*Bài viết có tiết lộ nội dung phim.
1. Mở đầu trong Kinh Thánh
KHÔNG mở đầu bằng một đoạn thánh thư từ sách Nahum trong Kinh thánh – cụ thể là Nahum Chương 3, Câu 6. “I will cast abominable filth upon you, make you vile and make you a spectacle.” (Ta sẽ ném sự ô uế gớm ghiếc lên ngươi, làm cho ngươi nên khinh hèn, làm trò cho mọi người xem).
Đoạn kinh thánh có thể được đọc như một lời báo trước về cuộc tấn công của người ngoài hành tinh. Phải chăng Jean Jacket giống như một hung thần trong câu chuyện, cuối cùng đã ném những ô uế lên ngôi nhà gia đình Haywood? Ngoài ra, còn một cách khác để hiểu đoạn mở đầu này là Jordan Peele sử dụng để nói về sự nhơ nhớp của Hollywood và vai trò của nó trong văn hóa đại chúng.
Nahum Chương 6 chủ yếu đề cập đến sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với thành phố Nineveh của người Assyria, một nơi được mô tả là đầy tội lỗi trong Cựu Ước. Hollywood trong mắt Jordan Peele cũng chính là một phiên bản khác của Nineveh.
KHÔNG khắc họa bản chất tự hủy hoại của ngành công nghiệp điện ảnh, làm méo mó bản chất con người. Thường xuyên, Hollywood biến bi kịch và sang chấn thành lợi nhuận. Sự “spectacle” (làm trò) – những sự kiện đáng kinh ngạc trở thành cần câu cơm thu hút sự chú ý. Ricky Park (Steven Yeun) lợi dụng quá khứ đen tối của mình để kiếm tiền, và Holst (Michael Wincott) cuối cùng chọn cái chết vì quá ám ảnh với nghề.
2. Thẻ tiêu đề phim và số phận của nhân vật chính
Mỗi chương trong phim đề cập đến tên của một con vật: Ghost (ngựa), Clover (ngựa), Gordy (tinh tinh), Lucky (ngựa), và Jean Jacket (sinh vật ngoài hành tinh). Tất cả đều đã chết trừ Lucky đúng như cái tên.
Tuy nhiên, cảnh cuối phim khi OJ (Daniel Kaluuya) và Lucky xuất hiện, nhiều người tin rằng cả hai đã chết và thứ mà Emerald (Keke Palmer) nhìn thấy chỉ là ảo ảnh. Điều này phù hợp với chủ đề gia đình và trưởng thành của bộ phim: OJ phải học cách bước tiếp khi cha anh qua đời, Emerald phải học cách làm chủ cuộc đời khi không còn anh trai.
3. Thiên thần hộ mệnh
Một nhân vật thú vị trong phim là anh chàng nhân viên của Fry’s tên Angel (thiên thần). Sự hiện diện của anh chàng (Brandon Perea thủ vai) đóng vai trò như một thiên thần hộ mệnh khi OJ và Emerald tận mắt chứng kiến “phép màu tồi tệ”. Angel đã đưa hai anh em nương nhờ nhà của mình khi họ chạy trốn khỏi Jean Jacket.
Anh chàng hài hước có một dàn máy đào crypto, có một niềm tin tuyệt đối vào anh em nhà Haywood và có mục đích tốt đẹp hiếm hoi khi tin rằng tài liệu ghi lại Jean Jacket sẽ cứu mạng nhiều người, cứu thế giới. Chưa kể Angel còn mặc một chiếc áo phông có dòng chữ “Earth” với hình ảnh của vũ trụ. Nhân vật này đã tham gia tất cả, gắn bó với Emerald và OJ cho đến phút cuối cùng.
4. Chủ đề sinh vật ngoài hành tinh
Bộ phim có nhiều tình tiết ám chỉ sự hiện diện của sinh vật ngoài hành tinh, ngay từ trước khi Jean Jacket hiện hình. Cái tên của Jupiter’s Claim – công viên chủ đề viễn Tây của Ricky Park gợi nhắc đến Sao Mộc (Jupiter). Những đứa trẻ của nhà Park trong bộ đồ người ngoài hành tinh. Tấm biển đánh dấu lối ra phía sau công viên có nội dung “Out Yonder” có thể hiểu theo nghĩa ngoài không gian. Lối vào cửa hàng điện tử Fry’s Electronics được trang trí một chiếc đĩa bay khổng lồ. Ngoài ra, chiếc xe Polaris UTV của OJ còn gợi cho khán giả về sao Bắc Cực. Nếu nhìn kỹ, phần lưng áo khoác của Jupe được thêu hình UFO – chính là Jean Jacket đang bay lên. Ngoài ra, chiếc mũ cao bồi mà Jupe đội trong poster của nhân vật này báo trước số phận nhân vật bị Jean Jacket nuốt chửng.
5. Câu chuyện về tinh tinh Gordy
Một trong những cảnh đầu tiên trong KHÔNG là cái nhìn thoáng qua về thảm họa kinh hoàng trong chương trình Gordy’s Home – nơi một trong những con tinh tinh đóng vai Gordy nổi điên và gây thương tích cho những người trên trường quay.
Câu chuyện của Gordy có sự tương đồng không thể bỏ qua với sự việc của tinh tinh Travis năm 2009. Tại Mỹ khi đó, con vật đã tấn công, ăn thịt Charla Nash khiến bà này tàn tật suốt đời, khuôn mặt bị hủy hoại giống như nhân vật nữ trong phim.
Chuỗi sự kiện trong Gordy’s Home cũng chính là phiên bản thu nhỏ của các sự kiện tại trang trại Agua Dulce, nơi OJ và em gái chạm trán Jean Jacket. Trong cả hai trường hợp, một sinh vật hoang, bản năng và nguyên thủy được sử dụng như một cỗ máy kiếm tiền, làm trò (spectacle) cho người ta thấy tận mắt.
Và cũng trong cả hai câu chuyện, sinh vật đó đã chán ngấy, như Ricky nói trong phim “chạm đến giới hạn”. Bản chất của động vật hoang dã là bất thường, không thể đoán định và KHÔNG hai lần khẳng định điều đó.
Cuối phim, Emerald sử dụng một quả bóng bay hình Jupe khổng lồ để tiêu diệt Jean Jacket trong khi những quả bóng bay cũng là thứ khiến Gordy nổi điên. Đây cũng là bi kịch của Ricky khi nghĩ rằng mình có thể “thuần hóa” Jean Jacket giống như từng làm với Gordy. Tin rằng bản thân có một kết nối sâu sắc với con tinh tinh, nhưng thực chất thứ cứu sống Ricky trên trường quay Gordy’s Home chính là một chiếc giày được dựng đứng kỳ lạ.
6. Chiếc giày dựng đứng – một “phép màu tồi tệ”
Bộ phim nhắc nhiều về “phép màu tồi tệ” – những sự kiện đáng kinh ngạc xảy ra mà khó có lời giải đáp.
Vì quá để ý đến chiếc giày được dựng đứng một cách quái lạ mà cậu bé Ricky đã tránh được việc nhìn thẳng vào mắt con vật. Ngoài tự nhiên, nhiều loài động vật coi việc nhìn thẳng vào mắt và dấu hiệu của sự thách thức, thống trị. Những con ngựa cảm thấy bồn chồn khi ai đó nhìn thẳng vào mắt, và thậm chí phát rồ khi một chiếc gương bất thình lình đưa ra trước mặt chúng. Điều này được nhắc lại khi OJ phát hiện ra nếu không nhìn thẳng vào Jean Jacket, họ sẽ không bị coi là một mối đe dọa.
KHÔNG là cảnh báo đỏ dành cho con người cần đối xử với thiên nhiên, động vật với sự tôn trọng.
Câu chuyện về Gordy đáng ra là một bài học cảnh tỉnh, nhưng Jupe lại coi đó như một cơ hội kiếm tiền. Gia đình nhà Park đã biết đến sự hiện diện của Jean Jacket hàng tháng trời. Đó là lý do mà Jupe muốn mua lại cả trang trại của nhà Haywood, để dùng những con ngựa mua từ OJ làm mồi dụ Jean Jacket ra khỏi đám mây. Và Ricky đã phạm phải một sai lầm chết người khi tin rằng bản thân có thể thuần hóa một thứ con người còn chưa hiểu hết.
7. Thông điệp về bản chất con người
Jean Jacket khủng bố Agua Dulce lúc 6:13 chiều, cùng thời gian Gordy tấn công trong chương trình Gordy’s Home.
Trong Kinh Thánh, một đoạn trong Matthew 6:13 là “Hãy dẫn ta đừng vào cám dỗ, mà đưa ta khỏi tà ác” hay Romans 6:13 “Đừng dâng bất cứ phần nào của mình cho tội lỗi tiếp tay cho gian ác, hãy dâng mình cho Đức Chúa Trời như những người đã trở lại từ cõi chết”. Những nhân vật trong KHÔNG, trong cơn say kiếm tìm sự ngoạn mục (spectacle) đã trở thành một phần của cái xấu xa.
Cuối cùng thì quái vật trong phim không phải là Gordy, là Jean Jacket, mà là ngành công nghiệp truyền thông giải trí do con người tạo ra. Cuối cùng chúng nuốt chửng chính chúng ta trong sự ham muốn nhìn thấy những điều ngoạn mục. Cỗ máy này đã nghiền nát nhiều sinh mệnh, hủy hoại nhiều cuộc đời, lợi dụng các thế hệ, bao gồm những động vật đóng phim, người da màu trong ngành hay những người thuộc nhóm yếu thế.
KHÔNG (tựa gốc: NOPE) đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.