‘Kong’ đã gầm vang tại phòng vé, nhưng chưa đủ lớn

     “Kong: Skull Island” có chiến thắng ngoài mong đợi tại thị trường Bắc Mỹ. Song, Legendary Pictures và Warner Bros. vẫn như đang “ngồi trên đống lửa” bởi dự án đắt đỏ này.

 
Hồi giữa tuần trước, giới quan sát tại thị trường Bắc Mỹ dự đoán Kong: Skull Island (Kong: Đảo Đầu lâu) sẽ đạt doanh thu khoảng 45-50 triệu USD sau ba ngày đầu công chiếu, một con số không thực sự khả quan bởi kinh phí sản xuất của phim lên đến 185 triệu USD. Hơn nữa, các nhà đầu tư còn phải bỏ ra khoảng 135 triệu USD cho hoạt động tiếp thị và quảng bá.

Tuy nhiên, Kong: Skull Island gây ngạc nhiên khi thu 61 triệu USD sau ba ngày cuối tuần, vượt xa đối thủ đáng gờm Logan tại phòng vé Bắc Mỹ. Một trong những nguyên nhân giúp bộ phim ăn khách là lượng khán giả nữ cao hơn mong đợi (chiếm 44% lượng vé bán ra).

Kong đã gầm vang tại phòng vé, nhưng chưa đủ lớn

Kong đã gầm vang tại thị trường Bắc Mỹ. Nhưng chỉ như thế thôi là chưa đủ. Ảnh: Warner Bros.

Đó là kết quả khiến Legendary Pictures và Warner Bros. không thể hài lòng hơn. Nhưng đây mới chỉ là thử thách đầu tiên mà bộ phim phải vượt qua. Theo tính toán mới của tạp chí The Hollywood Reporter, phim cần phải kiếm khoảng 500 triệu USD toàn cầu mới bắt đầu có lãi (thay vì 300 triệu USD như dự đoán ban đầu của Variety).

Khó khăn lớn nhất dành cho Kong: Skull Island chính là việc phim bị kẹp giữa hai bom tấn ăn khách khác là Logan của Fox (3/3) và Beauty and the Beast (Người đẹp và Quái vật) của Disney (17/3).

Bên cạnh thị trường Bắc Mỹ, Kong: Skull Island còn ra mắt tại 65 quốc gia và vùng lãnh thổ từ 10/3. Nhưng doanh thu trên thị trường quốc tế của bộ phim sau ba ngày chỉ là 81,6 triệu USD.

Con số đó kém xa Logan trong tuần ra mắt 3/3 là 152 triệu USD. Ở tuần thứ hai, tác phẩm đánh dấu lần cuối Hugh Jackman sắm vai dị nhân Wolverine tiếp tục mang về tới 70 triệu USD trên thị trường quốc tế, tức chỉ kém Kong hơn 10 triệu USD.

Kong đã gầm vang tại phòng vé, nhưng chưa đủ lớn

Doanh thu quốc tế ba ngày đầu của Kong: Skull Island chỉ là hơn 81,6 triệu USD, kém xa đối thủ Logan. Ảnh: Fox.

Không thể phủ nhận thắng lợi tại Bắc Mỹ của Kong: Skull Island, bởi đây là tác phẩm đầu tiên của Legendary và Warner Bros. sau khi chính thức công bố vũ trụ phim quái vật (monsterverse). Trên thực tế, họ chưa đề ra kế hoạch ấy khi thực hiện Godzilla (2014), và phải đến khi Kong bước vào giai đoạn tiền kỳ, mọi chuyện mới được xác nhận.

 

Chưa kể, sau khi Warcraft (2016) và The Great Wall (Tử chiến Trường thành – 2017) trở thành “bom xịt” tại Bắc Mỹ, Kong: Skull Island đã phần nào giúp Legendary Pictures trở nên nguôi ngoai và tự tin hơn vào những Godzilla: King of Monsters (Godzilla: Vua Quái vật – 2019) hay Kong vs. Godzilla (Kong đối đầu Godzilla – 2020).

Giờ thì toàn bộ thành bại của Kong: Skull Island phụ thuộc rất nhiều vào hai thị trường lớn cuối cùng mà nó chưa có mặt là Trung Quốc và Nhật Bản. Tại quốc gia tỷ dân, phim ra rạp từ 24/3 và chắc chắn nhận sự ủng hộ khổng lồ từ Vạn Đạt Đại Liên – công ty mẹ của Legendary và sở hữu chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất trong nước.

Kong đã gầm vang tại phòng vé, nhưng chưa đủ lớn

Sự có mặt của Cảnh Điềm trong Kong: Skull Island không hoàn toàn ngẫu nhiên. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts thậm chí cho rằng cô nhiều khả năng sẽ còn trở lại trong “monsterverse”. Ảnh: Warner Bros.

Năm 2016, Warcraft từng được “giải cứu” tại Trung Quốc với doanh thu lên tới 220,8 triệu USD. Còn tuy bị giới phê bình và công chúng chỉ trích, The Great Wall vẫn mang về khoảng 113,4 triệu USD cho nhà sản xuất.

Còn Nhật Bản là thị trường đặc biệt yêu thích dòng phim quái vật (kaiju) và bản thân đạo diễn Jordan Vogt-Roberts từng nhiều lần bày tỏ niềm hâm mộ với văn hóa xứ sở hoa anh đào. Do đó, một thành tích khả quan tại Nhật Bản từ ngày 25/3 sẽ không phải là điều gì quá ngạc nhiên.

Nếu như Kong: Skull Island không kiếm nổi 400 triệu USD toàn cầu, đó hẳn sẽ là một nỗi thất vọng to lớn. Rõ ràng, Kong cần phải gầm vang hơn nữa tại hai thị trường lớn cuối cùng mà sinh vật khổng lồ này xuất hiện.

Nguồn: Vietgiaitri.com