Trên dòng chảy bộn bề của cuộc sống, chẳng ai tránh khỏi những thương tổn, va vấp trong hành trình trưởng thành. Có những vết thương vẫn mãi đau nhói, âm ỉ tận sâu trong lòng, hiện diện lì lợm ở đó dù đi qua bao nhiêu tháng ngày. Cũng có những niềm đau mãi cắm rễ trong tâm hồn không tài nào đốn ngã. Nơi chúng ta thuộc về không chỉ là những dòng tự sự hay những bức ký họa đầy xúc cảm, mà còn là hành trình đi tìm bản ngã cũng như sự an yên trong tâm hồn sau khi đi qua tháng ngày giông bão. Cuốn sách gồm 3 chương Yêu – Thương – Tha Thứ, từng phần sẽ đưa người đọc đến những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Ở Yêu, ta như sống lại tuổi 20 với trái tim căng đầy nhựa sống phập phồng nơi lồng ngực, cuồng nhiệt, say mê, khát khao yêu thương đến cùng cực. Có cái ngọt lịm của tình đầu mộng mơ, có vị đắng nghét sau những lần tan vỡ, cũng thấm đượm vị chua chát của những khắc khoải, đơn côi. Đi qua những dại khờ, cuồng nhiệt của tuổi trẻ, đến với Thương ta lại được đắm mình trong những lời tự sự đầy mộng mơ. Cuộc hành trình tìm về với bản ngã còn dài, cứ từ từ, thong thả mà gói ghém, sắp xếp lại xúc cảm nơi trái tim. Khép lại những trang cuối bằng Tha Thứ, tất thảy ngổn ngang, bộn bề dần được xoa dịu bằng những dòng tâm tình bình dị, rất dịu dàng rất riêng.
Không khó để tìm được sự đồng điệu về cảm xúc từ những câu chuyện từ Nơi chúng ta thuộc về, ở đó, người đọc không chỉ bắt gặp tâm hồn đơn côi, khắc khoải của người phụ nữ mộng mơ trên đất Pháp, mà còn thấp thoáng thấy dáng hình, khuôn mặt của mỗi chúng ta. Là những nhớ thương đợi chờ, những giận hờn vu vơ, những lo toan được mất và cả những thương tổn vụn vỡ, những hỉ, nộ, ái, ố mỗi kiếp người đều đã, đang và sẽ trải qua.
Nơi chúng ta thuộc về như liều thuốc chữa lành cho những vết thương cũ, không quá đắng, cũng không quá ngọt, vừa đủ để bạn đọc cảm nhận được những chênh vênh mà tác giả đã đi qua, cũng vừa chạm tới sự khát khao, say mê, niềm yêu cuộc sống tha thiết. “Và tôi biết từ nay mình phải học cách yêu thương chính mình không phải bằng cách gặt hái thêm thành công, mà bằng sự bao dung khi mình thất bại”. Đó cũng chính là hành trình từ đứa trẻ nghèo khó, tự ti và khắc kỷ đến khi trở thành người phụ nữ độc lập, tỏa sáng biết chấp nhận, yêu thương bản ngã của chính mình, an nhiên trước vần vũ cuộc đời, chẳng gió bão nào có thể dội vào lòng được nữa. Lời tâm tình thủ thỉ qua mỗi câu chữ, vừa gần gũi, quen thuộc lại vừa lãng mạn, sâu sắc, khi như dòng nước trong vỗ vào lòng buổi trưa hôm trời đổ lửa to, khi lại như ánh trăng rạng ngời xua đêm đen mờ tối.
Cuộc sống vốn vô thường, mỗi một khoảnh khắc trôi đi qua sẽ mãi chìm vào dĩ vãng. Đi qua những ngày giông bão người ta mới trân quý những khoảnh khắc bình yên. Ai trong chúng ta cũng đều xứng đáng được nhận yêu thương, mọi vết xước đều cần có thời gian để chữa lành. Thế nên cứ tiếp tục chầm chậm, tự mình ủi an, học cách yêu thương bản thân mình. Hy vọng Nơi chúng ta thuộc về có thể phần nào vỗ về những tâm hồn còn đang chuếnh choáng, loay hoay trên hành trình trưởng thành, mong tất cả chúng ta tìm được chỗ đứng an yên trong tâm hồn, để chiêm nghiệm những năm tháng đã đi qua.
Nhà văn, họa sĩ Amanda Huỳnh hiện là luật sư nổi tiếng, có ảnh hưởng tại Pháp. Từ năm 28 tuổi, cô trở thành người truyền cảm hứng cho bạn trẻ khi có bằng Tiến sĩ tại Pháp. Năm 2013, cô là gương mặt Tài năng trẻ do tổ chức nghệ thuật đa quốc gia Art 3F của châu Âu vinh danh. Các tác phẩm hội họa của Amanda Huỳnh cũng được triển lãm tại Pháp và Dubai.
Trong những năm qua, nhà văn Amanda Huỳnh vẫn đi, về giữa Paris và TPHCM, tổ chức các buổi giao lưu, ra mắt sách tại Việt Nam. Nơi chúng ta thuộc về” là cuốn sách năm 2023 được rất nhiều độc giả mong chờ sau thành công của hai cuốn sách trước đó Lam (2015) và Có hẹn với Paris (2017). Cả hai cuốn sách đều được bán hết, tái bản ngay trong sự kiện ra mắt sách và xuất hiện dày đặc trên các mặt báo đương thời. Riêng Có hẹn với Paris đã được tái bản rất nhiều lần và là cuốn sách gối đầu chuyền tay nhau, không thể thiếu của rất nhiều du học sinh Pháp.
Nơi chúng ta thuộc về đã chính thức ra mắt độc giả và lên kệ tại các nhà sách.