- Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Tro Tàn Rực Rỡ bắt đầu với phân cảnh đám cưới của Nhàn (Phương Anh Đào thủ vai) và Tam (Quang Tuấn thủ vai). Trong ngày trọng đại, vẻ mặt người phụ nữ trẻ không giấu được sự hạnh phúc. Đám cưới tràn ngập những lời chúc, những câu đùa cợt tếu táo ấy khép lại, mở ra cuộc hôn nhân đau khổ cho hai người đàn bà trẻ của xóm Thơm Rơm.
Câu chuyện tình yêu của Nhàn và Tam chỉ được kể qua vài chi tiết vụn vặt, khi Nhàn đến lò than đón chồng, hay khi cả hai cùng rửa bát sau bữa cơm tối. Không có nhiều lời thoại hay cử chỉ yêu thương giữa Nhàn và Tam trong suốt bộ phim. Người ta chỉ thấy cô Nhàn trông có vẻ dịu dàng, đằm thắm, ấy thế mà khi ở cạnh chồng cũng tinh nghịch, thích đùa cợt trẻ con. Anh Tam cục mịch không hay nói nhiều, nhưng tủm tỉm cười mỗi khi Nhàn “làm trò”. Phim không kể một cách “sỗ sàng”, chỉ vừa đủ để khán giả tin rằng Nhàn và Tam thực sự đến với nhau bằng tình yêu nguyên sơ, chân thành nhất.
Vậy nhưng, tình yêu của Nhàn và Tam không đủ lớn để vượt qua sóng gió, nhất là khi kết tinh tình yêu của hai người mất đi. Sau biến cố, cả Nhàn và Tam đều có sự thay đổi lớn, dẫu bên ngoài họ vẫn cố tỏ ra bình thường. “Phải chi khóc được thì tôi đâu có đốt nhà”. Tam dường như vẫn lầm lì, cục mịch như thế. Nhưng Nhàn phát hiện ra những vết bỏng trên người chồng, nhận ra những lần anh dùng bật lửa tự đốt chính thân thể mình. Và rồi, khi cơn đau thể xác không thể xoa dịu nỗi đau tinh thần, Tam cần một ngọn lửa lớn hơn, rực rỡ hơn để quên đi tất cả.
Còn Nhàn, cô vẫn vậy, vẫn nấu những bữa cơm ngon, vẫn đạp xe đến đón chồng mỗi ngày. Khi Tam bắt đầu “phát tiết” bằng cách đốt nhà, cứ mỗi lần như thế, Nhàn lại lặng lẽ thu dọn đồ đạc, và cả tàn tro của đợt lửa lớn. Người trong làng hỏi cô sao không bỏ quách người chồng tệ bạc đi, cô chỉ cười, “Con bỏ đi rồi lấy ai dựng nhà cho ảnh đốt, rủi ảnh qua đốt nhà hàng xóm, kỳ lắm”.
Người ta tự hỏi, cô gái xinh đẹp, tháo vát như Nhàn, cớ gì phải giam mình trong cuộc hôn nhân vốn đã không còn hy vọng này. Người ta hỏi Nhàn sao không bỏ đi, có chăng vì thấy cô vẫn “bình thường”, vẫn mạnh mẽ sau đau khổ, chứ không suy sụp đến đánh mất thần trí như Tam. Nhưng có ai biết chăng, ẩn sâu trong tâm trí người phụ nữ là nỗi đau được nén chặt, là cảm giác dằn vặt rằng mình là nguyên nhân của mọi tội lỗi. Và hơn tất cả, có lẽ chính là tình yêu, tình nghĩa cô dành cho người đàn ông của mình. Cô khao khát được chồng mình nhìn thấy, dù là giữa ánh lửa bạo tàn kia.
Cho đến cuối cùng, Nhàn vẫn không thể từ bỏ Tam, hay từ bỏ tình yêu của mình. Khi Nhàn nhận ra cả cô và Tam đều đã quá mỏi mệt, cô đã lựa chọn kết thúc trong chính ngọn lửa cháy sáng rực rỡ nhất, ngọn lửa mà người đàn ông của cô yêu hơn vợ mình. Không ai dám chắc lần đốt lửa cuối cùng là do Tam, hay do chính Nhàn. Không ai dám nói đó là sự bế tắc, hay giải thoát cho chính cuộc đời Nhàn. Chỉ biết rằng, người phụ nữ ấy đã mang tình yêu của mình hóa thành vĩnh cửu. Cho dù bị đốt rụi thành tro tàn, đó vẫn là thứ tro tàn rực rỡ nhất, là tàn tích của một tình yêu thiêng liêng không thể thay thế.
Kể về câu chuyện của Nhàn là Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling thủ vai), một cô gái khác sống cùng xóm Thơm Rơm. Trong đám cưới của Nhàn và Tam, Hậu cũng tới dự. Cô tíu tít nói cười bên cạnh Dương (Lê Công Hoàng thủ vai), chàng trai trẻ tuổi với thái độ kỳ lạ. Sau đám cưới, Hậu đi xuồng về cùng Dương và vượt quá giới hạn. Giữa cơn hoan ái, ánh mắt Dương vừa lạnh lùng, vừa phẫn uất, và rồi cuối cùng gã gục xuống trên thân thể Hậu khi miệng vẫn lẩm bẩm tên Nhàn.
Không lâu sau đó, Hậu và Dương bước vào cuộc hôn nhân ép buộc khi Hậu phát hiện mình có thai. Cô gái trẻ đang ở cái tuổi đẹp nhất phải học cách trở thành người vợ, người mẹ đảm đang. Chẳng có gì mà cô gái nhỏ nhắn không biết làm: cô học nghề làm chuối của nhà chồng, cô học lái xuồng máy, thậm chí là cả đốn gỗ, chẻ củi. Việc của người đàn bà hay người đàn ông trong nhà đều đến tay Hậu. Còn người chồng cô yêu thương theo thuyền đánh cá, bắt tôm nhiều ngày đêm, rồi lại ở biền biệt trong chiếc chòi cô đơn, quạnh quẽ giữa bốn bề sông nước.
Sự mỏi mệt trong cuộc đời Hậu chẳng dừng ở đó. Khi không làm việc, cô làm bạn với người phụ nữ chồng mình yêu. Từ chỗ ghen tuông, giận dỗi với Nhàn theo những cách rất “nữ nhi thường tình”, Hậu dần gần gũi với Nhàn hơn. Cô đem những câu chuyện về Nhàn, dù lặt vặt như cách nấu món này món nọ, về kể với Dương. Có lẽ, chỉ những câu chuyện về Nhàn mới có thể khiến Dương chú ý đến Hậu thêm một chút.
Không giống như Nhàn, từng yêu và được yêu để rồi gục ngã cay đắng, Hậu cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình ngay từ giây phút đầu tiên. Cái đêm cô ở bên Dương bắt đầu một chuỗi sai lầm đày đọa hai con người bất hạnh trong tình yêu. Thế nhưng, Hậu kiên trì với tình yêu này đến cố chấp. Cô làm bạn với người phụ nữ chồng mình yêu vì khao khát sự chú ý từ chồng. “Có lẽ em cũng giống như Nhàn, là một con đàn bà khao khát được chồng nhìn thấy…”
Khi những đốm lửa cuối cùng chấm dứt bi kịch của Nhàn dần tàn, Hậu cũng bắt đầu lái xuồng ra biển. Trước đây, dù mẹ chồng không ít lần thúc giục cô “ra tận nơi mà lôi nó về, nó là chồng con”, thì Hậu vẫn kiên nhẫn thuyết phục Dương bằng những mẩu chuyện vụn vặt về Nhàn. Ngay cả khi Dương khoác ba lô bỏ chạy ở phân cảnh áp chót, Hậu vừa dấm dứt khóc, vừa ép chuối như công việc cô vẫn làm thường ngày. Nhưng rồi ở cảnh cuối cùng, khán giả được thấy Hậu lái xuồng ra biển, tiến gần đến chiếc chòi cô độc của Dương. Dẫu cho chiếc xuồng ấy không phải thứ dùng để lái ra biển, dẫu biết rằng có lẽ kết cục của một lần can đảm này chẳng mấy tươi sáng, thì Hậu thực sự đã quyết tâm vì hạnh phúc của mình, vì người đàn ông mà cô yêu. “Bởi vì khi người phụ nữ còn yêu, không gì làm họ dừng lại”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chia sẻ như thế tại Liên hoan phim Tokyo.
Trong những khuôn hình của Tro Tàn Rực Rỡ, ta còn bắt gặp câu chuyện của cô Loan “khùng”, người phụ nữ đã lỡ dở cả cuộc đời vì một tên đàn ông. Thuở thiếu thời, cô bé Loan bị “gã” cướp đi tất cả sự ngây thơ, cả thần trí của cô trong men say. Kẻ làm sai đã phải đền tội, nhưng người thiếu nữ cũng đã đánh mất tất cả. Giờ đây, người ta chỉ còn thấy cô Loan “khùng” quần áo rách rưới, đầu tóc bù xù, ôm chai rượu cười thơ thẩn.
Bị người ta đồn là “khùng”, vậy nhưng cô Loan vẫn rất nhạy cảm, tỏ thái độ ra mặt khi người ta nói về gã đàn ông đó. Cô không muốn bất cứ ai soi mói về bi kịch cuộc đời cô, hay kẻ đã gây ra bi kịch này. Nghe tin gã trở về, đang nương thân nơi cửa Phật, cô chẳng thể kìm lòng mà tìm đến. Ban đầu, cô hận gã rất nhiều. Nhưng rồi, một ngày kia, cô thốt ra với gã một ước mơ sâu kín nhất, điều cô vẫn luôn mong mỏi: “Hay là anh cưới tôi đi…” Sâu thẳm trong lòng người phụ nữ ấy, cô vẫn muốn được yêu, được thương. Và cô tin rằng, sẽ chỉ có gã là kẻ duy nhất chấp nhận con người cô.
Hiếm hoi lắm, khán giả mới thấy cô Loan cười, nụ cười của một người đàn bà hạnh phúc trong tình yêu, chứ chẳng phải nụ cười thơ thẩn của một kẻ đã mất đi thần trí, ấy là khi ở bên gã, cùng gã vớt khúc gỗ mục trên sông. Ấy thế mà, giữa lúc cô hạnh phúc nhất, gã lại đột ngột biến mất. Gã trôi đến và trôi đi, lặng lẽ và lênh đênh tựa tấm củi mục gãy nát.
Gã đi rồi, cô Loan lại trở về là cô của những ngày xưa. Hết hờn trách rồi, cô lại thơ thẩn, như thế một phần tâm hồn mình lại bị cướp mất. Nhưng cô Loan vẫn ngồi đó, chờ đợi một ngày nắng, khi cởi bỏ tất cả mặc cảm, gã sẽ quay trở lại. Niềm khát khao yêu và được yêu của người đàn bà “khùng” ấy có khi bùng lên dữ dội như lửa cháy, có khi lại âm ỉ trong lòng, nhưng tuyệt đối không bao giờ lụi tàn.
Ba người đàn bà lựa chọn ba cái kết khác nhau cho câu chuyện tình của chính họ. Có thể với vài người, đó là sự bế tắc, cố chấp; nhưng dưới những góc nhìn khác, đó lại là những cách “giải thoát”, để lòng họ được nhẹ nhàng hơn, để họ được tự do yêu hết mình. Tình yêu có thể là sự trừng phạt, nhưng cũng là món quà quý giá nhất mà tạo hóa ban tặng cho tâm hồn con người.
Phim đang chiếu tại rạp.