NSƯT Thế Hiển: Cuốn nhật ký âm nhạc dựa vào câu chuyện đời mà mình muốn kể cho khán giả
Trước khi bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp, Thế Hiển được biết đến với vai trò diễn viên đơn ca tại đoàn ca múa nhạc Bông Sen. Cái duyên đưa người nhạc sĩ này đến với viết nhạc cũng thật là tình cơ như sự sắp xếp vừa vặn mà cuộc đời mang lại. NSƯT Thế Hiển tâm sự: “Tôi bắt đầu tham gia nhà văn hóa Thanh Niên là với câu lạc bộ ca sĩ trẻ và lúc đó nhà văn hóa còn có câu lạc bộ sáng tác trẻ của các nhạc sĩ trẻ, gồm có như anh Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng, Phạm Đăng Khương…Sáng chủ nhật nào, anh em cũng nói với nhau những tác phẩm mới là có mời tôi đi hát cho các tác phẩm của các anh ấy. Khi họp và bàn về các bài vở để phân tích với nhau. Sáng chủ nhật nào cũng thế, 8 giờ sáng chúng tôi uống cà phê để mà nghe báo cáo bài hát à. Và tôi cũng hát các sáng tác của các anh ấy, mới sáng tác là tôi hát. Tôi cũng góp ý về một số giai điệu, một số ca từ. Các anh mới bảo rằng ơ phân tích được đấy, sao không sáng tác đi”. Từ những khích lệ của bạn bè, NSƯT Thế Hiển đã bắt đầu cho ra sáng tác đầu tay vào năm 1982 cùng ca khúc Khi Bong Bóng Bay.
1983 – cột mốc đáng nhớ đầu tiên cho sự nghiệp sáng tác của người nhạc sĩ này là ca khúc Hát Về Anh viết về những người lính biên cương. Bài hát nổi tiếng đến mức trên tất cả các phương tiện truyền thông phát về bất kì chương trình âm nhạc nào luôn xuất hiện ca khúc này. Sau Hát Về Anh, NSƯT Thế Hiển còn để lại trong lòng khán giả một ca khúc nữa về người lính, đó là Nhánh Lan Rừng.
Không phải ngẫu nhiên mà mọi người đặt cho NSƯT Thế Hiển cái tên thân thương là “Người nhạc sĩ viết nhật ký bằng âm nhạc”. Bởi lẽ, trong kho tàng sáng tác của người nghệ sĩ này đa dạng đến mức khiến khán giả kinh ngạc. Dù đối tượng là học trò, trẻ thơ, đấng sinh thành, người lính hay quê hương đất nước thì đều có ca khúc hướng tới. Mỗi đối tượng, người nhạc sĩ này lại sử dụng chất nhạc riêng, chỉ giao thoa chứ không hòa tan giai điệu đặc trưng. Đặc biệt hơn nữa, những ca khúc ấy như chính thước phim ngắn dù bạn ở thế hệ nào nghe bài hát đó vẫn vừa vặn với hiện tại mà không thừa không thiếu bất kì cảm xúc nào. Đó có lẽ là nét riêng của NSƯT Thế Hiển, giai điệu bài hát không bao giờ cũ. Điều đó được thể hiện trong các ca khúc đã làm nên tên tuổi của người nhạc sĩ này như Tóc Em Đuôi Gà, Nhong Nhong Nhong, Dấu Chấm Hỏi, Hoài Niệm Dấu Yêu…Cuốn nhật ký đặc biệt này như hành trình cuộc sống mà NSƯT Thế Hiển muốn kể cho khán giả nghe bằng chính âm nhạc của mình.
NSƯT Thế Hiển: Tái hiện vùng trời người lính qua từng khuông nhạc
Tuy không phải là người lính cầm súng nơi chiến trường nhưng những ca khúc của NSƯT Thế Hiển viết về vùng trời của chiến sĩ bộ đội cụ Hồ lại chạm vào đáy lòng, tâm can từng khán giả. Ẩn chứa bên trong từng ca khúc ấy, người nghe nhạc có thể hình dung về hình ảnh người lính trong những gian khổ, mong ước của họ dành cho cuộc sống tươi đẹp ngoài kia hay dành cho các bạn nhỏ, nhân dân trên mảnh đất anh hùng này. Ngay cả ca sĩ Đình Văn cũng chia sẻ: “Anh Thế Hiển là một người nhạc sĩ của người lính, của người chiến sĩ vì những ca từ mà anh viết cho những chiến sĩ”.
Đứng trên sân khấu Dấu Ấn Huyền Thoại, khi lắng nghe chiến hữu của mình là Đình Văn chia sẻ về ca khúc Hát Về Anh, NSƯT Thế Hiển đã không nén được niềm cảm xúc đang dâng trào trong trái tim và rơi lệ. “Hoàng tử Mưa Bụi” Đình Văn chia sẻ: “Những thế hệ mới, các em chưa từng biết chiến tranh là gì, chưa bao giờ biết đến sự đổ máu của những người chiến sĩ nhưng chính nhờ bài hát này đã thôi thúc cho những người ở ngay mặt trận. Mỗi lần nghe bài này không muốn trở về nhà, mà chỉ muốn ở lại bảo vệ quê hương” và “Khi Hiển gặp Đình Văn, Hiển nói “Văn à, mình mới viết bài này, mới đi biên giới về”. Khi hát tôi xúc động quá các bạn. Hiển hát đến đoạn chấm dứt thì mình mới suy nghĩ “Hiển ơi, bài này hay lắm nhưng mà Đình Văn thấy vẫn thiếu cái gì đó một chút xíu mà không biết thiếu cái gì”. Mà Hiển rất nhạy bén các bạn, nhạc sĩ mà. Tôi nhớ trong vòng 1 phút à. Nhẩm nhẩm 1 hồi, Hiển nói “Hay mình viết thêm cái này Đình Văn: Xin hát mãi về anh người chiến sĩ biên cương”. Trời ơi, Hiển ơi! Quá hay luôn”.
Có lẽ đối với người nhạc sĩ lấy âm nhạc thay khẩu súng trường ấy đã hòa mình vào vùng trời người chiến sĩ. Để tái hiện những thước phim ấy trong giai điệu âm nhạc của mình chân thật đến nỗi, khán giả nhìn rõ nụ cười hiền hòa của bộ đội cụ Hồ như đang hướng về mình, thấy rõ niềm khao khát của tuổi trẻ đang chiến đấu nơi chiến trường. Và khi giai điệu Nhánh Lan Rừng được vang lên, khán giả một lần nữa như nghe được ước mơ của người lính qua bông hoa Lan trắng xinh. Ca sĩ Đình Văn thốt lên: “Trời ơi, Hiển ơi Hiển, làm sao mà Hiển viết được cái bài Nhánh Lan Rừng sao hay quá vậy hả Hiển”. NSƯT Thế Hiển tâm tình thêm: “Tôi viết ca khúc này vào năm 1986, nhân chuyến đi Xiêm Riệp, Campuchia để phục vụ trước khi mà anh em bộ đội đón xuân á. Lúc đó là mặt trận 419, chúng tôi phải đi bằng máy bay quân sự. Từ sân bay Xiêm Riệp đến bộ chỉ huy mặt trận 419 là đường rừng. 10 ngày hát phục vụ anh em ở bên đó thì cho tôi nhiều cảm xúc. Anh em bộ đội sáng sáng thường đưa tôi đi ra ven suối, nơi nào mà có nước có suối thì lan ở gần đấy. Anh em chặt những nhánh lan rồi đem về làm thành những nhánh lan treo ở lán trại. Mỗi một người có nhiều lan lắm, người nào cũng có 5, 7 giỏ lan. Anh em bộ đội họ nâng niu rồi đố nhau hoa này khi nào nở. Giữa cái sống và cái chết mà anh em bộ đội chúng ta vẫn giữ một cái niềm lạc quan. Chính vì vậy mà Nhánh Lan Rừng ra đời năm 1986 cũng là một kỉ niệm đẹp của tôi”.
NSƯT Thế Hiển và câu chuyện đáng yêu phía sau ca khúc Tóc Em Đuôi Gà
Nghe những bài hát về người lính của NSƯT Thế Hiển, bất kì ai cũng ngồi yên, lắng đọng để ngấm câu chuyện tình yêu đất nước, ước mơ giản đơn ẩn chứa bên trong. Nhưng khi nghe các sáng tác dành cho tuổi trẻ, học trò lại mang giai điệu tươi vui như chính sự trong sáng của lứa tuổi này.
Những ai thuộc thế hệ trẻ 9x chắc chắn đã 1 lần lắc lư theo giai điệu vui tươi và hát theo ca khúc Tóc Em Đuôi Gà. Qua ca khúc này, khán giả mới thấy được sự linh hoạt và phong phú trong viết nhạc của người nhạc sĩ này. Những sáng tác ấy không bị bó buộc vào một đối tượng hay sự kiện trong cuộc sống, nó đa dạng như chính trải nghiệm mà cuộc sống mang lại cho NSƯT Thế Hiển.
Chia sẻ với khán giả Dấu Ấn Huyền Thoại, NSƯT Thế Hiển kể rằng: “Năm 1995, khi đi ngang qua đường Công Lý, chỗ trường Marie Curie ấy. Tôi đi Honda, có 1 cô bé đạp xe đạp đi ngược chiều thế nên đụng vào tôi. Hai chú cháu ngã lăn ra, may mắn là 2 chú cháu không bị gì cả. Mình kiểm tra cô bé thì thấy cái xe, bánh xe nó cong thành hình số 8. Tôi giận quá nên mới nói “Tại sao cháu đi ngược chiều?”. Cô bé có vẻ là biết lỗi, xin lỗi tôi rối rít. Tôi mới nói xe cháu như vậy thì dắt qua bên kia đường đi, nhờ bác sửa xe. Trong lúc chờ thì tôi mời cô ấy uống coca rồi ngồi nói chuyện. Sau khi tiếp xúc lại thấy ngạc nhiên là tuổi trẻ bây giờ nói chuyện rất là lễ phép, có cái nét văn hóa mới. Đặc biệt là cô bé rất thông minh. Và tôi thấy cô bé có cột mái tóc đuôi gà, mặc chiếc áo dài trắng như chúng ta đều biết, nó tưởng trưng cho vẻ nữ sinh, tuổi mới lớn. Khi trên đường về tôi hồi tưởng, nhớ lại ngày xưa khi tôi là chàng học sinh, tôi cũng thường đạp xe đạp đuổi theo các cô nữ sinh mặc áo dài trắng của trường gần đấy, Những kỷ niệm xa xưa trở về trong tôi và trên đường về thì tự nhiên cái giai điệu của bài hát nó cứ bật ra trong đầu của tôi “Này cô bé có mái tóc đuôi gà”. Và từ đó, tôi viết Tóc Em Đuôi Gà để tặng cho các bạn trẻ”. Dù bài hát đã trải qua bao thế hệ nhưng ắt hẳn dù bạn là người đã lập gia đình hay năm nay đã ngót nghén 30 tuổi, kể cả bạn là cô cậu học trò ở cái tuổi mộng mơ thì khi giai điệu bài hát Tóc Em Đuôi Gà đều cảm nhận sự trong trẻo mà mình đã và đang trải qua.