Nghệ thuật vẽ tranh truyền thần bấy lâu nay đã ít nhiều bị thất truyền trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, ở căn nhà số 47 Hàng Ngang, vẫn có một người nghệ nhân già ngày đêm cần mẫn giữ gìn loại hình nghệ thuật truyền thống giản dị ấy…
Cửa hàng tranh của nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên khá nhỏ, chỉ khoảng 10 mét vuông. Đây chính là nơi mà hơn nửa thế kỉ qua ông đã làm bạn với nghệ thuật vẽ tranh truyền thần.
Họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên. Nguồn: VTC.
Ông kể, cái duyên đến với nghiệp vẽ truyền thần cũng rất tình cờ. Ông từng là sinh viên trường Đại học Công nghiệp nhưng rồi lại bỏ khóa thi tốt nghiệp vì lí do không nhìn thấy tương lai của mình tại đó. Đam mê hội họa, ông đã từng đến xin học nghề tại những cửa hàng xưa nhưng không ai chịu nhận nên về nhà ông tự quan sát và mày mò học.
Năm 1956 người anh em đồng hao của ông mở cửa hàng vẽ, đến năm 1960 thì bỏ lại nên ông quyết định giữ và tiếp quản cửa hàng đến tận bây giờ. Tranh đầu tiên của ông là bức vẽ ảnh thờ cho một người lính. Khi đó miền Bắc trong thời kì bao cấp, hàng hóa không có nhiều, để lấy được màu vẽ, ông phải đốt bấc đèn dầu thật to lửa cho ra muội đen rồi vẽ lên nền giấy trắng. Ông tếu táo đùa: “Hồi ấy lúc nào cũng đen nhem nhuốc, từ tay đến quần áo rồi cả mặt cũng có màu”. Mãi sau này, tầm những năm 90, ông mới bắt đầu sử dụng màu công nghiệp để việc vẽ tranh được thuận tiện hơn. Màu vẽ, tẩy, bông phủi buộc phải thay mới nhưng cái giá vẽ, cái ghế ông ngồi, cái thước kê tay,… đều có tuổi đời hơn nửa thế kỉ”. Ông bảo: “Đã gắn mình với nó là một, thay rồi mình với nó là hai thì làm sao mà được”.
Ông nói rằng hồi trẻ, ông vẽ nhiều, từng vẽ bằng cả chì lẫn sơn dầu nhưng rồi cuối cùng, ông trọn gắn bó cả đời với nghệ thuật vẽ tranh truyền thần. Theo ông, cái tài thật sự của người vẽ tranh truyền thần là nhìn ra được cái bên trong của ảnh, họa ra được cái hồn của người lên giấy. Do đó mà không phải ai cũng theo được loai hình nghệ thuật này, kể cả với con của ông, ông hay bảo: “Nó mà có thích vẽ thì cứ vẽ thôi chứ không dạy được”.
Vợ ông không giấu nổi tự hào về ông khi tận tay lấy cho chúng tôi xem quyển sách về một buổi triển lãm tại Nhật Bản năm 2000, ông được trưng bày tới 14 bức tranh tại đó. Điều đáng nói là nếu những nghệ nhân khác của Việt Nam tham dự triển lãm chỉ có một, hai bức tranh ảnh hay cuốn phim trưng bày chung thì ông có hẳn một phòng triển lãm riêng.
Suốt buổi chiều, dù trò chuyện với tôi nhưng bàn tay tài hoa của ông vẫn miệt mài làm việc. Ở cái tuổi 82, sống giữa phố thị ồn ào, tấp nập, ông đã tìm đến khoảng bình yên bên những bức tranh chì. Đó là một thú vui tuổi già nhưng cũng là niềm đam mê, “cái duyên”, “cái nghiệp” cả đời ông cần mẫn. Ông khẳng định rằng sẽ còn vẽ đến lúc nào không thể cầm nổi cây bút nữa thì đành phải thôi.
Nguyễn Ngọc Hải – Saostyle.vn