Là một trong số ít những nhà NTK đồng hành cùng VJFW trong cả 4 mùa, Phương Nguyễn Silk là thương hiệu áo dài cách tân cho bé luôn được khán giả hồi hộp chờ đón bởi những thiết kế hết sức độc đáo và sáng tạo của mình. Đến với VJFW năm nay, Phương Nguyễn Silk mang đến một làn gió mới cho Bộ sưu tập (BST) với tên gọi “Xuân trên rẻo cao”. Tên gọi của BST như phần nào toát lên được thần thái, màu sắc cũng như phong cách của BST lần này.
Quả vậy, chất liệu của BST chủ yếu là vải liên mộc, phối với các họa tiết của vải thổ cẩm và được trang trí bằng những hình thêu tay thủ công tỉ mỉ, độc đáo. Màu sắc chủ đạo của BST là những tone màu đối lập vừa trầm mặc vừa sặc sỡ nhưng lại rất hòa quyện với nhau như đỏ, xanh navy, nâu sô cô la và màu cà phê sữa. Một chi tiết tạo thành điểm nhấn của BST lần này đó chính là những phụ kiện đi kèm như hoa tai, vòng cổ, vòng tay, lắc chân, dây buộc tóc, nón đều được phối màu rất ăn ý với trang phục. Tất cả tạo nên một tổng thể làm người xem có cảm giác mình đang được sống trong không khí mùa xuân của núi rừng, bên cạnh các em bé má đỏ hây hây trong những trang phục sặc sỡ đậm đà bản sắc dân tộc.
Những chia sẻ của nhà thiết kế Phương Nguyễn Silk cùng với SaoStyle.vn!
Chị đã lấy cảm hứng từ đâu để tạo ra BST này?
Trải dài từ Bắc đến Nam, Việt Nam chúng ta có đến 54 dân tộc khác nhau cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S. Chính điều này đã tạo ra một nền văn hóa với những phong cách, bản sắc hết sức đa dạng. Nhưng rất nhiều dân tộc đã và đang dần biến mất hoặc còn lại rất ít người và đang dần biến mất, bao gồm những phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và đặc biệt là trang phục. Một số dân tộc giờ đây đã không còn mặc những trang phục và đeo những phụ kiện của dân tộc mình nữa. Đây quả là một điều hết sức đáng tiếc. Nếu dân tộc nào rồi cũng ăn mặc giống nhau, hoặc đều mặc giống người Kinh thì sự đa dạng bản sắc văn hóa của Việt Nam sẽ không còn nữa. Nhận thức được điều này thông qua một dự án của một nhiếp ảnh gia người Pháp – anh Réhahn – Phương Nguyễn Silk thực sự mong muốn làm một điều gì đó, với hy vọng giúp phát huy và bảo tồn sự đa dạng văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Thời gian bắt đầu và hoàn thành BST là bao lâu?
Kể từ khi tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng, tìm hiểu lịch sử các dân tộc, tìm nguyên vật liệu, phụ kiện đến khi hoàn thành BST trình diễn ra công chúng là 12 tuần.
Ý nghĩa tên của BST áo dài trẻ em “Xuân trên rẻo cao” là gì ?
Đặt tên BST lần này là “Xuân trên rẻo cao”, Phương Nguyễn Silk mong muốn được tái hiện lại những màu sắc, họa tiết trên trang phục của các đồng bào dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc.
Chất liệu của BST chủ yếu là vải linen mộc, phối với các họa tiết của vải thổ cẩm và được trang trí bằng những hình thêu tay thủ công tỉ mỉ, độc đáo. Màu sắc chủ đạo của BST là những tone màu đối lập vừa trầm mặc vừa sặc sỡ nhưng lại rất hòa quyện với nhau như đỏ, xanh navy, nâu sô cô la, hồng đào và màu cà phê sữa kèm những phụ kiện như hoa tai, vòng cổ, vòng tay, lắc chân, dây buộc tóc, nón đều được phối màu rất ăn ý với trang phục. Tất cả tạo nên một tổng thể làm người xem có cảm giác mình đang được sống trong không khí mùa xuân của núi rừng, với những hoa đào hoa mơ hoa mận, bên cạnh là các em bé má đỏ hây hây trong những trang phục sặc sỡ đậm đà bản sắc dân tộc.
Có những khó khăn gì trong quá trình thực hiện BST? Chị đã giải quyết như thế nào?
Khó khăn: Chúng tôi gặp khó khăn trong vấn đề thu thập các họa tiết thổ cẩm cũng như các phụ kiện vì không có đủ thời gian và điều kiện để đi đến tận nơi và tự tay chọn từng mảnh vải thổ cẩm. Đó là khó khăn lớn nhất khi làm BST lần này, do vậy rất nhiều họa tiết chúng tôi buộc phải chọn cách đặt mua online từ những cơ sở dệt thổ cẩm mà chúng tôi thu thập được tại Festival Huế hay do anh Réhahn trực tiếp giới thiệu.
Điểm nào chị cho là độc đáo nhất của BST?
Nhắc đến điểm độc đáo của BST này thì phải nhắc đến các họa tiết trang trí trên áo. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đưa thổ cẩm lên tà áo dài vì trong BST áo dài Tinh Hoa Dân Tộc Việt chất liệu này cũng đã được sử dụng. Tuy nhiên lần này vải thổ cẩm được sử dụng đa dạng hơn, nhiều màu sắc hơn và đặc biệt là việc đưa thêm vào các họa tiết với những hình thù ngộ nghĩnh, gần gũi với trẻ em được thêu hoàn toàn bằng tay thủ công lên áo. Chính điều này giúp cho việc mặc áo dài trở nên dễ dàng, thân thuộc hơn với đối tượng trẻ em.
Cảm ơn vì những chia sẻ của chị. Chúc chị luôn thành công trên con đường làm thời trang của mình!
My Soo – SaoStyle.vn