Nghệ sĩ đa tài Tia-Thủy Nguyễn tiếp tục tổ chức triển lãm cá nhân tại Paris với 20 tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện với tên gọi “Lấp lánh giữa Bao la – Sparkle in the Vastness”.
Mới đây, Tia-Thủy Nguyễn đã công bố triển lãm cá nhân mang tên Lấp lánh giữa Bao la tại Almine Rech Gallery – một trong những phòng triển lãm nghệ thuật tầm cỡ trên thế giới bằng một triển lãm cá nhân từ 11/1 đến 24/2/2024.
Cơ duyên “gặp gỡ” Almine Rech
Thành lập từ năm 1997 bởi doanh nhân và nghệ sĩ người Pháp – Almine Rech, rất nhanh chóng, Almine Rech đã trở thành một trong những phòng triển lãm nghệ thuật hàng đầu tại Paris và trên thế giới. Hiện phòng triển lãm có nhiều chi nhánh trên thế giới như Brussels, London, New York, Shanghai và Bruxelles. Almine Rech là một gallery kinh nghiệm trong việc tạo cơ hội và không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giới thiệu những tài năng mới.
Bên cạnh vận hành phòng triển lãm nổi tiếng, bà cũng là người đồng sáng lập FABA (Fundación Almine y Bernard Ruiz-Picasso), tổ chức chuyên bảo vệ di sản của Pablo Picasso và duy trì một kho lưu trữ phong phú các tác phẩm của ông.
Đại diện của Almine Rech cho biết đã nghiên cứu, theo dõi hành trình nghệ thuật của Tia-Thủy Nguyễn từ lâu và nhận thấy tài năng cũng như sự tâm huyết của cô thông qua các tác phẩm. Vì vậy, Almine Rech quyết định ngỏ lời mời để tổ chức một triển lãm cá nhân dành riêng cho Tia-Thủy Nguyễn và chọn thời điểm đầu năm 2024 để tổ chức như một dấu mốc rực rỡ khởi đầu năm mới.
Tia-Thuỷ Nguyễn cũng chia sẻ về cơ duyên tốt đẹp: “Sự kết hợp này không chỉ là việc hợp tác về mặt nghệ thuật, mà còn là sự giao thoa giữa hai tư duy sáng tạo. Tôi mang đến những ý tưởng và quan điểm riêng của mình thông qua tác phẩm, trong khi Almine Rech có sự chuyên môn và kinh nghiệm trong việc đưa ra ý kiến và tư vấn nghệ thuật. Với tôi, đây chính là cơ duyên giữa tác giả – tác phẩm – khán giả”.
Bầu trời với những đám mây lấp lánh thực sự
Sáng tạo nghệ thuật Lấp lánh giữa Bao la được lấy ý tưởng từ bầu trời và những đám mây, thế nhưng thay vì thể hiện một cách rõ nét, Tia-Thủy Nguyễn đã tạo nên những đám mây bằng cả những yếu tố được thể hiện hữu hình và cả vô hình.
Những câu chuyện được kể bởi Bố về sự nghiệp không quân đã ảnh hưởng đến khả năng quan sát sắc bén và sự tò mò của Tia-Thuỷ Nguyễn, cũng như cách cô sống và đối diện với thế giới xung quanh. Nữ nghệ sĩ đã học được sự kiên nhẫn, quyết tâm và sự phấn đấu từ thành công của Bố, và đã áp dụng những giá trị này vào cuộc sống và nghệ thuật của mình. Tia-Thuỷ Nguyễn bộc bạch: “Tôi hy vọng rằng Lấp lánh giữa Bao la sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời và tạo nên sự “lấp lánh” trong lòng của người thưởng thức”.
Bên cạnh đó, các tác phẩm cũng được lấy cảm hứng từ cuốn sách Con đường tôi đi – Con đường của mây trắng (1975) của Osho. Năm 2018, Tia-Thủy Nguyễn bắt đầu tập trung quan sát sự tương tác giữa ánh nắng, gió và mây, tạo nên những hình thù vật lý và màu sắc khác nhau trên bầu trời. Cô luôn xem bản thân mình như một đám mây, phóng chiếu những tâm tư tình cảm lên hình dáng của chúng, biến đổi theo cơn gió. Những bức tranh là nhật ký hành trình của Tia-Thủy Nguyễn, được viết từ một điểm ngắm mây khác lạ từ cửa sổ máy bay nhìn xuống tầng đối lưu.
Để thể hiện được nhiều sắc thái của các đám mây trên bầu trời cao qua lời kể của một cựu lính không quân, Tia-Thủy Nguyễn đã chọn nâng cấp và thể nghiệm kỹ thuật sáng tác mới. Cô phát triển trên các màu sơn khác nhau, sử dụng hàng ngàn hạt cườm lấp lánh, hàng nghìn mét sợi len nhiều màu sắc kết hợp cùng sợi đay và vải sợi tre để tạo nên sự tương tác sống động rực rỡ. Từ đó mang lại hiệu ứng hài hoà giữa ánh sáng và bóng tối trên bề mặt các tác phẩm của mình.
Sự độc đáo của bộ sưu tập này không chỉ dừng lại ở ý tưởng và chất liệu mà còn là cách cô nàng nghệ sĩ đa tài điều khiển ánh sáng trên bề từng hạt cườm trong suốt và lấp lánh. Chỉ cần một sự rung động nhỏ lên tác phẩm, những hạt cườm sẽ có những chuyển động trên bề mặt, khiến những đám mây đôi khi nhẹ nhàng êm ả nhưng cũng sẽ có lúc mạnh mẽ mãnh liệt. Tuỳ vào môi trường tác phẩm được đặt vào và cảm nhận, mỗi người xem sẽ những đám mây của mình. Ánh sáng phản chiếu xung quanh bề mặt và liên tục thay đổi kết cấu tác phẩm được ví như trò chơi đuổi bắt không hồi kết vì vậy sẽ không ai có thể trải nghiệm tác phẩm của Tia-Thủy Nguyễn theo cùng một cách hai lần.