Quyển sách với những kỷ lục được dịch ra các thứ tiếng và số lượng ấn bản

Pinocchio lần đầu tiên ra mắt khán giả vào năm 1883 trong cuốn tiểu thuyết thiếu nhi mang tên The Adventures of Pinocchio (1883) của tác giả Carlo Collodi ở Florence, Tuscany. Pinocchio là tên của một cậu bé người gỗ được chạm khắc bởi ông lão thợ mộc nghèo khó Geppetto sống lại ngôi làng Tuscan. Dù là một con rối gỗ, nhưng Pinocchio luôn có ước mơ trở thành một cậu bé thực sự, và hài hước là mỗi lần cậu nói dối, chiếc mũi của cậu sẽ dài ra…

Câu chuyện cảm động của Pinocchio đã lay động đến hàng triệu khán giả. Sau hơn một thế kỷ ra mắt, Pinocchio đã trở thành tượng đài văn học kinh điển trong lòng các bạn thiếu nhi. Sức ảnh hưởng của Pinocchio mạnh mẽ đến mức đây là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất (với hơn 300 ngôn ngữ) và chỉ đứng sau Kinh Thánh. Không những vậy, Pinocchio chiễm chệ ở vị trí thứ 9 trong những cuốn sách của tác giả độc lập bán chạy nhất mọi thời đại (con số tính đến tháng 6/2020).

Biểu tượng hoạt hình kinh điển với phiên bản của Walt Disney

Năm 1940, Pinocchio trở nên gần gũi với khán giả đại chúng hơn qua loạt phim truyền hình của hãng Walt Disney với tên gọi “Pinocchio”. Đây là bộ phim thứ hai của hãng hoạt hình Walt Disney, sau thành công của phim “Nàng Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn”. Bộ phim đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả lẫn giới phê bình và đã thắng giải tại hạng mục Best Original Song và Best Original Score tại lễ trao giải Oscar cùng năm. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Disney thắng giải này.

Bản phim Pinocchio (1940) của Disney đã càng mang thương hiệu đến gần với đại chúng hơn nữa.

Ở thời điểm hiện tại, Pinocchio (1940) vẫn nhận được đánh giá 100% Cà Chua Tươi – cũng là số điểm cao tối đa trên website chuyên đánh giá phim ảnh Rotten Tomatoes.

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới II và sự hồi phục của nền kinh tế, bộ phim đã được phát hành lại nhiều lần và tính đến năm 1992, tổng doanh thu các phần phim của Pinocchio đã lên tới 84,3 triệu đô la (chỉ tính riêng thị trường Bắc Mỹ) – một con số khổng lồ ở thời điểm đó.

Sức ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa đại chúng

Với tính biểu tượng đặc trưng và nổi bật, Pinocchio đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho phim ảnh, truyền hình và kịch nghệ. Trong thế kỷ 20, Pinocchio đã xuất hiện trên hơn 30 tác phẩm lớn ở Ý, Liên Xô, Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Indonesia, Pháp, … Còn trong 20 năm đầu của thế kỷ 21, Pinocchio đã truyền cảm hứng cho gần 20 tác phẩm, trong đó có thể kể đến màn cameo trong loạt phim Shrek, series Once Upon a Time trên đài truyền hình ABC và đặc biệt bộ phim siêu anh hùng ăn khách Avengers: Age of Ultron (2015).

Việc dùng bài hát “I’ve Got No Strings” của phim Pinocchio (1940) trong teaser trailer của “Avengers: Age of Ultron” đã được giới phê bình khen ngợi.

Năm 2021, Pinocchio sẽ có bộ phim thuộc thể loại stop-motion được thực hiện bởi đạo diễn từng thắng giải Oscar – Guillermo del Toro và được phát hành trên Netflix. Không những vậy, Pinocchio còn trở thành những biểu tượng kiến trúc trang trí nổi tiếng tại một số địa danh trên khắp thế giới.

Bức tượng Pinocchio tại công viên Parco di Pinocchio ở Collodi

Những chú rối Pinocchio tại một cửa hàng ở Florence.

Năm nay, hình tượng “Cậu bé người gỗ Pinocchio” sẽ được tái hiện lên màn ảnh lớn với khán giả đại chúng trong bộ phim phiên bản người đóng “”Cậu bé người gỗ Pinocchio”” do đạo diễn tài ba Matteo Garrone cầm trịch. Ông là một trong những nhà làm phim tài ba nhất nước Ý, sở hữu hàng loạt những giải thưởng danh giá như: Đạo diễn xuất sắc nhất của Liên Hoan Phim Châu Âu; và David di Donatello Awards (“Oscar” của nước Ý)….

Với “Cậu bé người gỗ Pinocchio” đạo diễn Matteo sẽ đem tới cho khán giả những hình ảnh xinh đẹp của nước Ý, một thế giới đầy màu sắc cùng câu chuyện cảm động chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn cũng như những phút giây giải trí dành cho khán giả yêu điện ảnh.

Bộ phim ngoài sự chỉ đạo của đạo diễn tài ba Matteo, “Cậu bé người gỗ Pinocchio” còn có sự góp mặt của nam diễn viên từng đoạt giải Oscar – Roberto Benigni vào vai Geppetto – một người thợ mộc già đang làm một con rối bằng gỗ. Bỗng dưng một ngày nọ phép màu xảy ra, con rối bằng gỗ do ông tạo ra bắt đầu nói chuyện và đi đứng như một cậu bé. Thế là Geppetto gọi cậu là Pinocchio và nhận cậu làm con trai ông.

Nhưng với tính khí của mình, Pinocchio khó mà trở thành một cậu bé ngoan. Cậu dễ dàng bị lạc lối, vướng vào những rắc rối và bị truy đuổi bởi một tên cướp trong một thế giới giả tưởng như trong bụng của một con cá khổng lồ, cho đến Vùng Đất Của Đồ Chơi, hay Cánh Đồng Phép Lạ. Người bạn trung thành của cậu là cô tiên luôn cố gắng để giúp đỡ cậu, nhưng liệu cậu có thể thay đổi bản thân và sống cuộc đời hạnh phúc vui vẻ bên người cha của mình?

Bộ phim đã nhận được 12 giải thưởng và 15 đề cử tại các liên hoan phim của nước Ý trong năm 2020 như David di Donatello Awards, Golden Globes và Italian National Syndicate of Film Journalists.

“Cậu bé người gỗ Pinocchio” chính thức khởi chiếu tại các rạp từ 24/7/2020.

Duy Anh