Đông đảo người dân, du khách, quan chức, các nghệ sĩ và những người có ảnh hưởng trong xã hội đã có mặt tại vườn hoa Cổ Tân, quận Hoàn Kiếm để chứng kiến lễ khánh thành tác phẩm sắp đặt cỡ lớn của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn mang tên Hồi sinh.
Chiều 22/4, lễ khánh thành dự án nghệ thuật công cộng “Hồi Sinh” – công trình cải tạo không gian Vườn hoa Cổ Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra trang trọng và thành công.
Sự kiện có sự hiện diện của Nghệ sĩ Tia – Thủy Nguyễn; Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; KTS, Chuyên gia Phát triển Cộng đồng Đoàn Kỳ Thanh; Chuyên gia Kinh tế Phát triển Vũ Hoàng Quyên; Chuyên gia Quy hoạch, Sinh thái Ngô Anh Đào; Điều phối thảo luận – nhà báo Trương Uyên Ly, Trưởng Ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, Vũ Đăng Định – Bí thư Quận uỷ Hoàn Kiếm, Lê Anh Vân – Nghệ sĩ, hoạ sĩ. Lễ khánh thành cũng đón tiếp nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến chúc mừng và chiêm ngưỡng tác phẩm, gồm: ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Hồng Nhung, họa sĩ Khắc Chinh, em trai ca sĩ Thanh Lam – DJ Trí Minh…
“Cây xà cừ đã đổ ngã này thuộc thế hệ cây được người Pháp du nhập từ châu Phi để trồng thí điểm thành cây đường phố. Thế hệ cây này mang tính đại diện của một thời kỳ lịch sử của Thủ đô. Hồi sinh sẽ góp phần tạo không gian sáng tạo cho cư dân Hà Nội cũng như du khách có thể ngắm nhìn, trải nghiệm hàng ngày. Đây cũng là cách để tri ân những cây xanh đã hoàn thành sứ mệnh tỏa bóng mát cho Thành phố trong nhiều năm, tri ân Mẹ thiên nhiên.” Đó là chia sẻ của ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm trong buổi khánh thành tác phẩm nghệ thuật Hồi sinh tại vườn hoa Cổ Tân.
Bên cạnh phần phát biểu, màn múa đương đại chính thức ra mắt tác phẩm do NSND Trần Ly Ly biên đạo cũng khiến nhiều khách mời xúc động. Họ như cảm nhận được nhịp đập của sự sống qua từng chuyển động của vũ công. Màn trình diễn mở đầu bằng hình ảnh những thân cây gãy đổ, chao đảo giữa khói lạnh và mùi hương tinh dầu. Những chuyển động giằng co, ngã quỵ rồi hồi sinh thể hiện hành trình từ tàn phá đến tái sinh. Màn trình diễn kết thúc trong hình ảnh những tán cây vươn cao, biểu tượng cho sức sống bền bỉ giữa lòng Hà Nội.
Hành trình “hồi sinh” cây xà cừ 70 năm tuổi bị đổ sau cơn bão Yagi
Theo thống kê, sau cơn bão Yagi, Hà Nội có khoảng 25.000 cây xanh bị đổ. Rất nhiều trong số đó là những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi. Điều này đã gây nên nhiều sự tiếc nuối với người dân bởi cây xanh không chỉ mang đến không gian xanh mà còn phần nào thể hiện cái hồn của người Hà Nội. Trong số hàng ngàn cây xanh bị đổ, có một cây xà cừ 70 năm tuổi ở vườn hoa Cổ Tân, nằm bên bờ hồ Hoàn Kiếm.
Trong lúc đang dọn dẹp cây đổ, chỉnh trang thành phố, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã nhận được đề xuất về ý tưởng “hồi sinh” cây xà cừ thành tác phẩm nghệ thuật, đặt tại ngay chính chỗ vốn là nhà của cây. Sau hơn nửa năm thực hiện, nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn đã thực hiện lời hứa ấy và dự án được khánh thành vào đúng Ngày Trái Đất 22/4.
Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn cho biết, ngay sau khi bão tan, cô đã ra Hà Nội và cùng những người bạn đi khảo sát, chứng kiến cảnh những cây xanh nằm rạp dưới đất, trái tim như thắt lại. Khi đến vườn hoa Cổ Tân, hình ảnh cây xà cừ 70 năm tuổi bật gốc, đang được cắt gọn để mang đi khiến cô dừng lại. Ngay lập tức, Tia-Thủy Nguyễn và những người bạn liên hệ với các cơ quan chức năng để lên đề án “hồi sinh” cây.
Sau khi cắt gọt toàn bộ thân và rễ cây, phần thân cây được nữ nghệ sĩ ốp bằng những tấm inox dày, gò thủ công. Công đoạn này vô cùng tỉ mỉ để những miếng thép ôm sát vào từng đường cong gồ ghề của thân cây. Các mối nối được hàn kín, tạo thành những nốt và rãnh xù xì như lớp vỏ cây trước đây. Cành cây được mô phỏng những đường nét khúc khuỷu, tự nhiên. Tán lá được tạo nên từ hàng nghìn chiếc lá thép óng ánh, điểm xuyết bởi những “bông hoa” thạch anh lấp lánh đủ sắc màu.
Hơn 6 tấn thép được sử dụng bọc thân cây, làm cành, lá với ý đồ “bắt nắng”. Khi những tia nắng xuất hiện, chúng sẽ tạo nên hiệu ứng lấp lánh, tạo nên khúc ca của sự sống. Hà Nội bốn mùa, chẳng có ngày nào ánh nắng giống nhau, cũng chẳng có tia nắng nào lặp lại khiến tác phẩm trở nên đa sắc, đa diện. Điều này cũng như cuộc sống muôn hình vạn trạng, vũ trụ đa chiều. Đó cũng là thông điệp mà Tia-Thủy Nguyễn gửi gắm vào tác phẩm.
Tác phẩm nghệ thuật đồ sộ thu hút người dân và du khách bởi thông điệp ý nghĩa
Rất nhiều người dân và du khách có mặt tại buổi lễ khánh thành tác phẩm. Những người sống ở khu vực xung quanh vườn hoa đã rất ngạc nhiên khi cây xà cừ cổ thụ được tái sinh bằng một cách không ai ngờ, gửi gắm những thông điệp nhân văn, ý nghĩa đến mọi người. Nhiều du khách trong nước và quốc tế cũng đã dành thời gian để check-in, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên hòa hợp với sức sáng tạo nghệ thuật của con người.
Tại buổi khánh thành, Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn đã tri ân những người bạn, cộng sự thầm lặng. Đó là người đã cho nghệ sĩ hiểu về đời sống của cây xà cừ, người bạn đã đồng hành trong hành trình đề xuất dự án với các cơ quan chức năng, hay người đã mang đến cho cô những góp ý, những câu hỏi giúp cô hoàn thiện tác phẩm, những người thợ hàn khi cộng tác với cô đã trở thành nghệ nhân hàn xì. Không thể không nhắc đến những bác thợ xây, các cô lao công, chú bảo vệ, các anh công an khu vực, và cả những bác xích lô đã góp phần hỗ trợ trong quá trình thực hiện tác phẩm. Ngoài ra, còn có người dân sống ở quanh vườn hoa cũng như người Hà Nội nói chung, dù chỉ đi qua nhưng mỗi người đều mang đến cho cô một câu chuyện về vùng đất, con người thú vị nơi đây.
Đặc biệt, nghệ sĩ tâm sự: “Xin dành sự cảm ơn sâu sắc đến người cha, dù ông đã đi xa nhưng vẫn luôn dạy con gái hiểu thêm sự mất mát, đau đớn, để ngày hôm nay có tác phẩm “hồi sinh”. Cảm ơn mẹ, người ngày nào cũng ra vườn hoa còn chăm hơn con gái để xem thợ làm việc. Tôi không thể không nhắc đến lòng biết ơn đối với mẹ thiên nhiên. Trong suốt thời gian thực hiện tác phẩm đã không hề tạo ra bất cứ trở ngại vào, Và giờ đây thiên nhiên sẽ tiếp tục viết lên sự hồi sinh, ban tặng những tia nắng rực rỡ cho tác phẩm, giúp nó thêm phần sinh động và cuốn hút. Những câu chuyện lịch sử của vùng đất, với những kỷ niệm và truyền thuyết, đã thổi hồn vào tác phẩm, khiến nó trở nên sống động và ý nghĩa hơn.”
Bên cạnh đó, cô cho biết sự đón nhận nồng nhiệt từ mọi người không chỉ là thành công của riêng cô, mà còn là thành quả của một cộng đồng gắn bó, cùng nhau tạo nên những điều tốt đẹp. “Nguồn năng lượng hạnh phúc, vui vẻ và diệu kỳ khi tác phẩm được tỏa sáng thật sự đã khắc sâu vào trái tim tôi, và tôi hy vọng nó sẽ tiếp tục lan tỏa niềm vui đến tất cả những ai ghé thăm.” – Nghệ sĩ Tia-Thuỷ Nguyễn bày tỏ hy vọng.
Tác phẩm nghệ thuật đương đại mở đường cho những dự án nghệ thuật công cộng
Một câu hỏi lớn được giới làm nghệ thuật cũng như công chúng tò mò là làm cách nào để Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn xin được giấy phép thực hiện tác phẩm này? Cô cùng những người thực hiện dự án đã không ngần ngại chia sẻ chi tiết về quá trình gặp gỡ, xin giấy phép cũng như sự hỗ trợ vô cùng nhiệt tình từ các cơ quan ban ngành, hướng dẫn tạo điều kiện.
Bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia Kinh tế Phát triển, người bạn đi dạo cùng Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn sau cơn bão, cũng là người kết nối nữ nghệ sĩ với lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, nơi có cây xà cừ đổ chia sẻ. Ngay khi nghe về kế hoạch thực hiện tác phẩm, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã trực tiếp xuống hiện trường cùng đại diện các cơ quan ban ngành nhằm đánh giá thực tế và tìm ra hướng đi phù hợp để thực hiện tác phẩm. Ba tháng là khoảng thời gian chuẩn bị hồ sơ, làm việc với từng cơ quan chức năng để chính thức có giấy phép. Bà nhấn mạnh, đây không phải là thời gian lâu bởi vì chúng tôi hiểu việc thực hiện dự án này cần thận trọng, cần sự đánh giá của nhiều cơ quan ban ngành để tác phẩm không chỉ an toàn mà còn phải hài hòa với cảnh quan, mang đến thông điệp ý nghĩa.
Ông Phạm Quốc Tùng, Giám đốc Marketing Davines Việt Nam nhận xét: “Thời gian gần đây, tại Việt Nam, các tác phẩm nghệ thuật đường phố đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Đó là tín hiệu đáng mừng và chúng ta cần phải làm và đẩy mạnh hơn nữa. Với tác phẩm Hồi sinh này và việc chia sẻ chi tiết cách lên kế hoạch cho dự án, Tia-Thủy Nguyễn đã mở đường giúp các nghệ sĩ thuận lợi hơn trong việc tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đường phố”.
Bên cạnh yếu tố nghệ thuật và sự phát triển của nghệ thuật đương đại, Bà Vũ Hoàng Quyên cũng chia sẻ sự tác động về mặt kinh tế của các tác phẩm nghệ thuật đương đại, “Nhiều nghiên cứu quốc tế trong suốt 50 năm qua đã chỉ ra rằng các hoạt động nghệ thuật và sáng tạo không chỉ mang lại giá trị văn hóa mà còn tạo ra tác động kinh tế đáng kể. Một trong những giá trị đầu tiên là khả năng kích thích và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh xung quanh khu vực có nghệ thuật công cộng. Có một nghiên cứu của một quỹ chuyên đầu tư cho nghệ thuật của Mỹ cũng đã chứng minh rằng là nếu như một mạnh thường quân như chị Thủy đầu tư một đồng cho một tác phẩm thì nó sẽ kích hoạt thêm được trong 5 năm 1,5 đồng nữa của các cái business xung quanh. Bên cạnh đó, nó có thêm những giá trị kích hoạt khác cho chính quyền.
Tại vì hàng ngày thì chúng ta cũng được tương tác với cả những người đến làm việc ở thành phố và muốn ở lại. Và cái giá trị cuối cùng là cho chính các cư dân và khách du lịch. Nó tăng tỉ lệ mọi người đi bộ, tận hưởng và sống chậm lại. Điều này tạo nên sức khỏe và sức khỏe tăng tốt thì nó có giá trị với kinh tế.”
Góp mặt trong buổi tọa đàm, KTS, Chuyên gia Phát triển Cộng đồng Đoàn Kỳ Thanh bộc bạch: “Thật sự là từ khi có ý tưởng và khi nó hình thành thì bây giờ qua các kinh nghiệm của tôi, thì đây là một bước đi rất lớn trong việc xuất hiện ra các tác phẩm như thế này ở một nơi chốn như thế này. Từ xưa đến giờ chúng ta chưa có những dự án hoặc công trình đúng nghĩa là public art. Nơi mà công chúng có thể đến đây được và chúng tôi nghĩ đây là một trong những các dự án đầu tiên mà dùng nghệ thuật phục vụ cộng đồng.”.
Hồi sinh không chỉ kể câu chuyện của một cây xà cừ, mà còn là câu chuyện của Hà Nội, của những con người đã sống, đã mất, và đã tìm cách đứng dậy sau cơn bão như người dân ở đó. Nó gợi lên sự tò mò về nguồn gốc, hình dạng, và ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật, đồng thời mở ra vô vàn cách tiếp cận để mỗi người tự tìm câu trả lời cho riêng mình. Trong ánh kim lấp lánh, trong những vòng gỗ thì thầm.
Ông Phạm Tuấn Long, người đã đóng góp vai trò tâm huyết với tác phẩm tâm sự: Tôi mong tác phẩm này, tinh thần này sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả mọi người, mong chúng ta cùng gìn giữ, cùng “sống” cùng các tác phẩm một cách văn minh nhất, ý nghĩa nhất.”
Hồi sinh tọa lạc tại vườn hoa Cổ Tân, bên cạnh hồ Hoàn Kiếm. Tác phẩm sắp đặt ngoài trời cỡ lớn cho phép du khách tham quan tự do. Nghệ sĩ tạo ra tác phẩm mong muốn, mỗi người xem tác phẩm đều có thể tự do tận hưởng vẻ đẹp của cây dưới sáng sáng thiên nhiên và có chiêm nghiệm của riêng mình.