Với mục tiêu phấn đấu Quảng Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch của Đông Nam Á, song Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài khẳng định, không nhất thiết phải phát triển nóng vội.
Trong buổi họp báo giới thiệu chương trình quảng bá văn hoá, du lịch “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” do UBND tỉnh Quảng Bình cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch vừa tổ chức, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.
PV: Thưa ông, vì sao Quảng Bình lại chọn Hà Nội để giới thiệu về du lịch tỉnh nhà mà không phải là một nơi nào khác, chẳng hạn như TP Hồ Chí Minh?
Ông Nguyễn Hữu Hoài: Mục đích của việc quảng bá, giới thiệu văn hóa vùng đất địa linh nhân kiệt và tiềm năng, thế mạnh về du lịch Quảng Bình đến với nhân dân Hà Nội nhằm xây dựng hình ảnh quê hương Quảng Bình tại Thủ đô Hà Nội – Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, góp phần tạo sự quan tâm và thu hút khách du lịch Hà Nội và khách du lịch nhiều nơi thông qua Hà Nội đến Quảng Bình, nhằm phục hồi và phát triển du lịch Quảng Bình trở thành kinh tế mũi nhọn.
PV: Như ông đã nói, lợi thế và tiềm năng của ngành du lịch tỉnh Quảng Bình là du lịch về hang động. Vậy điểm nhấn trong chương trình quảng bá du lịch của Quảng Bình tại Hà Nội là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Hoài: Ai cũng biết Quảng Bình được đánh giá là địa phương có tài nguyên du lịch độc đáo hàng đầu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, nổi bật là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bảng được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Vùng núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng với hệ thống địa mạo được hình thành trên 400 triệu năm, chứa đựng trong lòng hơn 300 hang động lớn nhỏ có giá trị hàng đầu thế giới như động Sơn Đoòng, hang Én, hang Va, động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Tối… Quảng Bình được mệnh danh là ‘vương quốc hang động”.
Do vậy, ngoài các chương trình nghệ thuật, triển lãm nhằm quảng bá, xúc tiến điểm đến du lịch Quảng Bình, hoạt động mà chúng tôi chọn làm trọng tâm và mũi nhọn để quảng bá chính là hang động của Quảng Bình.
Động hang Tiên với các khối thạch nhũ hình thù kỳ lạ tạo nên vẻ hoang sơ nằm trong hệ thống hang động với cấu trúc độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho Quảng Bình.
PV: Tiềm năng và lợi thế của ngành du lịch Quảng Bình đã thấy rõ, tuy nhiên, Quảng Bình đã làm gì để phát huy lợi thế, tiềm năng để đưa ngành du lịch tỉnh Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh?
Ông Nguyễn Hữu Hoài: Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương nên tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chương trình hành động về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 và nhiều kế hoạch cụ thể hóa và tập trung nguồn lực để phát triển du lịch.
Nhờ đó, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình bước đầu đã có những kết quả tích cực. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, du lịch Quảng Bình đã đón hơn 11,2 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%. Năm 2016, là 1 trong 4 tỉnh miền Trung gặp nhiều khó khăn do sự cố môi trường biển gây ra, ngành du lịch Quảng Bình dù bị thiệt hại nghiêm trọng nhưng Quảng Bình đã cố gắng đưa ngành du lịch vượt qua khó khăn.
Dự kiến, năm 2017, Quảng Bình sẽ đón 3 triệu lượt khách, đẩy mạnh đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; tập trung các nguồn lực thực hiện các hoạt động quảng bá sâu rộng, xúc tiến du lịch mạnh mẽ để “vương quốc hang động” Quảng Bình trở thành thiên đường khám phá trải nghiệm cho du khách, là một trong những điểm đến hấp dẫn của khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.
PV: Để ngành du lịch “cất cánh”, xin ông cho biết Quảng Bình sẽ phải làm gì ngay từ bây giờ?
Ông Nguyễn Hữu Hoài: Hiện ở Quảng Bình đã có nhiều dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Mùa du lịch tới đây, Quảng Bình sẽ có thêm khoảng 1.500 phòng, đưa tổng số phòng nghỉ khách sạn của Quảng Bình lên đến 9.500 phòng.
Ngoài ra, để ngành du lịch phát triển bền vững, tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư bằng việc hỗ trợ chính sách, thủ tục cho nhà đầu tư.
PV: Thưa ông, đối với ngành du lịch, để phát triển bền vững lâu dài, ngoài vấn đề bảo vệ, bảo tồn di sản, ngành du lịch cũng phải chú trọng đến việc kiểm soát môi trường. Quảng Bình đã có kế hoạch gì trong việc kiểm soát môi trường biển, nhất là từ sau sự cố Formosa?
Ông Nguyễn Hữu Hoài: Vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch đã được tỉnh Quảng Bình chú trọng từ năm 2016. Sau sự cố môi trường biển Formosa, tỉnh đã rút ra bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, để kêu gọi các dự án đầu tư, trong đó có các dự án du lịch, Quảng Bình đã khoanh vùng cụ thể, vùng nào được phép đầu tư, vùng nào không được đầu tư. Và sau đó, tỉnh sẽ tổ chức kêu gọi đầu tư với phương châm: Bảo tồn, phát huy và bảo vệ môi trường.
Việc làm này nhằm đẩy mạnh phát triển tại các vùng có tiềm năng du lịch, góp phần xóa nghèo, tăng nguồn thu cho tỉnh, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Xác định du lịch là ngành mũi nhọn của tỉnh, nên từ năm 2014, khi các dự án đến đầu tư, tỉnh đã kiểm soát rất kỹ về vấn đề công nghệ, quy mô dự án và nội dung của dự án. Cùng với đó, tỉnh cũng quản lý rất chặt để đảm bảo dự án đó vừa thuận lợi trong công tác xây dựng triển khai cũng như kiểm soát được vấn đề môi trường.
Quan điểm của tỉnh là không nhất thiết phải phát triển nóng vội mà phải phát triển bền vững.
Nguồn: Infonet