“Đã từng có khoảng thời gian tôi rơi vào khoảng không tù tội, giữa những gông xích quan tâm, bao bọc mà ba tôi đã giăng nên.”
Tôi là một đứa con ngoan.
Tôi ngoan ngoãn thức dậy lúc 6h sáng chuẩn bị quần áo và đợi ba về chở đi học. Tôi ngoan ngoãn chờ đợi ba đón ở cổng trường lúc 5h chiều. Tôi ngoan ngoãn xem tivi chờ ba làm cơm lúc 6h tối. Tôi ngoan ngoãn đi ngủ khi đồng hồ đã chỉ 22h. Và ngày hôm sau, tôi lại ngoan ngoãn cùng ba làm những điều dường như đã trở thành thói quen như vậy.
Nhưng tôi, cũng là một kẻ hèn nhát.
Tôi nép sau lưng ba khi ba đưa đến nhận lớp mới. Tôi nhập học ở những ngôi trường do ba lựa chọn. Tôi lẩn tránh khi ai đó hỏi về sở thích hay khả năng của mình, bởi lẽ ước mơ Dancer mà tôi ôm ấp đã bị cái bóng của cha che lấp đi.
Để giờ đây, khi bước chân ra khỏi cánh cổng trường đại học, đối mặt với cuộc đời chông chênh và nhiều cạm bẫy, tôi không khỏi cảm thấy sợ hãi và hối hận. Đã từng có khoảng thời gian tôi rơi vào khoảng không tù tội, giữa những gông xích quan tâm, bao bọc mà ba tôi đã giăng nên.
Giá như ngày đó tôi dũng cảm hơn. Giá như ngày đó tôi dám nói lên lựa chọn của mình. Và… giá như cha đừng yêu tôi bằng tình yêu lớn đến mức khiến tôi ngộp thở đến vậy…
“Ba, con đâu phải “công chúa hạt đậu” !”
Cho đến tận bây giờ, những trăn trở ấy vẫn bám theo tôi nhưng không còn là sự dằn vặt, mà là nguồn động lực to lớn thúc đẩy tôi ngày một tiến lên phía trước.
Chắc chắn rằng, câu chuyện của tôi cũng chính là câu chuyện của rất nhiều bạn trẻ khác, nhất là những bạn trẻ sống ở thành phố, khi mà sự bao bọc của ba mẹ dường như quá nhiều.
“Mày cứ để đấy cho mẹ, cứ lo ăn với học đi đã!” , “Mày thì biết cái gì, để đấy cho mẹ!”, “Tránh ra không đứt tay!” … có thể nói là những lời “quát mắng” vô cùng “kinh điển” của ba mẹ, để rồi đằng sau sự ân cần và che chở ấy là những đứa trẻ không bao giờ có thể lớn được. Tâm lí ỷ lại. lười biếng, ích kỉ, chỉ biết nhận lại mà không biết cho đi sẽ được dần hình thành trong nhận thức của con cái, cho dù có được giáo dục kĩ lưỡng như thế nào đi chăng nữa thì đứa trẻ ấy cũng rất khó để “phá kén” mà trưởng thành.
Hẳn chúng ta đều biết, trẻ em Nhật Bản ngay từ lúc còn nhỏ đã được hướng dẫn để tự mình làm các công việc thường ngày như tự chuẩn bị quần áo, tự chuẩn bị và thu dọn đồ dùng cá nhân, tự đi đến trường … thậm chí, trẻ em còn được tham gia các buổi diễn tập động đất. Do đó, khi có động đất xảy ra, chúng chẳng mấy khi hoảng loạn mà biết cách tự bảo vệ mình, tìm cách thoát thân một cách có trật tự, tuyệt đối không chen lấn xô đẩy.
Hơn nữa, hẳn mỗi người con đều muốn được ba mẹ tin tưởng yên tâm giao đặt trách nhiệm cho mình. Việc bao bọc quá mức cũng là một biểu hiện của sự thiếu tin tưởng vào con, và sẽ khiến cho con cảm thấy tự ti và hụt hẫng, thậm chí, tạo nên rào cản tâm lí, cản trở sự phát triển và ý thích của con. Điều này vô hình chung làm cho những sự quan tâm của ba mẹ trở thành con dao hai lưỡi, đang dần dần giết chết chính “cái tôi” của con mình.
Ba mẹ, không thể nào mãi ở bên con, con cái cũng không thể nào mãi cuộn mình trong vỏ ốc do ba mẹ tạo nên. Do đó, thay vì việc bao bọc con quá mức, các bậc làm cha mẹ hãy trang bị cho con những kiến thức cần thiết để có thể tự mình thực hiện các công việc phù hợp. Hãy cho phép con được vấp ngã, được thử thất bại, được trải nghiệm để tôi luyện thêm những phẩm chất, sự tự tin và mở rộng giới hạn khả năng của con trẻ. Hãy đừng cho con những tình yêu mù quáng, mà hãy học cách làm những người cha mẹ thông thái để trẻ được trải sống và trưởng thành theo cách mình muốn, vì cuộc đời mỗi người chỉ có một, ba mẹ đừng nên sống hộ cả cuộc đời của con cái.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng là những người cần phải chủ động tích cực rèn luyện bản thân, cất lên tiếng nói của mình để nhận được sự tin tưởng từ ba mẹ, và tự “giải phóng” cho mình khỏi những xiềng xích bao bọc, bứt phá và phát triển bản thân. Hãy chứng minh cho ba mẹ thấy rằng, các bạn hoàn toàn có thể sống tốt cuộc đời của mình và sau này, có thể trở thành chỗ dựa của cha mẹ, hãy để cha mẹ biết rằng “Bạn không phải công chúa hạt đậu!”
Trọng Lâm – Sao Style