Mỗi giờ tan ca, người dân Hà Nội lại đối mặt với cơn ác mộng mang tên “tắc đường”.
Tắc đường vốn là bệnh trầm kha của đô thị hiện đại. Với mật độ dân cư đông đúc 7,7 triệu người thì tại Hà Nội, căn bệnh này ngày càng trở nên nhức nhối.
Người ta vẫn thường hay nói vui với nhau “Hà Nội không vội được đâu!” để nhắc đến tình trạng kẹt xe ở thủ đô mỗi giờ cao điểm. Khói xả, va chạm, còi xe khiến tất cả những người điều khiển phương tiện mòn mỏi nhích từng chút một giữa biển người chật kín.
16h30- 19h hàng ngày là khung giờ cao điểm của tất cả tuyến đường ở nội thành Hà Nội. Trong khoảng thời gian này, các phương tiện di chuyển khó khăn, các xe rất dễ gây ra tình trạng va chạm, vượt đèn đỏ,… thậm chí là “lấn chiếm” vỉa hè của người đi bộ. Đây cũng là khung giờ mà lực lượng cảnh sát giao thông làm việc vất vả để hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Không chỉ giờ tan tầm mà trước mỗi dịp lễ, tết, các nút giao đi tỉnh ở Hà Nội như Phạm Văn Đồng- Mai Dịch, Giải Phóng- Pháp Vân, Pháp Vân- Cầu Giẽ,… các phương tiện đổ dồn về gây ùn tắc nhiều cây số. Phải mất rất nhiều thời gian, các phương tiện mới thoát ra khỏi khu vực này. Tại các khu vực gần các bến xe thì tình trạng ùn tắc cũng làm lỡ rất nhiều chuyến xe, phương tiện di chuyển qua đây đi với tốc độ “rùa bò”.
Ở các tuyến đường đang thi công dở, đường cũ bị chặn, người dân phải đi vòng như Phạm Văn Đồng- cầu Thăng Long hay Trường Chinh- Giải Phóng ngoài việc tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm khói bụi cũng là vấn đề khiến người ta phải đau đầu.
Tắc đường ở Hà Nội xuất hiện mỗi ngày, mỗi giờ tan ca, thời tiết mưa gió, hay các dịp lễ,… Vì vậy, nếu muốn việc đi lại dễ dàng thì mọi người hạn chế di chuyển vào các giờ cao điểm và chủ động thời gian để tránh lỡ việc của bản thân nhé!.
Đinh Hạnh