Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng từng nghe đài, cũng từng xuýt xoa thán phục giọng nói của các phát thanh viên: “Sao giọng của anh ấy/chị ấy lại hay như thế?”… hay đến mức làm thính giả chẳng nỡ bỏ đi. Phát thanh viên được mệnh danh là nghề “bỏ bùa” người nghe bằng giọng nói. Thế nhưng có vào nghề, trải nghề rồi mới biết, công việc “bỏ bùa” người khác ấy chẳng hề dễ dàng và hào nhoáng như những gì ta vẫn hình dung.
“Trời phú” vẫn cần khổ luyện
Tập phát âm cho chuẩn từng chữ, từng từ vẫn quen nói hằng ngày; tập lấy hơi; tập điều tiết tốc độ và âm lượng khi nói;… đó chỉ là vài bài tập cơ bản trong danh sách rất dài những kĩ năng cần phải trang bị của một phát thanh viên chuyên nghiệp. Ai cũng nói hằng ngày, nhưng nói trên sóng phát thanh để truyền đi những thông điệp thu hút lòng người thì lại là cả một nghệ thuật.
Q.T, hiện là phát thanh viên kênh Hà Nội FM 90mhz cho rằng để có thể theo nghề, trước hết bạn cần có yếu tố “trời phú” là chất giọng. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả bởi “Nếu bạn có chất giọng hay mà không được mài dũa thì vẫn chỉ là một “viên ngọc thô” lâu ngày sẽ tàn lụi mai một dần”. Theo Q.T, để có được thành công trong nghề, mỗi người đều cần hội tụ đủ 4 yếu tố: chất giọng, đam mê, nỗ lực và sự nắm bắt thời cơ đúng lúc.
Cũng cùng quan điểm đó, Khánh Hà – một phát thanh viên mới vào nghề chưa lâu, hiện đang là cộng tác viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chia sẻ: ngày nào cô cũng phải bỏ ra một lượng thời gian khá lớn để luyện tập sao cho cách thể hiện của mình trên sóng ngày càng phong phú hơn, đồng thời phát triển lối dẫn mang dấu ấn cá nhân. Hay như A.N, hiện đang làm việc cho Radionetnews (Viettel) thì kể lại những ngày đầu “chập chững” vào nghề, để sửa lỗi phát âm theo tiếng địa phương, cô bạn có khi mất hàng tuần chỉ đọc đi đọc lại một âm “e” cho chuẩn như đài!
Thêm vào đó, cũng bởi nghề phát thanh viên có một “công cụ lao động” rất đặc trưng là giọng nói. Mất giọng là “thôi” lên sóng. Vậy nên chẳng lạ khi những người làm nghề rất cẩn trọng giữ gìn… cổ họng của mình. Hà tâm sự với chúng tôi, từ khi trở thành cộng tác viên của Đài Hà Nội, cô bạn chẳng bao giờ dám nói to, hò hét chơi đùa như trước nữa. Đi ăn uống, Hà cũng hết sức tránh các món đồ quá lạnh. “Trời chỉ hơi se se, mình đã giở khăn ra quàng rồi. Với mình, giữ giọng bây giờ là giữ việc”!
Hạnh phúc nảy mầm từ đam mê
Phát thanh dĩ nhiên chỉ có âm thanh, ta chỉ nghe được giọng nói rất ngọt, rất ấm của những người đang “đứng sóng” chứ hoàn toàn không thể biết được gương mặt hay dáng hình của họ. Hỏi Khánh Hà có chút nào thấy… tiếc vì không được… lên hình khi có một gương mặt rất “sáng”, cô bạn cười tươi khẳng định: “Mình không tiếc, có lẽ đơn giản vì chưa có duyên. Nếu có cơ hội, mình sẽ cố gắng hết khả năng. Còn hiện tại, “lên giọng” là đam mê của mình rồi!”.
Người có đam mê thì chắc chắn luôn cảm thấy hạnh phúc trong công việc. Hà hay những phát thanh viên tôi được may mắn trò chuyện cùng cũng không ngoại lệ. Giờ đây, niềm vui của Hà chỉ đơn giản là được nghe thấy tiếng mình trên sóng phát thanh, “khi nghe lại cảm giác như được tâm sự với chính bản thân, hiểu rõ hơn mình muốn gì và phải tiếp tục cố gắng vì cái gì”. Còn với A.N thì chỉ cần bước vào phòng thu là đã thấy hạnh phúc trào dâng, trong tim cô “cảm xúc vẫn vẹn nguyên như lần đầu”.
Giữa dòng chảy tấp nập của các xu hướng truyền thông mới, người làm phát thanh nói chung và phát thanh viên nói riêng đang nỗ lực tìm kiếm những hướng đi mới cho loại hình báo chí “thuần nghe” này. Khi tôi bày tỏ nỗi lo lắng phát thanh sẽ “chạy chẳng lại” với các loại hình khác, Q.T với kinh nghiệm lên sóng lâu năm, tự tin nói rằng: “Mỗi một kênh truyền thông lại có ưu, nhược điểm riêng. Phát thanh chỉ có âm thanh nhưng chính điều đó lại ẩn chứa rất nhiều kì diệu. Bạn chỉ cần nhắm mắt lại và lắng nghe giọng nói của người yêu thương nhất, bạn sẽ nhận ra sức mạnh của âm thanh. Thế nên, phát thanh không thể “chết” được!”.
Và tôi cũng đồng ý với Q.T: Khi những công việc được vận hành không chỉ bởi lý trí mà còn bởi trái tim, thì kết quả của nó sẽ luôn là trái ngọt!
Hải Nguyễn – Sao Style