Jun Phạm viết “Xứ sở miên man” theo “đơn đặt hàng” của diễn viên – nhà sản xuất – đạo diễn Ngô Thanh Vân muốn tạo ra một phim điện ảnh gốc dành cho trẻ em Việt Nam.
Tiểu thuyết Xứ sở miên man là quyển sách thứ 5 trong sự nghiệp sáng tác của Jun Phạm, sau 10 năm chạm ngõ viết lách. Đây cũng là quyển sách đầu tiên mà Jun hướng đến thiếu nhi, với một câu chuyện mang đầy màu sắc phiêu lưu, kì ảo và câu từ trong trẻo, lấp lánh những ước mơ của bất cứ đứa trẻ nào.
Sau khi sách “cháy hàng” ngay ngày đầu phát hành và được tái bản ngay sau đó, Jun và Kaizen Production cũng đã giới thiệu MV của ca khúc cùng tên được thực hiện theo phong cách kết hợp kĩ thuật stop motion thú vị. Doanh thu của gấu bông Mẹ Mìn, nhân vật trong sách, cũng sẽ được quyên tặng cho quỹ Nhịp Tim Việt Nam để hỗ trợ mổ tim cho các em nhỏ khó khăn.
Nhân vật Mì Gói trong sách mang bệnh tim bẩm sinh cũng là một chi tiết mang tính bước ngoặt mà Jun đã thay đổi so với các bản thảo trước đó, sau khi có cơ hội tham gia với quỹ Nhịp Tim Việt Nam.
Mới đây, Jun Phạm đã giới thiệu series phim tài liệu ngắn xoay quanh quá trình sáng tác Xứ sở miên man. Series sẽ hé lộ những chuyện chưa kể trong suốt “chuyến đi sáng tạo” cũng như kỉ niệm ngày thơ bé của Jun.
Từ một xứ sở dang dở và kém duyên với điện ảnh
Khởi nguồn của Xứ sở miên man là “đơn đặt hàng” của diễn viên – nhà sản xuất – đạo diễn Ngô Thanh Vân muốn tạo ra một phim điện ảnh gốc dành cho trẻ em Việt Nam. Từng cộng tác với Studio68 ở tư cách đồng biên kịch các phim Ngày nảy ngày nay, Tấm Cám: Chuyện chưa kể và Cô Ba Sài Gòn, Jun được “chị Ba” tin tưởng trong việc xây dựng nên thế giới thần tiên hoàn toàn mới cho trẻ em. Thế nhưng cái duyên của dự án chưa đủ để nó được xuất hiện trên màn ảnh.
Vì vấn đề kinh phí để thực hiện những sáng tạo của Jun trên màn ảnh rộng là một vấn đề rất lớn nên cuối cùng kịch bản đã phải “nằm kho”. Rồi trong những ngày giãn cách xã hội, Jun đã đánh tiếng xin phép chị Ngô Thanh Vân được tái sản xuất dự án kia thành tiểu thuyết của riêng mình.
Nhưng quá trình sáng tác cũng không thực sự suôn sẻ vì lần đầu tiên viết tiểu thuyết cho trẻ em, toàn bộ cách tư duy lẫn chữ nghĩa đều hoàn toàn khác với các quyển sách trước đây. Chưa kể, nhiều năm ngừng viết lách để rèn luyện với tư cách biên kịch ít nhiều đã tạo ra khó khăn khi Jun quay trở lại với văn đàn. Chính Jun cũng chia sẻ trong tập 1 rằng bản thảo đầu tiên vô cùng lan man, hành trình từ lan man thành miên man đã tiêu tốn tận 4 năm ròng rã.
Nhưng quãng thời gian viết quyển sách cũng là lúc Jun được ở cạnh bố, những hồi ức lẫn hoài niệm của tuổi thơ, những điều tưởng đã qua được dịp sống lại, như thứ động cơ mạnh nhất khiến cho quá trình hoàn thành sách càng đi càng trơn tru. Từ dự án cho người khác, Xứ sở miên man trở thành một di sản cá nhân và cuối cùng là niềm vui cho rất nhiều trẻ em (kể cả những người lớn).
… đến “tấm vé thông hành” trở về những ngày còn đủ đầy bố mẹ
Trong tập phim tài liệu thứ 2, Jun đã có những chia sẻ xúc động khi quay lại căn nhà cũ sau khi bố mất. Căn nhà trong một chung cư cũ là nơi mà cả gia đình của Jun từng sinh sống hơn hai mươi năm trước. Khi mẹ mất, bố nhất định không rời đi mà vẫn ở lại chăm sóc căn nhà vẫn ôm ấp rất nhiều kỉ niệm và hồi ức.
Căn nhà đã từng xuất hiện nhiều lần trong các series vlog trước đây của Jun, như một chốn cũ bình an, là nơi mà đại gia đình tập họp mỗi dịp lễ Tết. Chỉ đến khi bố mất đi vào mấy tháng trước, căn nhà mới thực sự trở thành một kỉ niệm được “đóng gói”, như tất thảy những đồ đạc cũ được bố lưu giữ cũng được xếp vào rất nhiều thùng carton. Thế nhưng trong những chiếc thùng ấy là những “cỗ máy thời gian” để bất cứ khi nào mở ra là có thể quay về quá khứ.
Khi lần giở những quyển album mà bản thân nghĩ sẽ chẳng có dịp xem lại, từng kỉ niệm sống động chân thật như thể chưa từng cũ, bởi thật ra nó vốn được vun vé và chăm bẵm khi bố còn sống. Những niềm vui, cơn giận lẫn những lúc buồn ngày thơ bé hãy còn nguyên mới khi nó được “rã đông” khỏi sự tịnh tiến của thời gian, của việc trưởng thành. “Jun còn nhớ như in ngày Trung Thu năm ấy nghịch ngợm và bị mẹ lột hết quần áo rồi phạt đáng sợ như thế nào. Nhưng giờ đây nó như một ký ức vô giá, những điều đã tạo nên ‘Xứ sở miên man’”, Jun nói.
Khi sáng tác câu chuyện này, Jun đã nghĩ đến bố mẹ, đến tất cả những điều sống lại trong suy nghĩ của mình. Như mối quan hệ của Chú Cuội và Ấm Trà là một điểm gút rất quan trọng của quyển sách.
Chú Cuội là bố, Ấm Trà hiện thân cho mẹ. Đến cuối con đường, chú Cuội đã quyết định rời khỏi Ấm Trà để phiêu lưu trong một thế giới mới. Thật trùng hợp khi sách chuẩn bị ra mắt thì bố cũng mất, như thể bố đã chấp nhận buông ra những ký ức về mẹ còn dày đặc trong căn nhà cũ, để biết đâu hai người sẽ gặp lại ở nơi đâu khác.
Thực sự riêng quá trình sáng tác đã mang lại quá nhiều cảm xúc, nó khiến cho Jun vừa được trẻ lại trong suy nghĩ nhưng đồng thời lại trưởng thành hơn trong tâm hồn, chấp nhận và nâng niu những điều đến rồi đi trong cuộc sống. Jun nói: “Jun mong rằng quyển sách sẽ cổ vũ cho tất cả những suy nghĩ của mỗi trẻ em trong thế giới của chúng. Bởi không có điều gì là kì quặc hay sai quấy, mặt trăng hoàn toàn có thể ở trong bình trà, mèo vẫn có thể biết bay và bất cứ ai cũng đều có quyền hạnh phúc.
Người lớn chúng ta hay nhân danh sự trưởng thành và trải nghiệm để định hình sáng tạo của trẻ em. Đôi khi thế giới của chúng hay ho và vĩ đại hơn cách chúng ta cho là đúng. Một xứ sở nào đấy có thể miên man, đầy những điều kì cục nhưng ở đó mọi thứ đều hướng thiện và rực rỡ, dần dần tạo nên những điều tốt đẹp ở tương lai của thế giới này, Jun tin như thế”.
Xứ sở miên man – Chuyện bây giờ mới kể lên sóng vào thứ 5 hàng tuần trên kênh Youtube của Jun Phạm.