Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ về truyện dài được chuyển thể thành phim “Ngày xưa có một chuyện tình”

Là cuốn sách được tái bản đến 14 lần của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “Ngày xưa có một chuyện tình” gây ấn tượng bởi câu chuyện nhẹ nhàng, lãng mạn mà thấm đẫm suy ngẫm về tình yêu và sự trưởng thành.

Trong cuốn sách “Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp” (2017, NXB Trẻ), nhà thơ Hữu Việt viết về điểm khác biệt của Ngày xưa có một chuyện tình: “Điều khác của cuốn sách này so với những cuốn trước là các nhân vật nhí của tác giả (Phúc, Vinh, Miền) đã lớn lên. Họ phải đối mặt với những ràng buộc kèm theo là toan tính, tội lỗi và trừng phạt, lòng cao thượng và sự trả giá. Bạn đọc sẽ thấy một bổ sung hoàn chỉnh của Nguyễn Nhật Ánh người lớn cho Nguyễn Nhật Ánh trẻ con mà ta từng biết, từng quen, từng yêu thích”. 

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh – người sẽ cầm trịch bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình cũng chia sẻ sự đặc biệt của tác phẩm: “Tôi nghĩ mình tìm được sự kết nối trong không khí và màu sắc của truyện, nên đã mạnh dạn bước vào dự án này. Bộ phim chắc chắn sẽ không thể thiếu sự chân thành của cảm xúc, sự dịu dàng trong những biểu hiện tình cảm và cả những giây phút dữ dội của lựa chọn với chân lý là tình yêu”. 

Có thể thấy, khi những trang sách thú vị của Ngày xưa có một chuyện tình chuẩn bị thành hình trên màn ảnh rộng, nhiều khán giả không giấu được sự hào hứng, nhưng đây cũng là thử thách cho ê-kíp để tạo nên một bộ phim chất lượng, giữ được linh hồn của tác phẩm gốc. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, đại diện Nhà sản xuất và nhóm biên kịch đã có buổi gặp gỡ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong thời điểm tiền kỳ của dự án để lắng nghe chia sẻ của chính tác giả về truyện dài Ngày xưa có một chuyện tình

Nói về cảm xúc khi thêm một tác phẩm của mình được chuyển thể thành phim điện ảnh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết: “Tôi nghĩ chắc nhà văn nào cũng vậy, khi ngồi vào bàn đều cố làm sao viết cho được một cuốn sách thật hay chứ không nghĩ đến chuyện cuốn sách của mình khi chuyển thể điện ảnh thì nó sẽ như thế nào. Những suy nghĩ ngoài lề như thế dễ khiến người viết bị phân tâm. Tất nhiên khi sách đã in ra rồi thì nhà văn có quyền để đầu óc bay bổng.

Riêng tôi thì tôi không nghĩ ngợi nhiều lắm về chuyện này. Bởi tôi biết cũng nhân vật tiểu thuyết đó, một trăm người đọc sẽ có cho mình một trăm hình ảnh khác nhau – tùy theo tính cách và trải nghiệm của từng người. Đạo diễn cũng thế thôi. Trịnh Đình Lê Minh sẽ hình dung ra Vinh, Phúc, Miền theo sự cảm nhận, óc tưởng tượng, theo cá tính và thiên hướng sáng tạo của anh ấy. Với tư cách một nhà văn, tôi chỉ mong từ nguyên liệu văn học, đạo diễn sẽ sáng tạo nên một bộ phim thành công, đặc biệt là chạm vào cảm xúc của người xem, vậy là tốt rồi”. 

Đồng thời, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng chia sẻ về đoạn văn đặc sắc trong Ngày xưa có một chuyện tình, đánh dấu lần đầu tiên ông miêu tả trực tiếp chuyện gần gũi nam nữ: “Một vài tác phẩm khác của tôi cũng có những nhân vật nữ có thai và sinh con. Nhưng đúng là trong Ngày xưa có một chuyện tình lần đầu tiên tôi miêu tả trực tiếp chuyện gần gũi nam nữ. Tôi vẫn nhớ đoạn văn này “Không rõ do Phúc, do tôi hay do nỗi đau khổ bất thần ập đến như sóng xô bờ mà hai đứa tôi ngã xuống chiếc vạt tre cũ kỹ và ọp ẹp trong chòi.

Và những gì xảy ra tiếp theo hầu như đã vuột khỏi sự kiểm soát của tôi, lại có vẻ như tôi thuận tình làm thế thay cho một lời hẹn ước dài lâu. Đêm đó, giữa tiếng côn trùng rả rích, trong tiếng gió lao xao trên mái chòi, trong tiếng cỏ không ngừng xào xạc ở ruộng dưa bên ngoài, tôi đã trao cho Phúc tất cả, không so đo, không do dự, thậm chí cũng không hề nghĩ ngợi. Mọi chuyện diễn ra tự nhiên như thể tôi đang lặp lại theo trí nhớ điều mà thực ra tôi chưa từng trải qua”. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hài hước nói: “Bây giờ đọc lại, tôi vẫn thấy buồn cười vì không biết hai người họ… đang làm gì. Tôi miêu tả trực tiếp chuyện đó một cách… gián tiếp đến nỗi nhiều bạn đọc nhỏ không hiểu làm sao mà họ lại có em bé. Để chuyển được đoạn văn mơ hồ này thành hình ảnh cụ thể, tôi nghĩ đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh phải có trí tưởng tượng rất phong phú”. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ thêm, từ trước đến nay, ông không áp lực hay lo lắng khi một tác phẩm của mình được chuyển thể thành phim: “Khi cuốn sách hoàn tất và đến tay công chúng là tôi đã xong trách nhiệm của một nhà văn rồi. Tôi cho rằng áp lực lúc này thuộc về đạo diễn nhiều hơn”.