Anh cho biết, mặc dù anh và các nghệ sĩ quốc tế đến từ Pháp, Ba Lan, Canada, Thái Lan chưa từng gặp mặt và làm việc với nhau, nhưng họ có tiếng nói chung chính là âm nhạc. Chính vì thế, ngay những giờ tập luyện phối khí cùng nhau, những bản nhạc tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được vang lên qua những thanh âm tuyệt vời của kèn saxophone, đàn guitar, piano, trống, kèn trumpet. Anh chia sẻ: “Giọng hát của chị Hồng Nhung là một phần của ban nhạc, và ban nhạc cũng là một phần của giọng hát ấy. Hồng Nhung không muốn tất cả chỉ để phục vụ riêng cho giọng hát của mình, mà chị muốn mang đến một chiếc áo khoác mới cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn”.
Có thể nói, tiếng kèn Saxophone và nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc đã trở thành một hình ảnh quen thuộc với những người yêu nhạc Jazz. Anh là con trai duy nhất của nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh. Hiện nay nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc đang tiếp tục sứ mệnh nối dõi truyền thống của gia đình và tiếp quản Bình Minh Jazz Club do cha của anh sáng lập.
Nghệ sĩ Quyền Thiện Bắc dù bên ngoài có thân hình vạm vỡ cùng vẻ mặt hơi lạnh lùng nhưng bên trong anh lại là tâm hồn của một người nghệ sĩ lãng mạn bay bổng. Được tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ, nên tình yêu nhạc jazz đã ngấm sâu vào từng hơi thở của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc. Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp Nhạc viện Hà Nội, anh đã thi đỗ học bổng (3 năm) tại Trường Âm nhạc Berklee College of Music – Mỹ. Trở về nước với số điểm tốt nghiệp cao nhất của ngành nhạc Jazz, nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc đã cho ra mắt các CD cá nhân như: “Sự tỏa sáng từ những vùng im lặng” (2003) “Việt Nam bóng dáng quê hương” (2004) “Cha và con Jazz Siute” (2011) “À ơi (Lời mẹ ru)” (2012); “Jazz Duets” (2013); “Jazz Duyên” (2021) và sắp tới là “Jazz Kids”.
Tỏa sáng không chỉ trên sân khấu, trong CLB mà ở cả ngoài đường phố. Tiếng Saxophone đã trở nên thân thuộc khi nhắc tới nghệ sĩ, những ca khúc đã đưa tên tuổi của Quyền Thiện Đắc gần hơn với khán giả có thể kể đến như: Một mình, Tình phụ, Anh còn nợ em, Tình khúc buồn hay Khúc thụy du… Nghệ sĩ là còn sử dụng dân gian của Việt Nam để hòa âm sang nhạc Jazz ví dụ như: “Bèo dạt mây trôi”, “Lý cây đa”, “Trống cơm”..
Việc theo dòng nhạc Jazz không phải là điều dễ dàng nhưng như người nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc chia sẻ: “Trước khi muốn theo điều gì thì mình phải thật sự yêu và có cảm nhận về nó”. Tình yêu của anh luôn cháy bỏng từ ngày qua ngày và với anh, nhạc Jazz và tiếng kèn như là hai thứ nói thay những nỗi lòng của người nghệ sĩ.