Trò chuyện trong chương trình Vali Cảm Xúc, Tiến sĩ Tô Nhi A bày tỏ sự cảm phục trước người đàn ông khiếm thị đã thành lập Mái ấm “Mây Bốn Phương” với mong muốn che chở những mảnh đời khó khăn.
Trong tập 15 chương trình Vali Cảm Xúc vừa lên sóng với sự dẫn dắt của Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A. Khách mời tuần này là chú Lê Văn Đến, quê ở Trà Vinh và có tình yêu với âm nhạc nhiều năm. Chú Đến mang theo chiếc vali có chứa những đồ vật mang theo những kỷ niệm vui buồn gắn với cuộc đời và công việc của mình.
Chú Lê Văn Đến mang theo hành trang với 2 cây đàn, gắn bó với niềm đam mê âm nhạc của mình. Chú là người khiếm thị, bắt đầu học nhạc từ khi mới 7 tuổi, và học vì đam mê chứ chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ mưu sinh bằng đam mê này. Từ một dịp tình cờ gặp được một người thầy cũng bị khiếm thị đã dạy mình chơi đàn, gia đình cũng phải tích cóp để mua cho chú một cây đàn theo yêu thích. Rồi sau đó khi thầy rời đi, vì quá đam mê nên chú Đến đã bỏ nhà để theo đuổi con đường chơi nhạc. Và cây đàn Guitar được chú mang theo đến chương trình như một người bạn thân, đã đồng hành cùng nhân vật trong suốt 40 năm qua.
Một cây đàn khác được chú mang đến chương trình là đàn Organ, được chú gắn với từ khóa “hồi ức”. Chú nói: “Với người khác thì bình thường nhưng với người khiếm thị như tôi thì để luyện chơi đàn Organ là tôi đã phải rất khổ luyện. Mà khi đó, để mua được cây đàn này là phải tốn 2-3 cây vàng. Ngày xưa không có tiền mua nên chỉ biết mượn của người bạn để chơi thử, và mỗi ngày mượn đó để tập từng chút đến ngày hôm nay”. Chú Lê Văn Đến tự hào cho Tiến sĩ Tô Nhi A biết bản thân dù khiếm thị nhưng đã cố gắng rất nhiều, phải tập trung nghe rất nhiều để có thể học đàn. Và bản thân chú cũng chơi được rất nhiều loại đàn khác nhau. Nhân vật cũng từng không ít lần muốn từ bỏ nhưng vì quá đam mê nên không bỏ được.
Tô Nhi A cảm phục trước người đàn ông không chịu thua số phận khi 16 năm miệt mài “học nghệ” sáng đi bán vé số, tối đi học đàn đến khi thuần thục. Dẫu vậy, chú Lê Văn Đến không khó tránh khỏi việc bị đối xử không công bằng. “Người ta không mướn người mù làm đâu. Tôi biểu diễn ở đám cưới thì có người còn thắc mắc vì sao chủ nhà lại mời tôi mà không phải người khác. Về sau, tôi làm nhiều mới được mọi người tín nhiệm. Đến giai đoạn chơi đàn Organ được ưa chuộng thì người khuyết tật và Mái ấm cho người khuyết tật của tôi mới bắt đầu hình thành. Tôi truyền đạt cho anh em cũng bị khuyết tật, họ không có tiền nhưng muốn học nên tôi sẵn sàng chỉ cho họ. Tôi nhớ ngày xưa thầy dạy tôi cũng không lấy tiền nên tôi dạy lại mọi người cũng vậy, không lấy tiền như để trả ơn thầy, trả ơn đời vậy”, chú Lê Văn Đến bộc bạch.
Bên cạnh 2 cây đàn, chú Lê Văn Đến mang đến những tấm bằng khen, giấy cảm ơn như là sự ghi nhận với những điều tử tế mà chú đã làm. Nhắc về Mái ấm “Mây Bốn Phương” hiện đang hoạt động là nơi hỗ trợ những người khiếm thị, trẻ em mồ côi và người già không nơi nương tựa. Tại Mái ấm, những người khiếm thị được dạy nghề mát-xa, dạy âm nhạc để mọi người có thể tự mưu sinh. Các trẻ em mồ côi, thiếu vắng người thân cũng được tạo điều kiện để các em tiếp tục đến trường.
Chú Lê Văn Đến cho biết, trong quá khứ bản thân từng rất khó khăn, thậm chí từng đi lang thang không có chỗ ngủ đàng hoàng, cũng từng nhịn đói nên hiểu được cảm giác của những người khó khăn. Chú cũng tự hứa là nếu bản thân có điều kiện hơn người khác sẽ cố gắng giúp đỡ những người xung quanh. “Với tôi, giúp được một người nào mà sau này thấy họ thành đạt là tôi rất vui. Tôi tin rằng, mình gieo điều gì sẽ gặt được điều đó. Tôi giúp người này thì một ngày nào đó con tôi cũng sẽ được người khác giúp. Nên tôi cứ làm những gì đúng lương tâm mình muốn, miễn mình không làm sai điều gì là được”, chú Đến nói. Đặc biệt, bên cạnh chú Đến còn có được sự ủng hộ của vợ nên hành trình tử tế của hai vợ chồng đã kéo dài được 17 năm.
“Ngày xưa, tôi và vợ cưới nhau khi rất nghèo, tôi còn không có tiền mua cho vợ đôi bông tai. Từ xưa cho đến giờ, 2 vợ chồng gần như hi sinh tình cảm riêng tư để lo cho mọi người. Hiện giờ, chúng tôi không có gì cho riêng mình hết, kiếm được bao nhiêu là đem lo cho mọi người hết”, chú nói. Dẫu khó khăn vất vả là vậy, nhưng chú Lê Văn Đến vẫn cứ làm, chú chia sẻ với Tiến sĩ Tô Nhi A rằng bản thân còn muốn làm nhiều hơn, phát triển nhiều hơn cho Mái ấm “Mây Bốn Phương” của hai vợ chồng. Với chú, làm bằng cái tâm nên chưa bao giờ nghĩ ngợi đến sự vất vả cả. Chú khẳng định: “Người khuyết tật không ai muốn ở không để ăn bám đâu. Ai cũng muốn làm việc để kiếm sống. Chỉ là họ chưa có điều kiện để làm thôi”.
Nhắc đến những áp lực, chú Lê Văn Đến nói đó là điều khó tránh khỏi khi theo đuổi đam mê hay làm bất cứ điều gì. Với chú cũng vậy, đã từng có không ít áp lực, từng làm nhiều việc và đa phần thất bại nhưng không nản chí. Chú xem những “áp lực” trong quá khứ là kỷ niệm, bởi chính những áp lực đã tạo ra động lực để chú và bà xã phấn đấu nhiều hơn. Tinh thần không nản chí, không từ bỏ khi theo đuổi đam mê âm nhạc và tình yêu thiện nguyện, giúp đỡ những người khốn khó của nhân vật khiến tiến sĩ Tô Nhi A không khỏi cảm phục.
Chương trình Vali Cảm Xúc phát sóng lúc 19h30 Thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7. Chương trình do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp với Công ty Truyền thông Bee thực hiện, với sự đồng hành của nhãn hàng vali, balo, túi xách cao cấp Sakos và được bảo trợ truyền thông bởi Trang thông tin điện tử Saobiz.vn.