Đó không chỉ là nhận xét của nhạc sỹ Lưu Thiên Hương, mà thực tế cho thấy, cả 4 phần thi của các thí sinh đều mang đậm màu sắc dân gian, bên cạnh đó lại được kết hợp vô cùng khéo léo với nhạc điện tử, trở thành luồng gió mới được khán giả trẻ đón nhận tích cực.
Có thể nói, đêm chung kết Hoà âm ánh sáng 2017 không chỉ là một bữa tiệc âm nhạc hoành tráng, hiện đại bậc nhất showbiz hiện nay, mà còn trở nên ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị âm nhạc truyền thống – một trong những yếu tố làm nên bản sắc văn hoá Việt Nam – đến gần hơn với giới trẻ, theo cách rất hiện đại và văn minh.
Gần 30 năm qua, khi Việt Nam hội nhập quốc tế, nhiều xu hướng âm nhạc du nhập vào trong nước, dòng nhạc giải trí phát triển mạnh và chiếm lĩnh thị trường biểu diễn khiến âm nhạc truyền thống bị thu hẹp thị phần, đa số phục vụ người lớn tuổi. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, dòng nhạc dân gian bắt đầu được khôi phục trở lại khi có rất nhiều ca sỹ trẻ, nhiều sân chơi âm nhạc đã tiếp cận với thể loại âm nhạc truyền thống theo nhiều cách khác nhau.
Ngay cả những show truyền hình thực tế về âm nhạc “ăn khách” bậc nhất như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Việt Nam Got’s Talent,… cũng đã xuất hiện rất nhiều gương mặt tài năng theo đuổi dòng nhạc dân ca. Hẳn khán giả còn nhớ Hương Tràm trong đêm chung kết The Voice mùa 1 đã khiến khán phòng “nổ tung” với ca khúc Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương) mang đậm âm hưởng ca trù; hay như Phương Mỹ Chi ngọt ngào “lịm tim” với Quê em mùa nước lũ (Tiến Luân), hay Mai Anh á quân Giọng hát Việt nhí 2016 với hàng loạt những bài mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, hoặc Minh Như quán quân Nhân tố bí ẩn mùa 2 cũng đã thể hiện tài năng của mình qua những ca khúc đậm chất dân ca.
Quay lại The Remix, cả hai mùa thi, ban tổ chức đều “ra đề” 1 đêm thi dân gian dành cho các đội. Và rõ ràng, thay vì những ca khúc dance, pop, R&B… quen thuộc, các đội thi đã phải làm mới dòng nhạc dân gian theo đúng tinh thần “The Remix” và họ đã thực sự tạo được ấn tượng. Có thể nói, vai trò của “nhà sản xuất” vô cùng quan trọng cho mỗi đội, bên cạnh ý tưởng và người thực hiện chính – ca sĩ.
Ở đêm thi chung kết Hoà âm ánh sáng mùa 3 vừa kết thúc, có thể thấy trong 2 phần thi, phần “âm nhạc dân gian” ấn tượng và “chất” hơn hẳn phần thi “tự chọn”. Cả 4 thí sinh đều chọn các ca khúc dân ca các vùng miền và đươc hoà âm, phối khí mới mẻ kết hợp với nhạc điện tử tạo nên sự hấp dẫn bất ngờ cho khán giả.
Chọn hai bài dân ca nguyên gốc Giận mà thương – Dân ca Nghệ Tĩnh (team Bảo Thy), Lý ngựa ô – Dân ca Nam Bộ (team S.T), các ca sĩ đã trình bày khá ấn tượng. Nếu Bảo Thy với sự góp sức của quán quân Sing My Song Cao Bá Hưng bằng phần đệm đàn nguyệt đậm chất “âm nhạc ngũ cung” (lời Hồ Hoài Anh) khiến Giận mà thương trở nên “ma mị”, thì S.T lại chinh phục khán giả bằng sự sôi động, bùng nổ khi biến tấu Lý ngựa ô thành một phiên bản nhạc điện tử cực kỳ hiện đại mà vẫn giữ được cái hồn của dòng nhạc dân gian.
Với Yến Trang, chọn ca khúc Tát nước đầu đình (mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ) là một sự khôn ngoan của cựu thành viên nhóm Mây Trắng này. Không quá đậm đà chất Bắc Bộ bởi bản thân ca khúc này không phải bài dân ca nguyên gốc như Giận mà thương, Lý ngựa ô, tuy nhiên Yến Trang với phần hoà âm khá ấn tượng của Producer Kewt Hew và DJ Paranoid vẫn làm cho khán giả cảm nhận được dòng nhạc dân ca đặc trưng Bắc Bộ “chảy” trong phần trình diễn của mình.
Xuất sắc nhất ở phần thi dân gian chính là Hương Giang và team của cô. Thực sự Hương Giang đã “chơi lớn” khi là người duy nhất chọn thể loại âm nhạc gần như sắp thất truyền, đó là Xẩm. Sự dũng cảm và niềm đam mê của cô đã thêm một lần giúp cho Xẩm được xuất hiện trên sân khấu mà đối tượng khán giả là những người trẻ tuổi. Bản phối cực “chất”, cách hát cũng “ra chất” nhất trong cả 4 thí sinh, đặc biệt là phần tham gia của NSƯT Xuân Diệu với cây đàn nhị đặc trưng của Xẩm, Xẩm quê Choa của team Hương Giang đã thực sự để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất cho khán giả ở vòng thi này.
Có thể nói, “khó nhằn” như Xẩm, hay “dễ thở” hơn chút như dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Bắc Bộ, Nam Bộ nhưng khi đã mang lên sân khấu Hoà âm ánh sáng, được những người trẻ làm mới, bằng tư duy và kiến thức của thế hệ trẻ đã khiến những bài dân ca truyền thống của Việt Nam mang một tinh thần mới, một màu sắc mới, bên cạnh đó vẫn giữ được cái “chất” của âm nhạc dân gian Việt Nam.
Nếu như chúng ta bảo tồn những giá trị dân gian, các viện bảo tàng lưu trữ, các nhà hát nghệ thuật dân tộc “sáng đèn” cùng những vở diễn kinh điển, mẫu mực, nguyên gốc như một sự giữ gìn những gì nguyên bản của âm nhạc dân gian truyền thống, thì việc phát huy những giá trị này, thực sự cần có sự phối hợp với các nhà quản lý văn hoá với các đơn vị tổ chức các các chương trình ca nhạc, và đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ. Âm nhạc dân gian có “sống” được hay không, có đồng hành được với đời sống đương đại hay không, chính là nhờ vào sự tiếp cận và phát huy những giá trị ấy từ thế hệ trẻ.
Một sân chơi quá hiện đại với những kỹ thuật và công nghệ giải trí đỉnh cao như The Remix chính là con đường, hay nói đúng hơn là cách làm thông minh và đúng đắn để âm nhạc dân gian Việt Nam có thể dễ dàng đi vào trái tim khán giả trẻ, khiến họ dần cảm nhận và hiểu được nét đẹp tinh tế, quý báu của dòng nhạc truyền thống. Từ đó, người yêu nhạc mới có thể mở lòng ra và đón nhận. Đây cũng chính là điều đáng ghi nhận của chương trình Hoà âm ánh sáng, ngoài những giá trị giải trí mà The Remix đã đem lại cho khán giả khiến ai cũng đã nhìn thấy trong suốt 3 mùa thi vừa qua.
Nguồn: Trí Thức Trẻ.