Đinh Thảo – “Đại sứ” kết nối những giá trị nghệ thuật truyền thống

         Đinh Thảo (tên đầy đủ Đinh Thị Thảo), là Cử nhân chuyên ngành Âm nhạc học – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, hiện đang là giám đốc đào tạo công ty cổ phần nghệ thuật ASP, sáng lập viên dự án “Chèo 48H – Tôi Chèo về quê hương”.


PV: Xin chào Đinh Thảo, cảm ơn bạn về cuộc phỏng vấn này. Trong bối cảnh nền âm nhạc thị trường bùng nổ như hiện nay, giới trẻ đã ít nhiều đã có sự “lơ đãng” đối với nghệ thuật truyền thống. Vậy điều gì đã khiến một cô gái trẻ trung, xinh đẹp như bạn quyết tâm theo đuổi đam mê với những loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian?

Đinh Thảo: Có thể nói, bố mẹ chính là người đã khơi nguồn tình yêu với các loại hình nghệ thuật truyền thống trong tôi. Bố mẹ tôi không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng lại là những khán giả rất tâm huyết. Hồi nhỏ, mỗi lần trên ti vi có phát sóng các vở chèo, cải lương,… bố mẹ thường rủ tôi ngồi xem (tôi vẫn còn nhớ một số vở chèo được xem khi ấy như Quan Âm Thị Kính, Hồ Xuân Hương,…). Lúc đó bố là người thường giải thích cho tôi nội dung hay những thắc mắc của tôi về nhân vật. Mặc dù không hiểu hết được ý nghĩa và không mấy khi cùng ngồi xem hết các vở diễn với bố mẹ nhưng khi ấy tôi rất ấn tượng với các diễn viên trong trang phục truyền thống, họ rất đẹp. Ấn tượng đó vẫn còn nguyên vẹn cho đến giờ.

Đinh Thảo trong một chương trình kỷ niệm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Lớn lên, khi có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với các bộ môn âm nhạc, nghệ thuật dân tộc cổ truyền, tôi lại càng thấy ở những loại hình ấy có sức cuốn hút mãnh liệt.

PV: Được biết dự án “Chèo 48H”  do bạn sáng lập để giữ gìn và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của các loại hình nghệ thuật truyền thống, Thảo có thể cho độc giả của Saostyle biết rõ hơn về dự án này được không?

Đinh Thảo:  Dự án “Chèo 48h – Tôi Chèo về quê hương” được khởi sự từ năm 2014 với ý tưởng về một sân chơi tìm hiểu văn hóa nghệ thuật dân tộc cho công chúng hiện đại. Tôi và các thành viên khác trong nhóm sáng lập ban đầu là những người không quen biết nhau, mỗi người một công việc, thậm chí có những bạn ở miền Nam, có bạn là du học sinh nhưng chúng tôi có thể kết nối với nhau bởi chung một niềm trăn trở: vị trí và vai trò của Văn hóa Nghệ thuật cổ truyền sẽ phát huy như thế nào trong bối cảnh xã hội hiện đại? làm sao để sử dụng vốn văn hóa bản sắc dân tộc trong hành trình hội nhập với thế giới? Những ý nghĩ đó thôi thúc chúng tôi xây dựng dự án. Sứ mệnh của dự án là lan tỏa niềm cảm hứng về văn hóa nghệ thuật cổ truyền đến công chúng hiện đại.

Đinh Thảo cùng những giảng viên và học viên Chèo 48H trong một chương trình Gala

Hoạt động của dự án Chèo 48h bao gồm: lớp học Khám phá với các bộ môn như Chèo, Xẩm, Chầu Văn dành cho đối tượng không chuyên. Đây là dạng khóa học ngắn hạn (khoảng 15 buổi) với mục tiêu truyền đạt những kiến thức căn bản về các bộ môn nghệ thuật cổ truyền đến học viên (lịch sử hình thành, cách hát, múa, diễn,.. trong từng thể loại). Các học viên được hướng dẫn trực tiếp bởi các thầy cô giáo là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, tài năng và tâm huyết. Sau khóa học, các học viên sẽ có cơ hội được thể hiện mình trên sân khấu như những nghệ sĩ trong chương trình Gala cuối khóa với chủ đề Tôi Chèo về quê hương. Đây không chỉ là buổi biểu diễn kết thúc khóa học mà còn là một sự kiện nghệ thuật có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng. Cho đến nay, đã có 3 chương trình gala được diễn ra và nhận được sự hưởng ứng tích cực của khán giả có cả trong nước và bạn bè nước ngoài. Bên cạnh khóa học và gala show, dự án cũng đã tổ chức rất nhiều các hoạt động trải nghiệm khác như: Cuộc thi ảnh dân gian Amazing Viet Nam (2014 – 2015), Mini show Không gian nguồn cội (2014), Ngày hội trải nghiệm văn hóa Young Culure day (2015), Về nguồn (2015 – 2016, kết hợp tổ chức cùng Quỹ Văn hóa – Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội), khám phá Chèo làng Khuốc, Thái Bình (2016),… 

PV: Những khó khăn lớn nhất của bạn trong việc thực hiện các dự án đó là gì?

Đinh Thảo: Khó khăn lớn nhất đó là về tài chính. Chúng tôi chưa có một nguồn tài trợ chính thức để thực hiện các hoạt động của dự án trong khi có rất nhiều ý tưởng và kế hoạch.

PV: Dự án mà chị đã thực hiện đã đạt được những kết quả như thế nào?

Đinh Thảo:  Trong 3 năm chúng tôi đã tổ chức được 3 khóa học Chèo, 2 khóa học Chầu Văn và 1 khóa học Hát Xẩm, truyền cảm hứng trực tiếp cho gần 100 học viên theo học; tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa gắn với nghệ thuật cổ truyền.

Có thể nói, qua những hoạt động đó, kết quả lớn nhất đó là bước đầu xây dựng được một cộng đồng những người hiện đại yêu nghệ thuật cổ truyền; khán giả cũng có sự kết nối gần gũi hơn với các nghệ sĩ hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

Ý nghĩa của dự án còn được ghi nhận với nhiều thành tích như: Giải Nhất cuộc thi Ý tưởng Tôi 20 (2014, được tổ chức bởi Tôi 20! Twenties), Giải Ba cuộc thi Ý tưởng cộng đồng FBA IC (2015), Top 10 ý tưởng xuất sắc cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai (2015), đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong chương trình Về nguồn (bằng khen của Quỹ Văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội), Giải Ba cuộc thi Chiếu Chèo làng tôi dành cho các đơn vị không chuyên (Đài phát thanh truyền hình Hưng Yên tổ chức),…

Đinh Thảo trong một tiết mục Chầu văn

PV: Theo Thảo, điều gì đã làm cho các bạn trẻ ngày nay dần “xa cách” với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc?

Đinh Thảo: Chúng tôi luôn tâm niệm, tình yêu phải bắt nguồn từ sự tìm hiểu. Chúng ta chưa yêu hay có hứng thú với các giá trị nghệ thuật cổ truyền bởi hoàn toàn thiếu kiến thức về nó, các cách giáo dục, truyền thông văn hóa còn chưa được sáng tạo, phù hợp. Bên cạnh đó là sự hội nhập mạnh mẽ của các luồng văn hóa ngoại lai dễ dàng tạo trào lưu trong giới trẻ.

PV: Vậy theo bạn thì chúng ta cần phải làm gì để lưu giữ được những nét đẹp văn hóa đó, nhất là việc đem nghệ thuật truyền thống lại gần hơn với giới trẻ?

Đinh Thảo: Đối với đối tượng là những người trẻ, theo tôi, chúng ta nên nghĩ đến các hướng tiếp cận gần gũi, hiện đại và sáng tạo. Đó cũng chính là mục tiêu mà dự án Chèo 48h theo đuổi, xây dựng thật nhiều sân chơi gần gũi với những người trẻ, khơi nguồn cảm hứng để người trẻ có động lực tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật cổ truyền.

Việc đưa các bộ môn nghệ thuật cổ truyền vào môi trường giáo dục các cấp cũng rất cần thiết. Tôi đã từng thử nghiệm một khóa giới thiệu về nghệ thuật Chèo đến trẻ em mẫu giáo. Tôi hoàn toàn bất ngờ bởi sự tiếp nhận hào hứng của các bé. Có thể các bé chưa hiểu hết đc ý nghĩa sâu xa trong các loại hình nghệ thuật truyền thống nhưng những ấn tượng ban đầu chắc chắn sẽ đọng lại rất lâu. Tôi tin rằng, chất văn hóa dân gian sẽ ngấm dần vào tâm hồn của mỗi người Việt nếu chúng ta được bồi dưỡng qua thời gian.

Các bạn trẻ cùng chung tay giữ gìn và phát huy những nét đẹp của các loại hình nghệ thuật truyền thống

PV: Trong tương lai, bạn có muốn tiếp tục gắn bó với công việc “kết nối” các giá trị truyền thống đến với mọi người không?

Đinh Thảo:  Tôi cho rằng đó là sứ mệnh mà tôi may mắn được đón nhận. Bởi vậy mà tôi vô cùng trân trọng và sẽ luôn cố gắng để có thể truyền cảm hứng về các giá trị truyền thống mạnh mẽ hơn nữa đến với mọi người, để mỗi người đều coi việc gìn giữ và phát huy các giá trị bản sắc dân tộc như là sứ mệnh của mình.

PV: Cảm ơn những chia sẻ rất chân tình vừa rồi của bạn. Saostyle xin chúc bạn luôn luôn mạnh khỏe, xinh đẹp và gặt hái được nhiều thành công trong việc giữ gìn nghệ thuật truyền thống.

Đinh Thảo: Cảm ơn SaoStyle!     

Đoàn Ngọc Chung – Saostyle.vn