Việc ngắm bộ ảnh của nữ nhà văn, hoạ sĩ kiêm luật sư nổi tiếng Amanda Huỳnh làm tôi cảm thấy một điều gì đó đẹp dịu dàng và lan toả. Được biết, cô hiện đang sinh sống và làm việc tại Paris hoa lệ. Nhận được bằng Tiến sĩ năm 28 tuổi và có cơ hội làm quản lý cao cấp cho các tập đoàn doanh tiếng là điều mà cô khiến hội chị em ngưỡng mộ và khao khát có được.
Ở từng tấm hình, tôi thấy chất nghệ sĩ nhẹ nhàng bay bổng trong cô qua từng shoot hình. Thướt tha với những bộ cánh có hoạ tiết hoa tinh tế, cô đích thị là một cô gái sống ở Pháp lâu năm nhưng vẫn giữ được cái hồn của người Việt. Tôi thấy được một nàng hoạ sĩ rất đẹp, rất hiện đại, phóng khoáng vừa kiều diễm, đoan trang. Ngoài ấn tượng với những chiếc đầm hoa, cô cũng rất hợp trong thiết kế cardigan kẻ sọc. Năng lượng toả ra trong từng khoảnh khắc được ghi lại bởi máy ảnh, tôi biết cô đang hạnh phúc và trân trọng những gì mình có được.
Năm 2013, cô được tổ chức nghệ thuật đa quốc gia Art 3F của Châu Âu vinh danh là Tài năng trẻ. Thành công ở nhiều lĩnh vực, cô luôn cổ vũ sống chậm lại để cảm nhận nhiều thứ hơn. Không chạy theo danh vọng hay thành công, cô đang dần hạnh phúc và an yên. Trải qua nhiều biến động trong cuộc sống đặc biệt với giai đoạn dịch bệnh vừa qua, cô trải lòng nhằm giúp bạn trẻ suy nghĩ tích cực hơn. Bên cạnh đó, cô cũng nói thêm về cuốn sách thứ 3 về tựa đề “Nơi chúng ta thuộc về”.
Chị đã từng chia sẻ về việc cuộc sống của mình bị chững lại sau đợt dịch lớn. Vậy sau khi được nới lỏng lệnh cách ly, chị làm thế nào để cân bằng lại cuộc sống?
Không biết có kỳ lạ không khi tôi nhận ra mình yêu những tháng ngày này, những ngày không làm gì cả. Gần nhà tôi là công viên rất to. Giữa công viên có những cột đá gãy đổ in bóng mình trên mặt hồ lặng yên, cạnh hàng cây liễu rũ. Những buổi chiều cách ly, tôi vào công viên đọc sách, nằm lăn lê trên bãi cỏ, ngửa mặt nhìn bầu trời lấp lánh qua những tán cây xanh. Lần cách ly năm trước tôi phát hiện ra cái cây bốn mùa thay lá cạnh bếp sau nhà mình. Và bây giờ cũng thế, mỗi lần rửa chén bên cạnh cửa sổ tôi lại ngắm những nhành cây.
Khi dòng nước mát chảy qua những kẽ tay, tôi lại nhớ đoạn văn tôi đọc trong một cuốn sách hơn mười năm về trước. Lúc ấy tôi đang ở đáy cùng của miền tuyệt vọng. Trái tim tan nát, tôi lao vào những cuộc vui, những mối tình, rồi không thể nguôi ngoai tôi tìm lên chùa để mong cầu an lạc. Một chiều, khi mọi người quây quần tụ tập bên nhau, tôi bật khóc. Tôi nhận ra nỗi cô đơn nhân lên gấp bội khi ở chốn đông người mà nơi ấy không thuộc về mình. Đêm ấy rời chùa trở về nhà, tôi vô tình đọc được mẩu chuyện nhỏ của Thích Nhất Hạnh về việc sống trong từng phút giây và cảm thấy hạnh phúc trong cả công việc nhàm chán nhất như là rửa chén. Mười năm trôi qua, kể từ ngày ấy, mỗi lần rửa chén, tôi luôn cảm thấy biết ơn khi dòng nước mát chảy qua kẽ tay mình.
Những đêm không ngủ được, tôi đặt chiếc ghế cạnh cửa sổ ngồi nhìn bầu trời khuất lấp bởi những toà nhà Hausmann. Trời vừa lất phất mưa xong, một cây gì không biết đổ hoa đầy một góc sân nhỏ. Gần sáng, không tiếng xe, không tiếng người, không một xao động nào cả. Một sự yên lặng gần như tuyệt đối. Tôi bỗng nhận ra sự thinh lặng tuyệt đối cũng có những âm thanh. Những âm thanh ấy khiến chúng ta nhận ra miền yên lặng. Như thể muốn có trắng phải có đen, muốn biết được đêm thâu phải nhận ra ánh sáng.
Tôi từng làm nhiều công việc, đến nhiều đất nước, nhịp đời tất bật hối hả, đôi khi ngẫm lại thấy mình sống cũng nhiều. Kỳ lạ thay, những tháng ngày này, nhìn hàng liễu mướt xanh, tán cây bên cửa bếp, tiếng côn trùng suốt đêm thâu hay khoảng sân phủ đầy hoa nhỏ, tôi chợt nhận ra thật ra mình cũng đang sống sâu, sống nhiều nhưng ở một chiều kích khác của cuộc sống.
Được biết đến là một nữ luật sư xinh đẹp kiêm nhà văn với nhiều tài năng thiên bẩm, chị đã từng gây áp lực hay đặt nặng vấn đề mình phải thật thành công?
Thành thật trả lời thì lúc trẻ tôi có chút áp lực nhưng bây giờ thì hoàn toàn không. Tôi vô tình xem được viral của một speaker help-self Việt Nam, anh kể bố anh đã dạy rằng: để thành công, con luôn phải là người đứng đầu, người giỏi nhất. Tôi mỉm cười vì rất nhiều người trong đó có tôi, đã từng phải sống một cuộc đời không thể về nhì ấy. Chúng tôi hối hả chen lấn, lao mình vào những cuộc đua. Cũng từng ấy lần chạm tay vào chiến thắng rồi nhận ra sau tất cả những hy sinh, nó không hạnh phúc như mình tưởng tượng. Chúng ta lại mơ những thành công khác, những đỉnh núi khác, những tưởng sẽ hạnh phúc hơn. Rồi vòng tròn xưa lập lại. Chúng ta khát khao thành công và cùng lúc phủ định chính nó. Tiếp tục áp lực trước những thành công, tiếp tục khát khao nó và tiếp tục cảm thấy lạc lõng khi có nó.
Không biết có phải bản thân ngày càng già đi hay không nhưng tôi không còn áp lực ấy nữa. Ở một thời điểm, tôi bỗng nhận ra điều mình cần, điều mình thấy đủ, những bước chân sau đó bỗng nhẹ tênh. Không phải tôi không còn ước mơ hay phấn đấu. Những ước mơ bây giờ thậm chí còn lớn lao và hoang đường hơn những ước mơ ngày xưa. Nhưng việc thực hiện nó không còn ảnh hưởng đến hạnh phúc mỗi ngày của tôi nữa. Khi cất được nỗi áp lực như bầu trời vần vũ đặt lên đàn chim mỏi cánh trong những đêm giông tố, tôi thấy con đường mình đi nhẹ nhàng và trải rộng. Trong khoảng không bao la xanh biếc của bầu trời không bão tố, cánh chim tôi nhẹ nhàng bay cao bay xa với niềm hạnh phúc thường nhật giản đơn và đủ đầy.
Có bao giờ chị nghĩ, việc mình gặt hái nhiều thành công sẽ vô tình trở thành rào cản để nhiều người đàn ông khác có thể bước vào cuộc đời chị?
Tôi không thực sự biết có rào cản nào không, có lẽ một chút ít vì bạn bè tôi thường bảo vậy. Nhưng sẽ tiếc quá nếu chúng ta phân loại và định lượng những điều thuộc về tình yêu. Cuộc sống xung quanh bao la và muôn vàn những điều tuyệt diệu. Tôi nhớ một câu hát trong “Chuyện tình thảo nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến: “Đôi khi tình yêu vẫn thế, yêu nhau chỉ vì yêu nhau”.
Điều đẹp đẽ và tuyệt vời nhất là chúng ta được tự do. Tự do yêu. Tự do được yêu mà không bận tâm suy nghĩ về bất cứ luận lý nào. Những năm tháng thanh xuân tôi bước vào tình yêu như một loài hoa dại. Và bây giờ cũng thế. Mấy chục năm sau, tôi vẫn thấy mình là một cô bé con mặc chiếc đầm lộng lẫy và đẹp đẽ nhất, hăm hở đứng cạnh chiếc đu quay tình yêu, để chờ đợi đến lượt mình. Bao năm rồi vẫn thế, tôi vẫn luôn sẵn sàng nhảy lên hay nhảy xuống một chuyến tàu để sống những tháng ngày yêu đương dù ngắn ngủi hay dài lâu, dù chàng trai ấy là ai, ở độ tuổi nào, cao sang hay nghèo khó. Điều duy nhất cần có giữa hai tâm hồn khác biệt là sự tôn trọng và cảm thông. Điều quan trọng nhất khi ở cạnh một người là nhận ra và luôn tìm thấy chính mình trong mối quan hệ ấy.
Trong cuốn “Ánh sáng vô hình” của Anthony Dierr, trong đêm đầu tiên, duy nhất và cuối cùng Werner và Marie-Laure ở cạnh nhau, anh đã nghĩ “liệu có một phép màu nào đó để họ có thể trốn ở đây cho đến khi cuộc chiến kết thúc, anh sẵn sàng làm bất cứ điều gì, để một ngày anh có thể nắm những ngón tay cô trong lòng bàn tay mình, rời khỏi ngôi nhà đi đến một nhà hàng, gọi một bữa ăn đơn giản cho hai người và cùng ăn trong niềm im lặng. Sự im lặng dễ chịu của những người yêu nhau”. Bạn biết không, tôi ước ao một buổi chiều mưa rơi ngoài cửa sổ, có những cơn gió thi thoảng thổi tung tấm rèm. Và bên trong căn phòng, tôi và người đàn ông tôi yêu nằm gối đầu lên nhau, đọc những cuốn sách của mình trong im lặng. Sự im lặng bình thản và hạnh phúc của những người yêu nhau mà Anthony đã nói.
Một người, ở cạnh mình không phải vì mình là lựa chọn tốt nhất của họ, mà bởi đơn giản vì họ yêu. Tôi vẫn đợi chờ người đàn ông ấy. Bình thản đợi chờ cho đến lúc họ xuất hiện hoặc không xuất hiện và tận hưởng mỗi ngày hạnh phúc của sự tự do.
Có nhiều người nghĩ lệnh cách ly là cơ hội tốt để tự thu mình vào thế giới riêng vì chán ngấy cuộc sống ngoài kia. Là một người phụ nữ am hiểu nhiều khía cạnh và có vô vàn trải nghiệm, ắt hẳn chị đã gặp phải nhiều mặt tốt, mặt xấu, có bao giờ chị nghĩ xã hội thật phức tạp và muốn lẫn trốn đi đôi chút?
Đúng là có những ngày nhiều thứ xung quanh chúng ta quay cuồng. Những con người không ngừng đấu tố, không ngừng khoe khoang, không ngừng hơn thua, không ngừng chứng minh hay kiếm tìm sự hoàn hảo.
Việc tìm kiếm sự hoàn hảo bên ngoài thật ra phản ánh sự thiếu hụt mất mát nào đó bên trong nơi tiềm thức. Bởi sư phô trương ấy đang chứng minh một nhu cầu muốn được lắng nghe, muốn được nhìn thấy, muốn được tung hô, muốn được mọi người biết mình đang sở hữu một điều gì đó. Nỗ lực phô trương bên ngoài càng lớn bao nhiêu chứng tỏ nội tâm thiếu thốn bấy nhiêu. Suy cho cùng, sự tỏ ra bên ngoài ấy chỉ là một hình thức cố lấp đầy. Nhưng càng lấp đầy bên ngoài, thì hố sâu bên trong và bên ngoài càng lớn. Bởi gốc rễ nằm ở sự thiếu hụt bên trong.
Thế nên, trong những ngày như thế, nhìn những việc như thế, tôi không thấy buồn, không thấy mình cần trốn đi, mà thấy mình cần ở lại. Thấy mình cần kiên nhẫn và thấu cảm nhiều hơn, để im lặng và lắng nghe. Biết đâu đủ duyên may, sự kiên nhẫn ấy có thể xoa dịu một phần nào đó của một tâm hồn nào đó. Và cuốn sách thứ ba này tôi muốn viết về điều ấy, viết về con đường đưa chúng ta đến sự bình ổn và đủ đầy từ bên trong, con đường đưa chúng ta nơi chúng ta cần thuộc về.
Trải qua nhiều đợt dịch, chắc chị đã có kinh nghiệm và các phương án dự phòng trong việc sắp xếp công việc hiện tại và phát triển dự án mới, chị có thể chia sẻ điều này với mọi người?
Như tôi đã chia sẻ, những ngày nghỉ ngơi này tôi viết và vẽ cho cuốn sách thứ ba. Tôi đã đi một chặng đường dài từ một đứa trẻ nghèo khó, tự ti và khắc kỷ để trở thành tôi ngày hôm nay dẫu rằng vẫn còn muôn vàn thiếu sót. Tôi nhận ra so với chính mình trước đây tôi đã bình yên hơn nhiều lắm. Tôi đã kể với bạn về tự do yêu và tự do được yêu. Trên con đường đó chúng ta còn phải học cách tự do tha thứ nữa.
Một chuyện tình bất thành chắc chắn có trách hờn và thất vọng. Trái tim vừa tuyệt vọng vừa nhớ thương và không thể nào quên đi người cũ. Bạn có nhận ra một điều thật giản đơn: còn hờn trách nghĩa là còn mong mỏi. Chúng ta không bao giờ hờn trách người dưng gặp vội trên đường. Mà nếu còn mong mỏi nghĩa là còn chờ đợi. Bạn làm sao bắt được trái tim quên được một người mà mình vẫn còn yêu và vẫn còn chờ đợi chứ.
Để bước qua điều đó, chỉ có một cách thôi, tha thứ cho họ vì những điều họ đã làm hay chưa làm. Chấp nhận họ là như thế và không đợi chờ điều gì thay đổi cả. Chấp nhận sự thật rằng họ không phải người dành cho mình, chấp nhận họ là một cơn gió mát qua nhanh trong một chiều thu ngột ngạt. Chỉ khi nghĩ về người cũ với sự nhẹ nhàng và trân trọng, trái tim mới vượt qua được vực thẳm của tình yêu, quên đi hình bóng đó và bình thản tiếp tục hành trình yêu thương trước mặt.
Tôi hy vọng cuốn sách thứ ba của mình sẽ là một nốt nhạc nhẹ nhàng trầm lắng xoa dịu những vết thương lòng của những trái tim yêu trong bản giao hưởng rộn rã và tươi vui của cuộc đời.
Nếu đợt dịch này được lắng xuống và “cầm tấm vé trên tay” để bay đến nơi xa thì chị muốn ghé thăm nơi nào nhất?
Tôi nghĩ nếu được lựa chọn, có lẽ tôi sẽ lựa chọn thức dậy ở một nơi nào đó, mở cửa, thấy ban mai sáng lên trên những cánh đồng, rặng núi của quê hương mình. Nếu được lựa chọn, tôi muốn những ngày này, được đặt bàn chân mình trên những lối mòn tôi đã đi qua từ thời tấm bé. Bởi, quê hương là một điều kỳ lạ, luôn khiến chúng ta hạnh phúc và đớn đau nhất trong bất kỳ hành trình nào của cuộc người.
Những ngày này, mỗi sáng thức dậy ngước nhìn bầu trời xám đục, tôi ước ao mình sẽ bay về một nơi có dải cát dài và trắng. Có cánh hải âu vờn trên những con sóng bạc đầu. Có hàng dương xanh rì rào hai mùa gió lộng. Có con đường phố biển mà tôi của mười sáu tuổi vẫn đạp xe qua. Trong giấc mơ đó, tôi sẽ về thành phố miền Nam không bao giờ ngủ, góc phố chằng chịt dây điện và những ngọn đèn đường. Bên kia cây cầu, phía cuối con kênh, có căn gác trọ mái tôn, ngày nắng nóng chín người, đêm mưa rơi rền rã. Trôi về tiếng rao xôi khúc, bánh giò, bánh mì đặc ruột, thơm bơ. Trôi về tiếng chuông nhà thờ có đàn bồ câu gù gù yên bình dạo quanh, tượng thờ Đức Mẹ. Và chắc chắn, tôi sẽ trôi về một buổi trưa hè nắng dịu, gió thổi ngan ngát trong khu vườn xanh mướt mới tưới của ba tôi. Ngửa cổ nhìn lên trời qua những vòm xanh, qua những nhành lan rừng mới cắt, mà thấy chưa bức tranh hoạ sĩ nào đẹp được dường như vậy.
Buổi sáng không mặt trời, khi tàu điện vụt ra khỏi hầm lao vào khung nền tối tăm ảm đạm mà thứ ánh sáng duy nhất được hắt từ những đèn hiệu hai bên đường, nhìn những hạt mưa giăng giăng qua lớp bụi mờ ánh sáng, tôi nghĩ nếu được lựa chọn, tôi muốn được ở trên mảnh đất quê hương những ngày này, được ở cạnh ba má tôi, nắm được bàn tay, ăn được bữa cơm, thấy được ánh mắt, nụ cười trên khuôn mặt đấng sinh thành gió sương mà rạng rỡ. Và giá luôn được như thế, cho đến khi cuộc sống lấy đi hơi thở trong trái tim mình!