trong con người. Con người luôn chứa đựng Thiện-Ác, không ai hoàn toàn tốt nhưng cũng không ai là kẻ xấu xa. Một điều hiển nhiên khi cái thiện và ác luôn song hành với nhau và khi chúng ta khát vọng một điều, lòng tham cũng bắt đầu nảy sinh từ đó.
3. Flesh and Bone (2015)
Cũng lấy chủ đề về nghề múa ballet, bộ phim điện ảnh “Flesh and Bone” tuy mới chỉ ra một season nhưng cũng đã gây được sự thích thú cho người xem về cách khai thác vấn đề của đạo diễn. Nếu như Black Swan chú trọng khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật để đạt được cái gọi là sự “hoàn hảo nghệ thuật” thì Flesh and Bone lại có một khía cạnh khác. Nội dung trong phim xoay quanh sự cạnh tranh gay gắt để có thể trở thành người múa chính, niềm yêu nghề, tình yêu,… Không chỉ vậy, “Flesh and Bone” còn thể hiện cả những góc khuất.
Là bộ phim gắn mắc 18+, Flesh and Bone vạch trần sự thực trần trụi của thế giới tưởng chừng như hoàn hảo, là đẹp thuần thiết đó. Ai có thể ngờ rằng, để có thể thu được nguồn vốn đầu tư cho công ty hoạt động, những nghệ sĩ múa đã bị công ty quản lý lợi dụng, bóc lột cả thể xác lẫn tinh thần. Khi xem phim, chúng ta nhận thấy Claire là nhân vật bị lợi dụng như thế. Thi tuyển vào công ty “American Ballet Company” bằng năng lực thực sự, nhưng ngay khi bước vào công ty, chào đón cô là hàng loạt sự đố kị từ những đồng nghiệp. Hay nhiệm vụ làm sao để gây ấn tượng với ngài chủ tịch Laurent Brousseau và khiến ông ta quyết định đầu tư vào công ty từ giám đốc sáng tạo Paul Grayson. Chỗ của những vũ công không phải chỉ ở những buổi biểu diễn được đầu tư công phu. Họ có thể lựa chọn nhảy múa trên chiếc du thuyền hạng sang hay một câu lạc bộ thoát y để có tiền chi trả cuộc sống khi chờ đợi cơ hội được một lần trở thành người diễn chính. Claire không ngờ rằng, thế giới mà cô luôn khao khát, tưởng chừng chỉ cần sự nỗ lực để đạt tới thành công thực ra còn cần nhiều điều hơn thế.
Xuyên suốt tập phim, chưa bao giờ chúng ta cảm nhận được màu sắc vui vẻ, đầm ấm. Khoác lên đó là gam màu xám xịt, lạnh lẽo như số phận tất cả nhân vật trong phim. Không tập trung khai thác một nhân vật chính duy nhất, Flesh and Bone khai thác cả câu chuyện của những nhân vật xung quanh nó. Tất cả nhân vật được xây dựng với tính cách đặc biệt không thể nhầm lẫn. Từ giám đốc sáng tạo Paul Grayson, luôn khao khát sự thành công trong sự nghiệp, ông ta sẽ tìm mọi cách để chế ngự những ai mà ông ta thấy rằng sẽ cướp đi việc trở thành trung tâm của ông ta. Hay anh chàng vô gia cư Romeo, cô bạn cùng phòng của Claire,….Tất cả những nhân vật trong bộ phim điện ảnh đó khắc họa lên bức tranh rõ nét về cuộc sống đầy khắc nghiệt và bạc bẽo của những vũ công ballet. Sự cạnh tranh, đố kỵ, hãm hại nhau hay những cuộc trao đổi tình-tiền kinh khủng. Phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả máu vì tình yêu nghề cao cả.
Nguồn: ELLE.vn