Nguyên tắc 20-20-20: Bí quyết giúp bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh cho trẻ

Khi trẻ bị mất thị giác thì trẻ có những biểu hiện sau đây: mi mắt có thể bị sưng to do trẻ hay dụi mắt, khi chụp ảnh dưới ánh đèn flash sẽ thấy mắt trẻ có một đốm trắng chính giữa.

Chương trình Bác sĩ nhi khoa phát sóng lúc 17h50 chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7 với chủ đề “Ảnh hưởng của thiết bị điện tử đến thị lực của trẻ”. Chương trình với sự dẫn dắt của MC Hải Triều cùng Bác sĩ Bùi Trung Hậu – Bác sĩ Chuyên khoa 1, Bệnh viện Quận 10, TP.HCM.

Mở đầu tình huống, người mẹ mệt mỏi dẫn con về nhà thăm chị gái. Biết được cháu mới đi khám mắt về, người chị hỏi em gái tình hình sức khỏe của cháu. Hiểu được nỗi lo lắng của chị, em gái nhanh chóng trả lời: “May quá, do em phát hiện mắt của Bi có vấn đề và thăm khám sớm nên chỉ mới bị cận nhẹ thôi, chứ không có quá nặng”. Nghe vậy, người chị liền hớn hở nói: “Trời ơi, may quá cuối cùng cháu chị cũng bị cận. Bị cận rồi có thể đeo kính nhìn tri thức và rất thông minh. Giống như thần đồng vậy, nhà mình chưa có ai được gọi là thần đồng đâu”.

Em gái nhìn thấy người chị vui vẻ như vậy cảm thấy phiền lòng: “Chị nói gì kì vậy, cháu nó bị cận rất hại cho mắt mà chị lại nói may mắn. Hiện tại phải lo chữa trị chứng cận thị cho thằng bé”. Người chị nghe vậy cũng không đồng tình với em gái, khẳng định cháu mình là thần đồng khi có thể thao tác thuần thục trên điện thoại. Khi thấy con cúi đầu vào điện thoại, người mẹ liền biết được nguyên nhân khiến con trai mình bị cận và còn ngăn cản chị không được đưa điện thoại cho cháu chơi. Hai chị em bất đồng quan điểm, hết cách người em mời bác sĩ có chuyên môn tư vấn về vấn đề ảnh hưởng của thiết bị điện tử đến thị lực của trẻ. 

Chia sẻ về những biểu hiện khi trẻ bị mất thị lực, Bác sĩ Bùi Trung Hậu cho biết: “Trẻ em mới sinh ra thì chỉ nhìn được những vật ở cự ly rất gần. Từ 6 tháng tuổi trở đi thì cơ quan thị giác của trẻ mới bắt đầu phát triển và thị lực sẽ đạt ổn định khi trẻ lên 10. Khi trẻ bị mất thị giác thì trẻ có những biểu hiện sau đây: mi mắt có thể bị sưng to do trẻ hay dụi mắt, khi chụp ảnh dưới ánh đèn flash sẽ thấy mắt trẻ có một đốm trắng chính giữa. Nếu như ba mẹ thấy trẻ có những biểu hiện trên thì cần đưa con đến bác sĩ để điều trị và thăm khám”.

Chia sẻ về ảnh hưởng của thiết bị điện tử đến thị lực của trẻ, nam bác sĩ cho biết thêm: “Theo xu hướng của thế giới thì việc giảm sử dụng giấy thì đang là trào lưu nên việc các bạn trẻ đi học ở thời điểm hiện tại thầy cô cho sử dụng thiết bị điện tử cũng không còn quá xa lạ. Tuy nhiên việc tiếp xúc sớm và thời gian sử dụng dài hơn thì sẽ ảnh hưởng đến thị giác. Khi mà các bạn sử dụng thị lực nhiều thì mắt phải điều tiết nhiều hơn. Nếu sử dụng trong thời gian dài thì các bạn sẽ bị mỏi mắt, nhức mắt, nhức đầu, chóng mặt”.

Nói về những phương pháp hạn chế ảnh hưởng của các thiết bị điện tử đến thị lực của trẻ, bác sĩ Bùi Trung Hậu chia sẻ: “Đầu tiên chúng ta cần phải hạn chế sử dụng thiết bị điện tử khi không cần thiết. Nếu bắt buộc phải sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài thì chúng ta có thể sử dụng nguyên tắc 20-20-20. Đó chính là sử dụng 20 phút, nhìn xa trong vòng 20 giây trong vòng 20 feet khoảng 6m, chúng ta áp dụng cơ chế đó để làm giảm thiểu sự tác động của thiết bị điện tử lên mắt”.

Bác sĩ nhi khoa được phát sóng định kỳ lúc 17h50 chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7. Chương trình do Công ty Truyền Thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình  TP.HCM thực hiện.