Trà sữa, thức uống phổ biến của Đài Loan và đã nhanh chóng chiếm được rất nhiều cảm tình của người trẻ Việt với hương vị phong phú, các loại hạt đa dạng cũng như bao bì bắt mắt. Cứ nhắc đến giải khát, người ta chắc chắn nghĩ ngay đến trà sữa.
Trước đây trà sữa luôn chú trọng đánh vào phân khúc giới trẻ, các bạn học sinh – sinh viên là chủ yếu. Hiện tại thì loại thức uống này đã tạo được thiện cảm với giới nhân viên văn phòng cũng như những thực khách lớn tuổi hơn. Giá cả dao động hợp lý, vừa vặn với túi tiền của người tiêu dùng, lại thuận tiện trong di chuyển, thậm chí còn được giao hàng tận nơi chỉ trong vài phút đồng hồ, trà sữa thực sự là một đối thủ nặng kí.
Cơn sốt trà sữa vì đâu lại “tăng nhiệt”?
Để tìm cho mình một ly trà sữa đúng hương vị yêu thích dễ dàng hơn nhiều so với việc tìm một ly cà phê chính hiệu. Các quán trà sữa có mặt ở Việt Nam nhiều vô kể và trải đều trên khắp cả nước với hằng hà sa số những thương hiệu từ trong nước đến nước ngoài, cả những thương hiệu nhượng quyền khác. Hơn nữa, khách hàng không chỉ tìm đến thức uống để giải khát mà còn tìm đến một không gian thoáng mát để làm việc hoặc thư giãn, trò chuyện cùng bạn bè.
Sự bùng nổ của hàng loạt thương hiệu
Từ khoảng cuối năm 2016 đến những tháng đầu năm 2017, các cửa hàng trà sữa xuất hiện ồ ạt nhiều như nấm sau mưa, thời gian chỉ cách nhau 1-2 tháng, địa chỉ cạnh tranh lại san sát lẫn nhau. Đỉnh điểm là sự bùng lên hàng loạt các cửa hàng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Phố đi bộ – khu vực trung tâm thành phố là một địa điểm quá sức lý tưởng cho các khu ăn uống cập bến. Các thương hiệu quen thuộc bao quanh khu vực này phải kể đến là Koi, Phúc Long, Gong Cha, R&B Tea, Tian Cha hay Gueicha và gần đây nhất là những cái tên đình đám Shared Tea, Royal Tea và Heekcaa, cùng nhiều cửa hàng ăn uống khác.
Không chỉ mở một chi nhánh, Koi đầu tư đến ba cửa hàng và Phúc Long với hai cửa hàng trên cùng khu vực này cho thực khách dễ dàng chọn lựa, vậy mà lúc nào cũng trong tình trạng đông đúc, khách hàng xếp hàng dài chờ đợi. Gong Cha, R&B, Share Tea hay Heekcaa cũng trong tình trạng tương tự khi lượt khách mỗi ngày không hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thực đơn của các cửa hàng luôn có các vị trà cơ bản như trà ô long, trà hoa nhài trà xanh, trà đen hay trà Alisan, các loại trà sữa cộng thêm vài món đặc biệt của mỗi cửa hàng để khách hàng dễ lựa chọn và so sánh các thương hiệu với nhau. Giá cả mặt bằng chung của mỗi ly trà sữa dao động từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng, không chênh lệch quá nhiều.
Phố đi bộ từ khi nào đã trở thành phố trà sữa?
Sự thành công của các thương hiệu tiên phong ở phố đi bộ như Koi, Phúc Long hay Gong Cha đã trở thành tiền đề cho hàng loạt các nhãn hiệu trà sữa Đài Loan khác cập bến. Dù ban ngày hay buổi tối, những cửa hàng này luôn có lượt khách ra vào ổn định. Họ đến vì các loại thức uống ngon miệng, đa dạng, không gian mát mẻ dễ chịu, phù hợp với tinh thần giới trẻ, giá cả phải chăng, mẫu mã của các sản phẩm cũng rất ổn, đặc biệt với những khách hàng có nhu cầu check-in hay chụp ảnh và hơn nữa lại nằm ở ngay trung tâm thành phố, vô cùng thuận tiện cho việc đi lại. Những yếu tố đó đã khiến khu vực này trở thành khu vực trọng tâm cho các thương hiệu và dự kiến sắp tới sẽ có thêm rất nhiều các cửa hàng trà sữa nữa được ra mắt, khiến cuộc cạnh tranh ngày thêm phần khốc liệt.
Ngoài những cái tên đình đám trên thì ngay khu vực Phố đi bộ cũng có những cái tên khác như Trà Tiên Hưởng hay Gueicha, Tian Cha lại cho thấy dấu hiệu hạn chế về lượng khách ra vào thường xuyên. Là do những thương hiệu nổi tiếng trên đã hút hết khách hay do họ chưa thực sự đầu tư vào mặt quảng bá sản phẩm dẫn đến những bước chững lại so với mặt bằng chung? Có thể thấy rằng thị trường trà sữa tại Việt Nam đang trong giai đoạn đỉnh cao, chính vì vậy các thương hiệu phải luôn àm mới mình, đầu tư về mặt hương vị, mẫu mã đến không gian và chất lượng phục vụ tốt để có thể trụ vững được trong thời gian dài sắp tới.
Nguồn: Saostar.vn