Trong 4 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục đổi mới về cả hình thức và nội dung thi của kì thi THPT Quốc gia (là kì thi Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2014 trở về trước). Hãy cùng nhìn lại sự thay đổi đó với Inforgraphic toàn cảnh dưới đây của chúng tôi!
1.Kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014:
Đây là năm cuối cùng diễn ra kì thi “3 chung” (chung đề, chung ngày và sử dụng chung kết quả thi). Để được xét tốt nghiệp THPT, thí sinh phải tham gia thi 4 môn, trong đó Toán và Ngữ Văn là 2 môn bắt buộc. 2 môn còn lại thí sinh được tự chọn từ 6 môn: Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ.
Một điểm thay đổi nữa là việc xếp loại tốt nghiệp của học sinh sẽ được dựa trên 2 yếu tố: Điểm thi tốt nghiệp và kết quả học tập lớp 12.
Trong năm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bỏ quy định về điểm sàn. Theo đó, thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi đại học ngay năm đó để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển và có yêu cầu điều kiện đầu vào phù hợp.
2.Kì thi THPT Quốc gia năm 2015:
Năm 2015 có thể coi là một dấu mốc lớn trong tiến trình đổi mới giáo dục Việt Nam khi kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được Bộ mạnh dạn thay thế bằng một kì thi chung duy nhất, gọi là kì thi THPT Quốc gia. Để được xét tốt nghiệp, thí sinh cần dự thi 4 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, môn thứ 4 là môn tự chọn từ 5 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Để tham gia dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ, ngoài 4 môn kể trên, thí sinh có thể tùy thuộc vào yêu cầu của trường mà đăng kí thêm các môn thi khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa ra giới hạn số lượng môn thi nên thí sinh thậm chí có thể dự thi cả 8 môn.
Đây cũng là năm đầu tiên học sinh chỉ được công nhận đã tốt nghiệp THPT mà không được xếp loại (Giỏi, Khá, Trung bình,…) như các năm trước đó.
3.Kì thi THPT Quốc gia năm 2016:
Về cơ bản, kì thi THPT Quốc gia năm 2016 không có quá nhiều thay đổi so với năm 2015. Thí sinh vẫn phải dự thi 4 môn để xét tốt nghiệp và được đăng kí thêm các môn khác để lấy kết quả dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
Những thay đổi của kì thi năm 2016 chủ yếu nằm ở khâu tổ chức: Cách thức đăng kí xét tuyển; điều chỉnh chế độ ưu tiên; rút ngắn thời gian xét tuyển…
4.Kì thi THPT Quốc gia năm 2017:
Nếu như các năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng đổi mới cách thức tuyển sinh thì đến năm 2017, nội dung, phương pháp thi tuyển mới là chủ đề được quan tâm nhất. Trước hết, tất cả các môn đều được chuyển sang thi trắc nghiệm, trừ môn Ngữ Văn. Có 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (thi tổ hợp Vật lý, Sinh học, Hóa học) và Khoa học xã hội (thi tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần (phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo khối thi truyền thống) và điểm toàn bài thi (phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo tổ hợp môn thi, bài thi mới).
Lịch thi THPT Quốc gia năm nay cũng sớm hơn so với mọi năm. Cụ thể, thí sinh sẽ tham gia thi 2 ngày trong tháng 6/2017. Như vậy, từ đây đến khi thi, các sĩ tử lớp 12 chỉ còn gần 3 tháng để chuẩn bị.
Hải Nguyễn – Saostyle.vn