Top Game hot từng gây sốt trên cộng đồng mạng.

      Nếu cần tìm một tựa game đang hot nhất trên mạng xã hội hiện nay, có lẽ câu trả lời bạn nhận được không gì khác ngoài “Eighth Note”. Thay vì dùng các ngón tay, bạn sẽ phải dùng đến giọng nói để điều khiển nhân vật game vượt qua các chướng ngại vật. Tùy thuộc vào âm lượng của bạn mà nhân vật trong game sẽ di chuyển nhanh/chậm, dài/ngắn, cao/thấp khác nhau…

1.Eighth Note

Cũng chính bởi cách chơi độc đáo này mà cộng đồng mạng còn gán cho game một biệt danh siêu “dễ thương”:- trò chơi khiến game thủ dễ bị “ăn đập” nhất. Hãy cứ tưởng tượng xem, bạn ngồi cạnh một người đang chơi Eighth Note, và họ liên tục “a”, “ô” từ trầm sang bổng, nhiều lúc thì hét lên như đang luyện hát Opera, bạn sẽ thấy thế nào? 

Vậy nên, khuyến cáo với các fan cuồng Eighth Note: Hãy tìm nơi kín đáo chút để chơi, vừa thoải mái hò hét, vừa… không bị “ăn đập”!

2.Pokemon Go:

Bạn chưa quên “cơn sốt” này đúng không nào? Đây có thể coi là một game đi tiên phong trong việc tương tác thực tế ảo. Để săn được các Pokemon, người chơi không thể ngồi yên một chỗ mà buộc phải di chuyển đến các địa điểm khác nhau hiện trên bản đồ.

Ngay sau khi ra đời, Pokemon Go đã gây lên một cơn sốt trên toàn cầu. Người người đổ ra đường đi săn Pokemon. Người ta thích thú khi lần đầu tiên có một trò chơi kéo họ ra khỏi nhà chứ không phải ngồi lỳ góc phòng như trước kia nữa.

Tuy nhiên, sau một thời gian thịnh hành, người ta nhanh chóng nhận ra những mặt trái của trò chơi này. Ở Hà Nội thời điểm đó, không khó bắt gặp hàng chục bạn trẻ đứng trên vỉa hè hay quanh các địa điểm công cộng, mắt dán vào điện thoại để săn Pokemon. Chưa hết, để săn Pokemon dễ hơn, nhiều người còn cả gan thay đổi cả định vị trên Google Maps! Và rồi thì kết cục cũng đã đoán trước, trò chơi này sau một thời gian được tung hô thì cũng đã dần trôi vào quên lãng. Đến thời điểm này, hẳn không còn mấy bạn đi săn Pokemon nữa.

3.Flappy Bird:

Cũng từng làm “điên đảo” cộng đồng các game thủ, “chú chim vỗ cánh” của Nguyễn Hà Đông được nhớ đến là một trò chơi với thiết kế đồ họa đơn giản, luật chơi dễ hiểu nhưng cực khó săn điểm!

Để chơi trò chơi này, người chơi phải điều khiển chú chim (nhân vật của game) bay liên tục mà không chạm phải các ống khói có độ dài ngắn khác nhau. Cứ qua một cặp ống thì điểm số tăng thêm 1. Nghe thì đơn giản nhưng để giành điểm số cao thì không dễ chút nào.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, Flappy Bird đã vươn lên vị trí dẫn đầu về số lượt tải trên Google Play cũng như App Store. Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến “cha đẻ” của nó cảm thấy bị áp lực bởi những chỉ trích, nghi ngờ liên quan đến sản phẩm của anh. Kết cục, vào tháng 2 năm 2014, Flappy Bird đã bị chính Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ, gây sự tiếc nuối lớn trong cộng đồng công nghệ Việt Nam và thế giới.

Hải Nguyễn – Saostyle.vn