Trò chuyện với chàng trai mang ước mơ đem nước sạch đến 1000 trẻ em vùng cao

         Ma Trần Hiếu (sinh năm 1990) hiện đang là chủ tịch Câu lạc bộ Vì sự phát triển bền vững – Sustainable Development Club (SDC).

Ở tuổi 27, biết bao người đang trên đường phát triển sự nghiệp riêng mình, bao người vẫn tất bật nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, và cũng đã có nhiều người yên bề gia thất, thế nhưng Hiếu vẫn luôn cháy hết mình với đam mê với các hoạt động xã hội và đã tham gia xây dựng rất nhiều dự án xã hội phục vụ cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.

Hiếu (áo trắng) trong một chương trình tình nguyện ở Yên Bái.

PV: Chào Hiếu, được biết cách đây chưa lâu, Hiếu đã đi lắp đặt hệ thống nước sạch cho các em học sinh tại điểm trường PaKha (Sơn La). Hiếu có thể chia sẻ cảm xúc của mình về chuyến đi đó được không?

– Đó là lần thứ 2 trong năm 2016 mình lên Sơn La triển khai hệ thống nước sạch. Hệ thống này bao gồm téc nước, đường ống dẫn và máy lọc nước. Hoàn thành  xong, mình thấy rất vui vì đã làm được một việc ý nghĩa. Dịp vừa rồi cũng đúng vào Tết của người Mông, nhìn các em áo quần tinh tươm, sặc sỡ sắc màu, hân hoan trong niềm vui đã có nước sạch để dùng, mình thực sự rất hạnh phúc.

PV: Bạn có thể giới thiệu cụ thể hơn về dự án mà mình đang thực hiện được không?

-Hiện tại mình muốn trong năm 2017 có thể lắp đặt những hệ thống lọc nước để phục vụ nước sạch sinh hoạt 1.000 em học sinh tiểu học ở Sơn La. Dự án sẽ lấy tên là “Giọt nước”.

Trong ba tháng cuối năm 2016, mình đã lắp được hai hệ thống nước sạch cho các em ở hai trường tiểu học Thông Cuông và PaKha, như vậy đã có hơn 200 em học sinh được sử dụng nước sạch. Với ba tháng mình đã làm được như vậy, nên cả năm 2017 này, con số 1000 là mốc có thể đạt được.

PV: Dường như Hiếu rất thích trẻ em, và các hoạt động xã hội của Hiếu cũng đều hướng đến đối tượng là các em học sinh cấp 1, 2. Lí do nào khiến bạn chọn trẻ em vùng cao là đối tượng để thực hiện các dự án?

-Mình đã từng làm việc với các đối tượng nằm trong cộng đồng yếu thế như người già neo đơn, mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em chịu ảnh hưởng chất độc màu da cam, khuyết tật bẩm sinh,…Nhưng mình chọn trẻ em vùng cao để hướng tới vì nơi các bé ở còn rất nhiều vấn đề thường trực cần phải giải quyết như mua bán người,vệ sinh thân thể,…

PV: Ban đầu khi xây dựng các dự án xã hội, chắc hẳn bạn gặp nhiều khó khăn?

– Đúng vậy. Việc xây dựng dự án có rất nhiều khó khăn: từ việc xây dựng nội dung sao cho phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, khó khăn trong việc truyền thông đến những khó khăn về tài chính. Việc đi xin tài trợ luôn là vấn đề khó khăn nhất trong suốt quá trình thực hiện dự án. Hầu hết mình xin tài trợ cho dự án vào lúc mấy công ty giải ngân, riêng dự án Moving to Raise – Đi để thay đổi nhằm nâng cao nhận thức của người dân các tỉnh biên giới phía Bắc về vấn nạn buôn bán người thì mình có xin được tài trợ từ quỹ YSEALI của Đại sứ quán Hoa Kỳ.

PV: Trong quá trình thực hiện các dự án xã hội, hẳn Hiếu đã làm việc với nhiều bạn trẻ. Hiếu có nhận xét gì về các bạn ấy không?

-Mình được làm việc với nhiều bạn là sinh viên các trường khác nhau, mỗi bạn lại có những cá tính riêng. Nhưng mình đều thấy ở các bạn ấy sự năng động và thực tế, nghĩa là, ứng dụng được nhiều kiến thức vào các hoạt động xã hội khiến chất lượng của các dự án ngày càng được nâng cao, đem lại nhiều điều thay đổi cho các địa phương.

PV: Sau những hoạt động ý nghĩa của bạn ở những vùng khó khăn, chắc hẳn người dân ở đó sẽ rất biết ơn Hiế, bạn nghĩ thế nào về chuyện này?

-Bản thân mình làm những hoạt động đó là vì mình muốn được làm như vậy, không có ai bắt ép mình và mình chưa bao giờ nghĩ đến việc mình làm như vậy để những người dân ở đó biết ơn mình, bản thân mình cũng không cần được biết đến hay tôn vinh. Với mình, những hoạt động mình làm tất cả mọi người đều có thể làm được nếu họ cũng có cơ hội như mình.

Hiếu tổ chức trò chơi cho các em học sinh trường PaKha (Sơn La).

PV: Tính đến nay Hiếu đã tham gia bao nhiêu các dự án xã hội, chương trình thiện nguyện rồi?

-Con số cụ thể thì mình không nhớ rõ. Mình tham gia hoạt động tình nguyện từ những ngày còn là sinh viên đại học với chương trình “Hỗ trợ công tác xây dựng Nông thôn mới tại Sóc Sơn – 2008” và “Hỗ trợ công tác thanh niên tìm nhà trọ trong kỳ thi đại học 2009-2010”. Sau mình thấy các hoạt động tình nguyện rất ý nghĩa, bản thân mình là người dân tộc Tày, được sinh ra ở Hà Giang rồi lớn lên ở Tuyên Quang, đó đều là những vùng khó khăn nên mình chỉ mong làm sao mình có thể làm được điều gì đó cho những tỉnh gặp các vấn đề khó khăn như vậy. Và mình bắt tay vào xây dựng các dự án xã hội như: Dự án Du lịch thiện nguyện HumaniTour – 2012; Dự án Vệ sinh học đường Bắc Giang – 2013; Dự án hỗ trợ kiến thức cho điểm trường mới xây Pa Chè 1& Pa Chè 2 – 2012-2013; Dự án Bảo vệ nụ cười biên giới – 2014; Dự án Moving To Raise – nâng cao nhận thức của người dân về vấn nạn buôn bán người – 2015-2016,…

Tất cả các dự án mình đều dựa vào ba yếu tố: từ bản thân cảm nhận cộng đồng đó thiếu những gì, nhóm làm dự án cảm thấy thiếu gì và bản thân đối tượng cảm thấy cần hỗ trợ gì để xây dựng các hoạt động dự án.

PV: Trải qua một hành trình tình nguyện tương đối dài như vậy, kỉ niệm nào mà Hiếu cảm thấy đáng nhớ nhất ?

-Hồi tháng 9 mình đi tiền trạm tại Sơn La, mình thấy hai em bé tay giữ khư khư quả xoài, hỏi ra mới biết đó là bữa trưa của các em. Hình ảnh đó khiến mình trăn trở mãi, và điều đó thôi thúc mình ngoài việc lắp nước sạch cho các em dùng thì sẽ nấu một bữa cơm cải thiện cho các em. Dù chỉ là một bữa cơm thôi nhưng nhìn các em vui lắm.

Thầy trò một điểm trường ở Sơn La với niềm vui có nước sạch để dùng.

PV: Hiếu có nghĩ một bữa cơm cải thiện đó giống như việc Hiếu cho các em con cá mà không phải cho cần câu không?

-Bữa cơm cải thiện đó hiện tại chỉ là hoạt động đi kèm việc lắp hệ thống nước sạch cho các em. Mình cũng có suy nghĩ về lâu dài sẽ tìm hiểu điều kiện địa lí ở đó để có thể đề xuất với chính quyền địa phương hướng dẫn bà con chăn nuôi nhằm cải thiện đời sống. Đó sẽ còn là một hành trình dài nữa.

PV: 27 là tuổi những chàng thanh niên như Hiếu đang phải tất bật với cuộc sống xoay quanh “cơm áo gạo tiền”, Hiếu có nghĩ đến ngày mình bị cuốn theo cuộc sống mà quên đi mơ ước kia không?

-Mình luôn nghĩ đến điều này, nhưng bản thân mình phải cố gắng cân bằng rất nhiều giữa công việc, bản thân và hoạt động xã hội, đến thời điểm này mình vẫn đang làm tốt. Câu hỏi kia luôn thường trực trong đầu như là lời nhắc nhở với mình đừng vì bận rộn với công việc quá mà quên đi đam mê của mình.

PV: Cảm ơn Hiếu và chúc Hiếu sẽ thành công với những dự án của mình!

Hải Nguyễn – Saostyle.vn