Tờ Todayonline đăng bài phân tích của chuyên gia bóng đá châu Á John Duerden về tương lai của bóng đá Việt Nam sau sự kiện U20 World Cup.
Dương Văn Hào tranh chấp bóng với Jean-Kevin Augustin của U20 Pháp. Ảnh: AP. |
Đội tuyển Argentina được trả tiền để đến và thi đấu tại Singapore ngày 13/6 sắp tới, nhưng trước đó đội U20 của quốc gia Nam Mỹ này đã có mặt ở Việt Nam để đá giao hữu, một trận đấu khởi động cho U20 World Cup 2017.
HLV của đội khách Claudio Ubeda đã ấn tượng sau trận đấu ở sân Thống Nhất. “Các cầu thủ ở đây có kỹ thuật tốt và cũng nhanh nhẹn”, ông nói. “Bóng đá nơi đây có một tương lai sáng sủa”.
Giải đấu mà các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn vừa trải qua ở Hàn Quốc, phần nào, đã chứng tỏ nhận định đó là chính xác.
Chỉ giành được một điểm trong lần đầu xuất hiện ở vòng chung kết một giải đấu bóng đá 11 người do FIFA tổ chức nhưng qua những trận đấu với New Zealand, Honduras và nhà vô địch châu Âu Pháp, Việt Nam thể hiện họ đã tiến xa như thế nào và con đường phía trước rộng mở ra sao. Việt Nam thua Pháp 0-4, thua Honduras 0-2 và hòa New Zealand 0-0 nhưng họ chơi rất tập trung ở khâu phòng ngự và quyết liệt trong tấn công. Lần tiếp theo, mọi chuyện có thể sẽ khác.
“Chúng tôi tự hào về những gì đã làm được ở lần đầu tham dự World Cup”, tiền đạo Trần Thành, người ghi bàn mang về suất dự vòng chung kết, nói với FIFA.com.
“Chúng tôi cũng học được nhiều từ những cầu thủ chuyên nghiệp với đẳng cấp rất cao khi thi đấu tại giải này. Sẽ tốt hơn nếu chúng tôi ghi được ít nhất một bàn ở đây nhưng dù sao đi nữa, tôi nghĩ việc tạo ra cảm hứng cho thế hệ tiếp theo cũng là một điều tốt”, anh nói tiếp.
Việt Nam có nhiều thành công hơn các quốc gia Đông Nam Á ở cấp độ bóng đá trẻ trong những năm gần đây. Ảnh: Đức Đồng. |
Phải, mấu chốt là rút ra những bài học và trở lại mạnh mẽ hơn. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng một lần nữa, hãy nhìn vào những gì đang diễn ra ở việc phát triển bóng đá trẻ tại Việt Nam.
Tọa lạc ở vùng Tây Nguyên của đất nước này là học viện Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), và đó là trung tâm của nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra với bóng đá Việt Nam.
Đây là một trong những lò đào tạo trẻ năng suất bậc nhất thế giới. Hoạt động với sự trợ giúp kỹ thuật từ Arsenal sau một thỏa thuận được ký vào năm 2007, đây là một dự án dài hơi và đã chắp cánh cho một số cầu thủ hay nhất Đông Nam Á.
“Đó là một học viện được quản lý tốt và khi tôi ở đó, tôi nhìn thấy nhiều tài năng trẻ”, Alfred Riedl, cựu HLV đội tuyển Việt Nam, Lào và Indonesia nói. “Cơ sở vật chất ở đó rất tốt cho các cầu thủ. Nếu duy trì sự kiên nhẫn cho khóa đào tạo này, sẽ có ngày họ thu được thành quả”.
Và sự kiên nhẫn đã ở đó.
Học viện HAGL đã hoạt động được một thập kỷ và mọi người đều thấy nó bắt đầu cho trái ngọt. Hồi tháng Hai, U23 Việt Nam đánh bại U23 Malaysia 3-0. Kết quả đó chẳng có gì bất ngờ nếu nhìn vào những biến chuyển gần đây ở bóng đá của hai quốc gia, nhưng chín cầu thủ trong đội hình Việt Nam hôm đó, chiếm một nửa quân số, đến từ học viện HAGL.
Tại AFF Cup 2016, những học viên tốt nghiệp học viện này đều có chỗ đứng vững chắc trong đội một. Vũ Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, tất cả đều trẻ và rất ấn tượng. Nhưng vì một lý do nào đó khó lý giải, Việt Nam sau đó thua Indonesia ở bán kết.
Thế hệ cầu thủ trẻ Việt Nam được đánh giá cao, nhưng cần một sự kiên nhẫn trong phát triển. Ảnh: Đức Đồng. |
Steve Darby, cựu HLV của đội bóng S. League Home United cùng nhiều CLB khác tại Đông Nam Á và cả đội tuyển nữ Việt Nam, là một người hâm mộ của học viện HAGL, không chỉ bởi nó hoạt động phi lợi nhuận. “Hàng ngàn đứa trẻ được quan sát mỗi năm và 18 đứa trẻ giỏi nhất sẽ được chọn vào ngôi nhà của học viện HAGL”, HLV người Anh nói.
“Ở đó có những phương pháp đào tạo hợp chuẩn, những trận đấu và những chuyến du dấu đến các học viện quốc tế khác. Trong nhiều năm, đó là xương sống của đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam”, Darby nói.
Có những học viện khác ra đời muộn hơn, và trong số đó PVF (viết tắt của Quỹ phát triển bóng đá trẻ Việt Nam) thậm chí còn được một số người đánh giá cao hơn HAGL.
Tất cả được pha trộn vào một môi trường bóng đá lớn mạnh hơn sau mỗi năm và theo Darby, sự kiên nhẫn là yếu tố mấu chốt ở mọi cấp độ.
“Các CLB trao cho những HLV nội hợp đồng dài hạn và gắn kết với họ bất chấp chỉ trích từ báo chí. Truyền thông Việt Nam là những kẻ soi mói hà khắc”, Darby nói. “Nhưng Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã cho thấy lợi ích từ những kế hoạch dài hạn. Họ đã sử dụng tài trợ từ FIFA và AFC tốt, xây trung tâm chất lượng cao ở Mỹ Đình (Hà Nội)”, ông nói tiếp.
Sử dụng tài trợ hợp lý cũng đã giúp ích cho Myanmar. Liên đoàn bóng đá nước này có quan hệ chặt chẽ với FIFA, thu hút đầu tư và tài trợ từ cơ quan quản lý bóng đá thế giới trong một thập kỷ qua, góp phần mở ra những học viện trên khắp cả nước.
Giải vô địch quốc gia Myanmar cũng được thành lập một thập kỷ qua và thu hút doanh nghiệp trong nước.
“Ở đó có rất nhiều tài năng thô, trên khắp quốc gia”, Raddy Avramovic nói. Avramovic là HLV từng giúp Singapore vô địch AFF Cup ba lần từ năm 2003 đến 2012 trước khi có một giai đoạn ngắn làm việc ở đội tuyển Myanmar.
“Thực tế, bạn có thể thấy mọi người chơi bóng ở các làng quê và trên đường phố. Vẫn còn sự hoài nghi về việc nối chiếc cầu giữa tài năng trẻ và các CLB cùng học viện của họ. Điều đó đang diễn ra và cần thời gian để giải quyết”, ông nói.
Quốc gia này cũng giành quyền dự World Cup U20 năm 2015, trao cho các tài năng trẻ cơ hội nếm trải không khí bóng đá quốc tế, giúp họ có bước đi vững chắc tại AFF Cup 2016. Những cầu thủ như Aung Thu đang tạo được sự quan tâm trên toàn châu Á.
Myanmar đặt mục tiêu giành vé dự chung kết giải đấu khu vực trước năm 2020 và lần đầu vô địch trước năm 2024. Họ hy vọng sẽ được tham dự Asian Cup 2023.
Cả hai quốc gia kể trên đều còn nhiều việc phải làm.
Myanmar sẽ cần cơ sở vật chất tốt hơn và trải đều hơn, những điều sẽ tiêu tốn tiền bạc và thời gian. Ở Việt Nam, mục tiêu cải thiện V-League, giải đấu không tốt như kỳ vọng, cần nhiều sự chú ý. Bóng ma dàn xếp tỷ số đã làm giảm sự đầu tư từ các doanh nghiệp mà đáng ra có thể rất mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng cũng đang cố gắng chống lại vấn nạn này.
Giải quyết các vấn đề ở V-League cũng là điều vô cùng quan trọng cho sự phát triển của cả nền bóng đá nói chung ở Việt Nam. Ảnh: Ngọc Dung. |
Nếu thành công, V-League cũng như đội tuyển quốc gia Việt Nam có thể đủ sức cạnh tranh với Thái Lan cho vị trí bá chủ khu vực rồi sau đó trở thành một thế lực ở châu Á. Sự xuất hiện ở U20 World Cup có thể xem là một bước khởi đầu.
“Tiềm năng của họ rất khủng khiếp. Có khoảng 100 triệu người ở quốc gia đó và họ yêu bóng đá. Hầu như không có mấy cuộc cạnh tranh cho việc trở thành VĐV ở các môn thể thao đỉnh cao, vì ai cũng muốn trở thành cầu thủ”, Darby nói.
Và trong số họ, ngày càng nhiều hơn những người trở thành cầu thủ giỏi.
Nguồn: Vn.Express.