Cầm Xu kể chuyện Vân Nam: Kinh nghiệm du lịch Lệ Giang, Shangrila cho người lần đầu đi Trung Quốc

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một chuyến đi. Là kể chuyện đúng nghĩa, không phải như những bài kinh nghiệm du lịch mà các bạn vẫn thường thấy. Ở đây có những điều mà tôi không dám chắc là thú vị nhưng sẽ rất hữu ích đối với những bạn trẻ có cùng đam mê “xê dịch” như tôi.

Tôi đi lần này, không lựa chọn quá khắt khe, không lên lịch trình quá kĩ càng. Đơn giản, mọi thứ cần sự bắt đầu. Cứ bước một chân đi đã, rồi dần dần sẽ thấy lối đi.

 

Cầm Xu – người kể chuyện về chuyến đi Vân Nam

1. Tại sao lại là Vân Nam?

Thứ nhất, đương nhiên là vì địa lý. Đi càng gần thì càng tiện và tiết kiệm. Hai tỉnh của Trung Quốc gần Việt Nam nhất chính là Quảng Tây và Vân Nam và tất nhiên Vân Nam luôn là điểm đến nhiều thu hút hơn.
Thứ hai, vì phong cảnh. Vân Nam là một tỉnh miền núi thuộc vào hàng có phong cảnh tự nhiên đẹp nhất nhì Trung Quốc, vừa đi vừa ngắm cảnh cũng thích rồi. Trên chuyến bus từ Shangrila về Lệ Giang, tôi còn nghe thấy nhiều người Trung Quốc đến từ An Huy, Chiết Giang, Quý Châu xa xôi đều nói là cực kì thích Vân Nam, đi mấy lần không chán.

 

Một trong những địa điểm đẹp ở Vân Nam

Thứ ba, vì bản sắc văn hóa. Vân Nam là tỉnh có nhiều dân tộc ít người sinh sống nhất Trung Quốc. Anh lái xe taxi ở Shangrila cho tôi biết ở đây có đến 34 dân tộc khác nhau, văn hóa vừa đặc trưng vừa hòa trộn rất thú vị.
Thứ tư, vì địa điểm dừng chân. Lệ Giang được mệnh danh là thành Venize của phương Đông, là cổ trấn đẹp nhất Trung Quốc, còn Shangrila là “tiểu Tây Tạng” nơi thấm đẫm văn hóa Tạng và phật giáo Mật Tông, chưa đi được Tây Tạng thì đi Shangrila trước.

2.Kế hoạch cho một chuyến đi “hoàn hảo”

Đây là chi tiết lịch trình cùng những hướng dẫn cụ thể (đặc biệt dành cho người chưa đi Trung Quốc lần nào, hoặc không biết Tiếng Trung). Chuyến đi của chúng tôi kéo dài 6 ngày 6 đêm, đi bằng đường bộ, điểm đến là Shangrila và Lệ Giang, tổng chi phí cơ bản hết khoảng 8triệu/người (chưa tính mua sắm).
– Ngày đầu tiên: Lên tàu đi Lào Cai
– Ngày thứ hai: Lào Cai – Hà Khẩu, Hà Khẩu – Côn Minh, Côn Minh – Nhĩ Nguyên
– Ngày thứ ba: Nhĩ Nguyên – Shangrila. Chơi ở Shangrila, hồ Napahai
– Ngày thứ tư: Tùng Tán Lâm Tự. Bắt xe về Lệ Giang. Dạo phố đêm, ăn uống.
– Ngày thứ năm: loanh quanh phố cổ Lệ Giang (rất rộng và đẹp, đi cả ngày ko hết)
– Ngày thứ sáu: thăm Mộc Phủ, Thúc Hà cổ trấn, chơi tiếp ở Lệ Giang. Tối lên tàu về Côn Minh
– Ngày cuối cùng: Côn Minh – Hà Khẩu, Hà Khẩu – Lào Cai, Lào Cai – Hà Nội.

3.Chuẩn bị những gì khi lần đầu đến Trung Quốc

  • Visa:
    Đi Trung Quốc bắt buộc bạn phải có visa. Ai chưa đi nước ngoài bao giờ thì phải làm hộ chiếu trước rồi làm visa sau. Hộ chiếu làm ở chính quyền địa phương nơi mình có Hộ khẩu hoặc CMND, hết khoảng 1-2 tuần.
    Sau khi có Hộ chiếu, các bạn liên hệ đại lý du lịch để làm visa. Chuyến này chúng tôi làm visa hiệu lực 3 tháng với 15 ngày cư trú. Hộ chiếu trắng (chưa từng đi TQ bao giờ) phí làm visa cao hơn, khoảng 75$. Các bạn đã từng được dán visa Trung Quốc trong hộ chiếu thì hết tầm 63$
  • Thẻ sinh viên
    Ở Trung Quốc rất nhiều điểm tham quan có thể dùng thẻ sinh viên quốc tế để giảm giá vé. Như chuyến đi này, hai em trong đoàn tôi được giảm 50% vé vào ở hầu hết các điểm tham quan. Tuy nhiên tôi nghĩ không nên lạm dụng, vì thẻ chỉ dành cho người dưới 24 tuổi, hơn nữa nếu bị người ta so với ngày sinh trên hộ chiếu thì sẽ rất dở. (Ví dụ như tôi, khi mua vé vào Tùng Tán Lâm Tự bị nhân viên soát vé so với hộ chiếu và từ chối bán vé, từ đó các điểm sau tôi tự giác không đưa thẻ ra nữa). Lưu ý phải là thẻ quốc tế, chứ thẻ sinh viên của Đại học ở Việt Nam không có tác dụng.
Một cửa hàng trống tuyền thống
  • Đặt vé tàu
    Các bạn có thể đặt vé ở những trang web trực tuyến và thanh toán bằng Visa Paypal. Khi đến ga tàu, bạn trình mã số đặt vé cho nhân viên công cụ xem là có thể lấy được vé. Nếu không đặt được vé tàu, bạn có thể đến trực tiếp ga tàu để mua, nhưng sẽ có rủi ro là mua sát giờ hết vé. Bạn có thể chuyển qua đi ô tô cũng được. Ngày giờ xe chạy ghi giống kiểu Việt Nam nên rất dễ nhìn. Giá vé xe là khoảng 149 tệ.
  • Đặt phòng khách sạn
    Nếu bạn không rành lắm, hoặc không đi vào mùa cao điểm, ngày lễ tết… thì hoàn toàn có thể đến nơi rồi đi loanh quanh tìm phòng trọ. Khi chúng tôi đến nơi, dù đã đặt phòng nhưng trên đường đi vẫn có khá nhiều người khác mời thuê phòng, nên các bạn có thể yên tâm không quá lo về vấn đề nơi ở. Thậm chí các nhà trọ được chào mời đó giá chỉ bằng một nửa. Nếu bạn lựa chọn đi vùng lạnh như Lệ Giang hay Shangrila thì nhất định phải hỏi xem phòng có nước nóng không.
  • Hành lý
    – Shangrila và Lệ Giang đều rất lạnh, đặc biệt Shangrila chiều tối và đêm lạnh đến – 5, -7 độ, bạn nhất định phải mang đủ quần áo ấm. Tuy nhiên, thời tiết ở đấy khá thất thường, dù đêm lạnh nhưng ban ngày lại rất nắng, bạn nên mang theo kính râm, kem chống nắng. Thời tiết nơi đây rất khô, cần mang theo dầu dừa chống ẩm, son dưỡng môi, đặc biệt là nước muối sinh lý nhỏ mũi để tránh chảy máu cam hoặc bị cảm.
    – Nhà vệ sinh công cộng của Trung Quốc dọc đường khá bẩn, thường không có giấy vệ sinh, bạn nên mang theo giấy vệ sinh, giấy ướt, nước rửa tay khô để vệ sinh khi cần thiết.
Nét cổ kính của đường phố Vân Nam

– Do giá tiền giặt là cao, bạn nên mang theo bàn là, xà phòng nếu đi dài ngày.
– Nếu đoàn đi đông hoặc có nhu cầu sạc pin cho nhiều loại máy móc thì bạn nên mang ổ cắm. Một số khách sạn ổ cắm điện chỉ dùng phích cắm ba chấu vuông, bạn nên mang theo giắc cắm chuyển 3 chân phòng khi cần dùng đến.
– Một số khách sạn giá rẻ thường không trang bị bàn chải, kem đánh răng, lược, thuốc men, máy cạo râu, máy sấy tóc…, để vệ sinh và chủ động bạn nên tự chuẩn bị từ Việt Nam.
– Thời gian di chuyển trên tàu xe nhiều nên bạn nên mang theo sẵn đồ ăn để ăn đường: mì tôm, lương khô, xúc xích, ruốc, bánh kẹo… Đặc biệt các bến tàu bến xe và trên tàu đều có thùng nước nóng riêng, ăn mì tôm khá tiện. Mì tôm Trung Quốc vừa đắt vừa không ngon, bạn nên mang mì Việt Nam từ nhà.
– Mang theo một cái kéo nhỏ để cắt đồ ăn, nhưng phải rất nhỏ và để dọc lên để không bị giữ lại khi qua Hải quan.
– Mang theo cốc nhựa để đánh răng dọc đường, trên tàu xe.

  • Đổi tiền

    Nên đổi tiền trước khi đến Trung Quốc

Khi đã sang đến Trung Quốc thì đổi tiền rất khó, thủ tục lại hơi rắc rối, bạn nên đổi dư ở nhà để chi tiêu cho thoải mái. Với chuyến Lệ Giang, Shangrila này, bạn nên đổi ít nhất 2500 tệ, vì ngoài tiền ăn chơi còn phải mua vé tàu xe, trả tiền phòng trọ, mua vé tham quan… Nếu xài không hết thì ban hoàn toàn có thể mang về đổi lại tiền Việt.
Hầu hết cửa hàng vàng bạc đều có dịch vụ đổi ngoại tệ. Ở Hà Nội bạn có thể lên phố Hà Trung.

  • Thủ tục xuất nhập cảnh

– Bạn nhớ mang theo hộ chiếu gốc để làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay (cửa khẩu).
– Mang theo bút để điện các tờ khai xuất nhập cảnh. Các tờ khai này nên được giữ lại phòng khi về cần dùng.
– Ở cửa khẩu Lào Cai thường yêu cầu mua giấy kiểm dịch y tế, tự làm 90k/người, mua dịch vụ 150k/người, người làm dịch vụ đứng sẵn ở ngay trước cửa khẩu rất nhiều.
– Biên phòng Trung Quốc kiểm tra rất chặt, quét hành lý kĩ từng chặng. Nếu bạn đi ô tô thì sau khi qua cửa khẩu còn có một lần bị xuống xe ở trạm tiếp theo để xuất trình giấy tờ..
– Thời gian làm việc của Hải quan: chú lái taxi ở ga Hà Khẩu Bắc nói cửa khẩu làm việc đến tận 10h đêm, tức là 9h tối giờ Việt Nam. Tuy nhiên theo một số thông tin tôi đọc được thì lại nói 6h chiều Trung Quốc tương đương 5h chiều Việt Nam là dừng làm việc. Tốt nhất bạn nên sắp xếp lịch trình trước các khung giờ này để tránh bị lưu lại đến ngày hôm sau. Buổi sáng bắt đầu làm việc từ 7h sáng giờ Việt Nam bằng 8h sáng Trung Quốc.

Các bạn trẻ hạnh phúc với chuyến đi đầy thú vị

Các bạn có thể đọc thêm thông tin chi tiết tại : https://www.facebook.com/camxu21

Chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ, thuận lợi!

(Nguồn: Fb Cầm Xu Nguyễn)

Diệu Anh – Sao Style